Ngày thi thứ 3 kỳ thi THPT quốc gia năm 2015:

Đề Địa lý quá dễ, Hóa lại... quá khó !

Thứ bảy, 04/07/2015 09:20

(Cadn.com.vn) - Trong ngày thi thứ 3 kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, tại Cụm thi 27 do ĐH Đà Nẵng chủ trì có 6 thí sinh bị đình chỉ thi vì lý do mang tài liệu và ĐTDĐ vào phòng thi (trong đó, môn thi Địa lý có 5 thí sinh, Hóa: 1 thí sinh). Môn thi Địa lý, có 7.769 thí sinh/7.976 thí sinh đăng ký dự thi có mặt tại các HĐT để làm bài, vắng 207 thí sinh, đạt tỉ lệ 97,40%; môn Hóa vắng 322 thí sinh/16.558 thí sinh đăng ký dự thi, đạt tỉ lệ 98,06%. Tính đến hết ngày thi thứ 3, có trên dưới 10 HĐT/29 HĐT của Cụm thi 27 kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 3 ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, tại Cụm thi 27, tình hình ANTT trước, trong và ngoài phòng thi được đảm bảo; công tác coi thi nghiêm túc, đúng quy chế.

Nụ cười của thí sinh là quân nhân sau khi kết thúc môn Hóa tại HĐT Ngô Quyền. Ảnh: P. Thủy 

Quá dễ để lấy điểm trung bình môn Địa lý

Nhận xét về môn Địa lý, nhiều thí sinh cho rằng, các em không ngờ đề thi lại dễ đến thế. Theo đó, chỉ cần ôn bài tốt, có kỹ năng phân tích là có thể đạt trên điểm trung bình. Thí sinh Đoàn Thị Ngọc Anh (HS Trường THPT Phan Châu Trinh, dự thi khối B, đăng ký dự thi môn Địa lý để xét tốt nghiệp) nhận xét: "Em không ngờ đề Địa lý năm nay lại ra dễ đến vậy. Chỉ cần học bài là có thể làm đạt trên điểm trung bình. Trong đó, có câu chỉ cần dùng Át lát là sẽ làm được ngay. Em chỉ mất 1,5 tiếng là làm xong môn Địa lý, nhưng vẫn phải ngồi trong phòng thi chờ đến 2/3 thời gian mới được phép ra khỏi phòng thi theo quy định. Theo em, đề thi Địa lý năm nay xét ở cả hai cấp độ để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ (khối C) đều quá dễ, không có gì đánh đố thí sinh...".

Nhiều thí sinh của tỉnh Quảng Nam vui vẻ cho biết thêm, các em "trúng tủ" ở câu hỏi liên quan đến vấn đề kinh tế biển. Bởi trước đó, trong kỳ thi thử do Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam tổ chức và kể cả trong thi học kỳ đều đã ra nên phần này các em ôn tập rất kỹ. Tuy nhiên, một số thí sinh cũng cho rằng, câu IV phần 1 hơi khó đối với những bạn học tủ, học vẹt, không nắm chắc kiến thức cơ bản. So với đề Địa lý minh họa được thi thử trước đó, hầu hết thí sinh đều có chung nhận xét, đề thi Địa lý năm nay quá dễ, tính vận dụng của đề thi không cao...

Tuy nhận xét đề Địa lý năm nay dễ, nhưng phần lớn các TS đăng ký dự thi môn này chỉ để xét tốt nghiệp lại không làm hết tất cả 4 câu trong đề thi dù còn dư thời gian làm bài. Các em giải thích lý do rằng, chỉ cần làm đạt trên 6 điểm đối với môn thi này là đủ. Vì thế, dù còn dư thời gian nhưng các em vẫn quyết định nộp bài sau 2/3 thời gian làm bài để ra về chuẩn bị cho các môn thi sau.

