Ngày thi cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia năm 2015:

Đề Lịch sử có tính phân hóa, tránh hiện tượng học tủ, học vẹt

Thứ bảy, 04/07/2015 13:45

(Cadn.com.vn) - Trong môn thi Lịch Sử buổi sáng của ngày thi thứ tư kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, tại Cụm thi 27 do ĐH Đà Nẵng (ĐHĐN) chủ trì chỉ có 5 HĐT có tổ chức thi môn này. Theo đó, có 3.507 thí sinh/3.643 thí sinh đăng ký dự thi có mặt tại 5 HĐT để dự thi, vắng 136 thí sinh, đạt tỉ lệ 96,27%; có 4 TS bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi.

 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra công tác thi tại Cụm thi 27 do ĐHĐN chủ trì.

Khó đạt điểm cao

Đó là nhận định của hầu hết các thí sinh sau khi kết thúc giờ làm bài môn Sử buổi sáng ngày thi cuối cùng kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 tại Cụm thi 27 do ĐHĐN chủ trì.

Theo thí sinh Bờ Nước Đức (HS trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam đóng tại TP Hội An, quê Nam Giang), đề Sử năm nay tuy dài nhưng không quá khó. Đề không đòi hỏi thí sinh học thuộc lòng, học vẹt mà phải biết phân tích, tổng hợp, có tư duy và kiến thức xã hội tốt. “Với đề thi này, những bạn nào học tủ, học vẹt sẽ không đạt điểm cao. Với em, đây là một đề thi hay, không đòi hỏi thí sinh quá phụ thuộc vào việc học thuộc làu. Chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản, có kiến thức tổng hợp cùng sự hiểu biết về kiến thức xã hội là có thể làm bài đạt trên điểm trung bình”. Cũng theo Bờ Nước Đức, tuy đề ra dài nhưng lại cung cấp nhiều dữ liệu nên thí sinh dễ vận dụng trong việc phân tích, tổng hợp khi làm bài. Vì thế, dễ có “đất” cho các thí sinh có tư duy tổng hợp tốt. Hầu hết các thí sinh đăng ký dự thi môn Sử để xét tốt nghiệp đều có cùng nhận xét như Bờ Nước Đức.

Tuy đồng về quan điểm về đề thi có tính phân hóa, tránh được hiện tượng học tủ, học vẹt, đòi hỏi thí sinh phải có tư duy, kiến thức tổng hợp cũng như kiến thức xã hội sâu, nhưng các thí sinh đăng ký môn Sử để vừa làm cơ sở xét tốt nghiệp, vừa làm cơ sở xét tuyển ĐH, CĐ khối C thì lại cho rằng, đây là một đề thi khó và khó hơn đề thi minh họa mà các em đã được thi thử.

Thí sinh Nguyễn Thị Tố Nguyên (HS trường THPT Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng) chia sẻ: “Các bạn dự thi khối D cho đây là một đề thi dễ, em nghĩ các bạn... nói chưa chuẩn lắm. Đề Sử năm nay ra có 2 câu như dạng văn học, đòi hỏi thí sinh từ việc dựa trên kiến thức lịch sử và kiến thức hiểu biết xã hội mới làm tốt ở phần thi này. Cụ thể ở đây là câu III, phần 1 trình bày suy nghĩ về sự khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1945) “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”; và câu IV phần 2  “...thanh niên Việt Nam cần phải làm gì để góp phần củng cố và phát triển nhân tố đó”. Ở những câu hỏi này, buộc thí sinh phải có tư duy tốt, biết vận dụng kiến thức xã hội mới làm trọn vẹn câu hỏi này”.

Hầu hết các thí sinh đều cho rằng đề Sử năm nay đã tránh được sự rập khuôn.

Thí sinh trao đổi bài thi sau khi kết thúc môn Sử.

Kỳ thi đã tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận

Đó là đánh giá của GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, tại buổi kiểm tra, làm việc sáng 4-7 với BCĐ Cụm thi 27 do ĐHĐN chủ trì.

Báo cáo với Thứ trưởng, GS-TS Trần Văn Nam-Phó trưởng Ban thường trực BCĐ Cụm thi 27, Giám đốc ĐHĐN cho biết, tính đến thời điểm này, có thể đánh giá rằng kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 tại Cụm thi 27 đã diễn ra suôn sẻ, an toàn, nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy chế.

Dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND TP, trực tiếp là Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng- Trưởng BCĐ, cùng sự phối hợp chặt chẽ, tương trợ, nhịp nhàng của 2 Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm diễn ra môn thi Sử, chưa có sự cố bất thường nào xảy ra. Với sự coi thi hết sức nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy chế, đến cuối giờ thi môn Sử đã có tổng cộng 24 thí sinh bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ và tài liệu vào phòng thi, trong đó chủ yếu là thí sinh tự do.

Cũng theo GS-TS Trần Văn Nam, trong kỳ thi này, có 2 thí sinh vắng thi có lý do xin được đặc cách xét tốt nghiệp, trong đó có 1 trường hợp bị đau phải nhập viện trước khi kỳ thi diễn ra, 1 trường hợp do cha đột ngột qua đời. Lực lượng tiếp sức mùa thi đã làm tốt công tác tiếp sức mùa thi cho thí sinh và người nhà thí sinh; nước cung cấp cho thí sinh dự thi dư thừa. Một số HĐT do nắng nóng nên BCĐ thi phải mua và thuê thêm quạt để phục vụ cho TS.

Tâm trạng thí sinh sau khi kết thúc giờ làm bài thi môn Sử.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, trước khi kiểm tra, làm việc với Cụm thi 27, trong mấy ngày vừa qua, đoàn cũng đã tổ chức đi kiểm tra các địa phương của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc của lãnh đạo, chính quyền địa phương cũng như của toàn xã hội đối với kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức này.

Điều đáng mừng là kỳ thi đã nhận được sự đồng thuận rất cao của xã hội. Đặc biệt, công tác tổ chức thi của các cụm thi địa phương không hề xuê xoa, rất có trách nhiệm, nghiêm túc, chặt chẽ như các Cụm thi do các ĐH chủ trì. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các ĐH vùng, các trường ĐH và các Sở GD-ĐT trong việc tổ chức thi Cụm do ĐH chủ trì rất chặt chẽ, chuyên nghiệp. Đó chính là yếu tố tạo nên sự thành công của kỳ thi.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, tính đến thời điểm này, kỳ thi đã diễn ra suôn sẻ, đúng lộ trình mà Bộ GD-ĐT mong muốn: “Kỳ thi THPT Quốc gia “2 trong 1” là ước mơ ấp ủ bấy lâu nay của Bộ GD-ĐT nay mới thay đổi, thực hiện được. Vào năm 2007, Bộ GD-ĐT cũng đã có ý định thực hiện điều này nhưng lúc đó chưa có sự đồng thuận của xã hội. Theo đó, sự đổi mới lần này đã thể hiện được sự quyết tâm của toàn ngành, của chính quyền các địa phương, của toàn xã hội...”.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý Cụm thi 27 trong công tác chấm thi phải đảm bảo được tính công bằng, nghiêm túc, chấm đúng thang điểm và phải đảm bảo được tiến độ chấm thi để đến 20-7 là có điểm.

“Thời gian chấm thi không nhiều, nên chỉ cần một trường hợp, một đơn vị nào chậm thì cả hệ thống phải dừng lại. Sở GD-ĐT phải đảm bảo về nhân thân những giáo viên tham gia công tác chấm thi nhằm đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc, đúng thang điểm”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Chiều nay, TS bước vào môn thi cuối cùng là Sinh học (90 phút).

P.Thủy