Đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Thứ bảy, 20/01/2024 06:25
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hoá đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới…
Hạ tầng giao thông ở Quảng Nam được đầu tư đồng bộ, khớp nối từ vùng Đông đến vùng Tây, từ đồng bằng lên miền núi.
Theo quy hoạch, đến năm 2030 Hội An được nâng cấp lên đô thị loại II.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 8%/năm

Theo quyết định quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô-tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD. Năng suất lao động tăng bình quân 6,5 - 7%/năm. Kinh tế số đóng góp khoảng 30% GRDP. Tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP bình quân hằng năm trên 30%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hằng năm trên 12%. Thu ngân sách tăng bình quân hằng năm trên 10%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân hằng năm trên 15%. Thu hút trên 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế và 7 triệu khách nội địa. Thuộc nhóm tốt của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công, chỉ số chuyển đổi số.

Về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự và cơ sở vững mạnh toàn diện. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc, phù hợp với sự phát triển của tình hình phòng thủ chung của đất nước. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới và mốc giới quốc gia; tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2025, nâng cấp 2 đô thị Nam Phước và Hà Lam lên đô thị loại IV, hình thành 4 đô thị mới là Duy Nghĩa - Duy Hải, Bình Minh, Đại Hiệp, Tam Dân; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 37%. Đến năm 2030, nâng cấp Hội An lên đô thị loại II, Điện Bàn lên đô thị loại III, Ái Nghĩa lên đô thị loại IV, hình thành 2 đô thị mới là Việt An và Kiểm Lâm; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%...

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hoá đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hoá thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cơ cấu nền kinh tế hài hòa, hợp lý với tính tự chủ và năng lực cạnh tranh cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển kinh tế - xã hội hài hoà giữa các khu vực đô thị và nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường tốt. Chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đời sống hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới trên đất liền, biển, đảo được giữ vững và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Hạ tầng giao thông ở Quảng Nam được đầu tư đồng bộ, khớp nối từ vùng Đông đến vùng Tây, từ đồng bằng lên miền núi.

“Hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển”

Theo đó, nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hóa - chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Quảng Nam sẽ đầu tư, phát triển theo mô hình cấu trúc không gian “hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển”. Cụ thể, hai vùng bao gồm vùng Đông và vùng Tây, trong đó vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển. Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo. Vùng Tây gồm các huyện miền núi. Đô thị Khâm Đức - Phước Sơn và Thạnh Mỹ - Nam Giang là các đô thị chuyển tiếp, kết nối, giao lưu phát triển giữa khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng với Tây Nguyên và các nước trên hành lang quốc tế Đông - Tây.

Hai cụm động lực gồm: Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc, là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của thành phố Đà Nẵng. Hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò; phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy; phát triển không gian đô thị Điện Bàn và Hội An gắn kết với đô thị hóa của thành phố Đà Nẵng, hình thành đô thị nghỉ dưỡng - giải trí ven biển và ven sông Cổ Cò.

Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh: Kết nối các không gian kinh tế của 3 đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh, trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với thành phố Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I. Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là ngành công nghiệp cơ khí ô-tô, tiếp tục tái cấu trúc đồng thời với tổ chức sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Liên kết với tỉnh Quảng Ngãi trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Ba hành lang phát triển gồm: Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển. Tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai; Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh. Tập trung công nghiệp thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên - Huế; Hành lang dọc QL14B và QL14E nối lên QL14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào - Bắc Campuchia…

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định này là căn cứ để triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo quy định của pháp luật có liên quan.

TRẦN TÂN