ĐH Đà Nẵng đóng góp đáng kể trong đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố

Thứ ba, 27/12/2016 10:23

(Cadn.com.vn) - 20 năm qua, ĐH Đà Nẵng (ĐHĐN) đã đóng góp rất đáng kể trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho TP Đà Nẵng nói riêng, miền Trung - Tây Nguyên và cả nước nói chung. Kỷ niệm 20 năm ngày Đà Nẵng - Quảng Nam chia tách, GS.TS Trần Văn Nam- Giám đốc ĐHĐN đã chia sẻ một số thành tựu, đóng góp của ĐHĐN trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

GS.TS Trần Văn Nam

P.V: Vào thời điểm QN-ĐN chia tách, ĐHĐN thành lập được 3 năm. Là người gắn bó với ĐHĐN trước, sau khi QN-ĐN chia tách, theo GS-TS, sự kiện lịch sử này có ý nghĩa như thế nào đến quá trình phát triển của ĐHĐN?

GS.TS Trần Văn Nam: TP Đà Nẵng được tách ra từ tỉnh QN- ĐN và trở thành một trong 4 TP trực thuộc T.Ư lúc đó là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ GD-ĐT, khoa học đến KT-XH; trong đó có sự tác động đến quá trình phát triển của ĐHĐN. Những tác động này bao gồm: ảnh hưởng đến việc thu hút được những cán bộ giỏi về công tác tại ĐHĐN, thu hút được những sinh viên (SV) giỏi từ mọi miền đất nước, hợp tác trong nước và quốc tế thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ĐHĐN là một ĐH vùng, phục vụ phát triển cho cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên, nên về cơ bản nhiệm vụ của chúng tôi là không thay đổi nhiều.

P.V: Thưa GS-TS! Trong quá trình phát triển chung của TP 20 năm qua, ĐHĐN đã có những đóng góp như thế nào trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung- Tây Nguyên và cả nước nói chung? ĐHĐN có vai trò gì trong việc làm cầu nối để các trường ĐH, doanh nghiệp nước ngoài đặt mối quan hệ hợp tác với TP trên lĩnh vực đào tạo và đầu tư?

GS.TS Trần Văn Nam: Là một trong 3 ĐH vùng trọng điểm của cả nước, đóng chân trên địa bàn TP Đà Nẵng, có thể khẳng định, trong quá trình phát triển chung của TP 20 năm qua, ĐHĐN đã đóng góp đáng kể trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho TP. Cụ thể, đào tạo ra số lượng rất lớn đội ngũ cán bộ trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật (KHKT), kinh doanh (KD), quản lý kinh tế, ngoại ngữ, KHXH và đội ngũ giáo viên. Từ năm 1997 đến nay, chỉ riêng hệ đào tạo chính quy, ĐHĐN đã đào tạo ra trường gần 41.000 kỹ sư tại Trường ĐH Bách khoa, 27.000 cử nhân kinh tế tại Trường ĐH Kinh tế, 15.500 cử nhân sư phạm, KHTN, KHXH tại Trường ĐH Sư phạm và gần 15.000 cử nhân ngoại ngữ tại Trường ĐH Ngoại ngữ. Đối với bậc CĐ, đã đào tạo ra trường gần 32.000 cử nhân CĐ trong lĩnh vực công nghệ và KD quản lý. Hiện nay, SV tốt nghiệp từ ĐHĐN là lực lượng nòng cốt trong điều hành, quản lý và vận hành tại hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp (DN) không chỉ trên địa bàn ĐN, QN, mà còn ở các tỉnh thành miền Trung- Tây Nguyên, cả nước.

Các trường thành viên thuộc ĐHĐN đã mở nhiều ngành, chuyên ngành mới để đào tạo nguồn nhân lực cho một số ngành mũi nhọn của TP và khu vực miền Trung- Tây Nguyên như: Kỹ thuật Dầu khí, Kỹ thuật Cơ điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Quản lý công nghiệp, Công nghệ phần mềm, Kỹ thuật tàu thủy, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Kiểm toán, Quản lý nhà nước, Thương mại điện tử, Công nghệ sinh học, Khoa học môi trường hay các chuyên ngành tiếng nước ngoài phục vụ du lịch... Chính nguồn nhân lực từ những ngành mới mở này đã kịp thời cung ứng nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu và định hướng phát triển của TP. Việc sẵn sàng đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng từ ĐHĐN là lợi thế rất lớn của TP, nhờ đó đã thu hút nhiều dự án (DA) đầu tư của nước ngoài vào Đà Nẵng trong các lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực chất lượng cao như công nghệ phần mềm, hệ thống nhúng, lập trình game…

Về thu hút DN nước ngoài, điều họ quan tâm đầu tiên khi đầu tư vào một địa bàn nào đó là nguồn nhân lực có đáp ứng hay không và ĐHĐN luôn là một sự đảm bảo nguồn cung cho tất cả các DN, đã tạo ra sự tin cậy cho các DN đầu tư vào TP. Mỗi năm, chúng tôi tiếp, làm việc và hỗ trợ tuyển dụng cho hàng trăm DN nước ngoài. ĐHĐN tham gia vào nhiều đề tài, DA nghiên cứu của TP để giải quyết các vấn đề về KT-XH, KHKT. Đồng thời, ĐHĐN cũng góp phần đào tạo đội ngũ nghiên cứu cho TP thông qua đào tạo thạc sỹ (ThS), tiến sỹ (TS). 20 năm qua, đã có gần 9.000 ThS và 82 TS tốt nghiệp từ ĐHĐN.

