Để sắn thành cây xóa đói, giảm nghèo
(Cadn.com.vn) - Xác định cây sắn là cây mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào các dân tộc trên dải đất Đắc Lắc, trong vài năm trở lại đây diện tích không ngừng được mở rộng.
Năm 2010, tỉnh Đắc Lắc có 25.892 ha sắn thì đến năm 2014 đã tăng lên 32.163 ha, mỗi năm tăng gần 2.000 ha. Cây sắn trồng được tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, nhưng tập trung chủ yếu ở một số huyện: Krông Bông, Ea Kar, M’Drắc, EaSúp, EaH’leo. Việc mở rộng diện tích sắn dẫn đến khó kiểm soát và ảnh hưởng chung đến quy hoạch của ngành nông nghiệp.
Với đặc điểm là cây trồng dễ tính, cây sắn đã được tận dụng trồng trên nhiều diện tích đất không trồng được các loại cây khác. Tuy nhiên, với thói quen canh tác thiếu đầu tư phân bón và ít chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên cây sắn đang có nguy cơ làm đất chai cứng, thoái hóa. Gia đình anh Lê Văn Hóa (47 tuổi, trú xã Hòa Lễ, H. Krông Bông) cho biết rằng hiện nay trồng được 3 ha sắn, mỗi vụ làm chỉ gieo trồng xuống như vậy, còn việc bón phân, tưới nước thì nhờ trời. Thói quen canh tác ở đây là vậy, cũng chưa ai nghĩ đến việc sẽ đầu tư và chăm bón kỹ lưỡng như cà-phê và hồ tiêu.
Người trồng sắn ở Đắc Lắc thực sự chưa áp dụng kỹ thuật canh tác vào sản xuất. |
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Lắc, hiện nay nông dân trên địa bàn sử dụng các giống sắn một cách tự túc là chủ yếu, ngoài ra cũng có một số mua nơi khác không rõ nguồn gốc. Một số giống sắn mới đã được dày công nghiên cứu và đưa vào trồng trọt có năng suất và chất lượng tốt, hàm lượng tinh bột cao như: KM419, KM444, KM140 phù hợp với điều kiện sinh thái Đắc Lắc, đặc biệt giống sắn KM419 (còn gọi là sắn siêu bột Nông Lâm) cây thấp gọn, trồng được mật độ dày, thân thẳng, không phân cành... năng suất sắn củ tươi bình quân 391 tạ/ha. Ngoài áp dụng các biện pháp và kỹ thuật canh tác, Sở NN&PTNT còn mở các đợt tập huấn cho nông dân.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắc Lắc phân tích: “Định hướng phát triển cây sắn là không mở rộng diện tích mà duy trì khoảng 30.000 ha trở lại. Nhưng bù vào đó là phải áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào canh tác, thâm canh tăng năng suất. Cái này người trồng sắn rất yếu, mặt khác sắn không phải là cây chủ lực trong cơ cấu cây trồng của tỉnh, mà chỉ là cây trồng phụ nhằm xóa đói, giảm nghèo. Nông dân phải giữ cho được diện tích cà-phê, hồ tiêu, cao su vì đây là nguồn thu lớn nhất của nông nghiệp. Cây sắn nói chung nếu trồng mà không chú ý đến cải tạo đất thì sẽ phá đất rất nhanh, diện tích mở rộng cũng không có, vì quỹ đất trồng sắn cơ bản đã sử dụng hết”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc có 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn và UBND tỉnh quy hoạch xây dựng thêm 3 nhà máy khác ở xã Krông Jing, Krông Á (H. M’Drắc) và xã Cư Pui (H. Krông Bông). Với công suất thiết kế từ 200.000 tấn củ tươi/năm đến 280.000 tấn củ tươi/năm, sản lượng sắn ở Đắc Lắc chỉ đủ cho 4 nhà máy này hoạt động. Tuy nhiên do đặc điểm khí hậu có 6 tháng mùa khô và 6 tháng mùa mưa, vì vậy lượng sắn thu hoạch chỉ tập trung vào một số tháng trong mùa mưa, dẫn đến thừa nguyên liệu. Người trồng sắn phải bán cho các tỉnh khác hoặc thái lát phơi khô. Cũng theo ông Huỳnh Quốc Thích, sản lượng sắn ở Đắc Lắc chủ yếu dùng cho nhu cầu tinh bột nên người trồng sắn chưa chủ động được trồng khâu thu hoạch. Ví dụ như ở các vùng nguyên liệu khác, người trồng sắn ngoài bán cho các nhà máy tinh bột, họ còn có thể cung cấp cho các nhà máy sản xuất ethanol. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc chưa có nhà máy sản xuất ethanol, mà chỉ có một nhà máy nhỏ ở H. Cư Jút (Đắc Nông).
Vì vậy, để cây sắn thành cây xóa đói giảm nghèo cần phải có sự kết nối giữa doanh nghiệp chế biến và người nông dân sản xuất sắn. Không để cây sắn thành cây “hại đất”, hại nông dân.
Tứ Đức