Đề Hóa quá khó

Khác với tâm trạng vui vẻ, phấn khởi của buổi sáng, trong môn thi Hóa buổi chiều, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng không vui vì đề Hóa quá khó. Thí sinh Bùi Văn Hội (TS tự do, chiến sĩ đang công tác tại Binh chủng Phòng không Không quân thuộc Trung đoàn Tên lửa 282, Sư đoàn 375, thi tại HĐT Ngô Quyền) cho biết: "Trong 50 câu hỏi trắc nghiệm, có khoảng trên 20 câu là hóa vô cơ, còn lại là hữu cơ. Trong đó, phần hóa hữu cơ có những câu còn khó hơn câu khó của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Ngay trong phần lý thuyết, cũng có những câu buộc thí sinh phải tính toán mới có được đáp án đúng. Với đề thi này, xác suất làm bài của em chỉ có 30 câu là tạm ổn, còn 20 câu thì đánh lô tô thôi".

Cùng quan điểm, thí sinh Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (HS Trường THPT Trần Phú, thi khối A vào ngành CA) cho rằng, so với đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, đề hóa năm nay có độ khó hơn và khó nhất là phần vô cơ. Cũng theo Hạnh, có nhiều câu hỏi tìm % khối lượng của một chất trong hợp chất ban đầu rất khó, phần bài tập hơi nhiều nên thí sinh rất mất thời gian để tính toán mới có đáp án chính xác.

Các thí sinh trao đổi cách làm bài thi với người nhà sau khi kết thúc môn thi Địa Lý Ảnh: P. Thủy

Công tác coi thi rất nghiêm túc

Nhận xét về công tác coi thi, hầu hết thí sinh đều phản ánh giám thị coi rất nghiêm khắc. Thí sinh Kim Phượng thi tại HĐT Phan Châu Trinh cho biết: "Giám thị coi thi rất sát và nghiêm túc, nên trong phòng thi của em không xảy ra hiện tượng quay cóp cũng như vi phạm quy chế thi". Cũng theo Phượng, tiết trời quá nóng nên ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh vào gần cuối giờ làm bài thi.

Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc- Thành viên BCĐ Cụm thi 27 do ĐHĐN chủ trì, cho biết, chiều 2-7, bộ phận làm phách đã tiến hành làm việc nhằm phục vụ cho công tác chấm thi.

Thí sinh vi phạm quy chế tiếp tục tăng

Tổng số thí sinh bị đình chỉ thi trong 3 ngày tại Cụm thi 27 là 20 thí sinh, chủ yếu là do mang ĐTDĐ và tài liệu vào phòng thi.  

Trong khi đó, ngày thi thứ 3, tại cụm thi THPT quốc gia số 26 do ĐH Huế chủ trì, tiếp tục có 167 TS vắng mặt. Ở môn thi Địa lý, có 11 TS bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và 4 TS bị khiển trách do nhìn bài bạn. Điểm thi quốc gia có số TS bị đình chỉ nhiều nhất là Hội đồng thi Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP Huế).

Trời nắng nóng nên tiếp tục có TS bị ngất xỉu. Khi đang làm bài môn thi Địa lý, TS Võ Thị Hằng đến từ Quảng Trị dự thi tại điểm thi Trường THCS Phạm Văn Đồng (TP Huế) bất ngờ bị đột quỵ do quá căng thẳng, nắng nóng. Người nhà Hằng cho biết, em đã làm bài thi được 2/3 thời gian.

Tại điểm thi địa phương do Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế chủ trì, tại Trường THPT Tam Giang (H. Quảng Điền) có gần 260 TS nhưng chỉ có duy nhất TS Phan Thị Chi (học sinh Trường THPT Tố Hữu, Quảng Điền) dự thi môn Hóa. "Đây là lần đầu tiên, em làm bài thi mà trong phòng chỉ có một mình", Chi chia sẻ. Cũng ở điểm thi này, hôm nay (4-7) vẫn chỉ có duy nhất TS Nguyễn Chung Quý dự thi môn lịch sử.

Hôm nay (4-7), các thí sinh bước vào ngày thi cuối cùng với 2 môn: Lịch sử (sáng,180 phút), Sinh học (chiều, 90 phút).

P.Thủy - H. Lan