Về hợp tác quốc tế, ĐHĐN đã thiết lập quan hệ với hơn 200 trường ĐH thuộc gần 40 quốc gia trên thế giới, qua đó đã góp phần mở rộng quan hệ quốc tế cho TP cũng như các trường ĐH khác. Chúng tôi tham gia nhiều DA quốc tế, trong đó có sự tham gia của TP và các ĐH trên địa bàn. Sự phát triển của Đà Nẵng và thương hiệu của ĐHĐN đã thu hút người học từ nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung-Tây Nguyên, cả nước đến học tập, nghiên cứu... Do đó, Đà Nẵng không chỉ nổi lên là trung tâm du lịch, dịch vụ mà còn trở thành một trong những trung tâm đào tạo lớn của cả nước.

 Đại diện lãnh đạo ĐHĐN và ĐH Quốc gia Yokohama ký kết hợp tác về GD-ĐT tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH Việt Nam - Nhật Bản lần thứ III tổ chức tại Đà Nẵng tháng 9-2015. Ảnh: P.T

P.V: Trong chiến lược phát triển, ĐHĐN đang tiến tới xây dựng thành ĐH nghiên cứu. Nhưng hiện vẫn còn ít đề tài nghiên cứu của các trường thành viên thuộc ĐHĐN được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Vậy ĐHĐN cần phải làm gì để đạt được mục tiêu đề ra?

GS.TS Trần Văn Nam: Trước hết, chúng ta không nên quan niệm ĐH định hướng nghiên cứu là phải có nhiều đề tài ứng dụng vào thực tiễn. ĐH nghiên cứu được đo bởi nhiều tiêu chí khác nhau như: tỷ lệ cán bộ có học hàm GS, Phó GS, tỷ lệ cán bộ có học vị TS, tỷ lệ SV sau ĐH so với bậc ĐH, số bài báo công bố, số đề tài triển khai, số bằng phát minh sáng chế, sự thành đạt của cựu SV... Tuy nhiên, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn dưới nhiều hình thức khác nhau như chuyển giao công nghệ, tạo ra các sản phẩm công nghệ đưa vào sản xuất luôn là một trong những ưu tiên của ĐHĐN. Để làm được việc đó, trước hết phải tạo sự gắn kết giữa nhà trường, DN, XH. Trường ĐH phải giải quyết các vấn đề phát sinh và các nhu cầu thực tế đặt ra. Thứ hai là phải có những phòng thí nghiệm phù hợp phục vụ công tác nghiên cứu. Đây là 2 điểm quan trọng và khó khăn nhất mà tất cả các trường ĐH ở Việt Nam đang gặp phải.

P.V: Việc một số trường ĐH thành viên ĐHĐN được Bộ GD-ĐT trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, điều người học cũng như xã hội mong muốn là làm thế nào để tấm bằng tốt nghiệp ĐH ở Việt Nam được các nước trên thế giới công nhận, không phải thông qua con đường liên kết đào tạo với các trường ĐH nước ngoài. GS-TS có trăn trở gì về vấn đề này?

GS.TS Trần Văn Nam: ĐHĐN đã có 4/4 trường ĐH thành viên được kiểm định chất lượng và đều được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong đó, Trường ĐH Sư phạm là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên trong cả nước thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục bởi một tổ chức kiểm định độc lập. Bên cạnh đó, có 3 chương trình đào tạo của Trường ĐH Bách khoa được tổ chức CTI (Pháp) kiểm định và công nhận đạt chất lượng Châu Âu, có 2 chương trình đào tạo tiên tiến dạy bằng tiếng Anh đã được Tổ chức AUN của khu vực ASEAN kiểm định xong trong tháng 10-2016 được đánh giá cao, đang chờ công bố kết quả chính thức.

Trên thực tế, SV tốt nghiệp ĐHĐN từ lâu đã được công nhận chất lượng không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi quốc tế. Minh chứng là nhiều SV sau khi tốt nghiệp ĐHĐN đã được xét cấp học bổng học tiếp sau ĐH bậc ThS, TS tại nhiều trường ĐH có uy tín ở các nước tiên tiến trên thế giới. Nhiều em đã được tuyển dụng vào làm ở các Cty, tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam lẫn nước ngoài. Các trường ĐH xếp hạng 100 của thế giới đã ký kết với ĐHĐN chương trình 2+2.

Thời gian đến, ĐHĐN tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo, kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục theo các tiêu chuẩn khu vực, quốc tế có uy tín. Khi đó, bằng tốt nghiệp của các SV đương nhiên sẽ còn được công nhận rộng rãi hơn nữa trên trường quốc tế. ĐHĐN cũng luôn nằm trong top dẫn đầu của các trường ĐH ở Việt Nam trong một số bảng xếp hạng quốc tế như 4icu, Webometrics. ĐHĐN sẽ tiếp tục hoàn thiện, cải tiến liên tục để phấn đấu có thứ hạng tốt trong số các trường ĐH trong nước cũng như khu vực tại các bảng xếp hạng các trường ĐH trên thế giới.

P.V: Xin cảm ơn GS-TS về cuộc trao đổi!

P.Thủy
(thực hiện)