Di dời học sinh Trường Trần Cao Vân do nhà cạnh trường bị nghiêng: Tăng áp lực cho phụ huynh lẫn học sinh
Liên quan đến việc di dời học sinh tại cơ sở 1 Trường Tiểu học Trần Cao Vân (địa chỉ 213 Lê Duẩn, P. Tân Chính, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) sang cơ sở khác do căn nhà cạnh bên (215 Lê Duẩn) bị nghiêng, hơn 1 tháng nay, để có đủ phòng dạy học, nhà trường đã bố trí học sinh khối 3,4,5 học trong một buổi, thực hiện tăng tiết; tập trung học môn chính để đuổi kịp chương trình... Sự việc đã khiến cho học sinh mệt mỏi, chịu áp lực, phụ huynh bị đảo lộn công việc, lo lắng.
Trường Tiểu học Trần Cao Vân (phải) và công trình xây dựng sát cạnh. |
Học sinh chịu áp lực
Chị V.V.A, phụ huynh một học sinh Trường Tiểu học Trần Cao Vân cho hay, để giải quyết việc thiếu phòng, nhà trường tổ chức khối 3,4,5 học 1 buổi. Sau 1-2 tuần, nhà trường sẽ lên phương án, kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên đến nay đã hơn 1 tháng, sự việc vẫn chưa thể được giải quyết xong và có khả năng kéo dài.
Chị V.V.A lo lắng: "Học sinh ở Đà Nẵng đã thiệt thòi vì dịch COVID-19, nghỉ bão lũ, chương trình chậm trễ hơn so với các địa phương khác, nay các khối 3,4,5 của Trường Tiểu học Trần Cao Vân thay vì học 1 ngày, lại chuyển qua học 1 buổi, điều này khiến các em phải bị bỏ bớt 1 số môn, tập trung học các môn chính. Bên cạnh đó, phụ huynh phải đưa đón con, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Một số gia đình có 2 cháu cùng học gây nên áp lực rất lớn về thời gian".
Chị V.V.A đề nghị nhà trường nhanh chóng kiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện thuê, mượn cơ sở khác để giải quyết cho học sinh được học bình thường, đảm bảo chương trình học cho các em.
Cùng ý kiến với chị V.V.A, chị T, một phụ huynh khác cho biết, trước việc lịch học của con thay đổi, chị phải sắp xếp công việc hàng ngày để đón và chăm sóc con. Sau mỗi buổi học, con rất mệt mỏi, áp lực do bị tăng tiết học, tập trung học các môn chính trong cùng một buổi. Chị T đề xuất, các cấp chính quyền và nhà trường cần nhanh chóng xử lý, tìm nơi học tạm thời để đảm bảo học sinh học đủ 2 buổi trong 1 ngày, tạo tâm lý thoải mái cho các con. Trước mắt, cần có phương án giảm tải áp lực học cho các con; đồng thời, đưa thời gian xử lý cụ thể để phụ huynh có thể sắp xếp công việc.
Về phía Trường Tiểu học Trần Cao Vân, trong 1 tháng qua, nhà trường phải chờ kết luận của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng về độ an toàn của cơ sở 1, để báo cáo cấp trên và có phương án giải quyết, đồng thời tìm cơ sở khác nhằm đảm bảo việc học cho học sinh. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Cao Vân Nguyễn Việt Hùng cho hay, trước sự việc "bất khả kháng" này, trường đã bố trí cho học sinh khối 3,4,5 học 1 buổi. Việc bố trí buổi học này chỉ tạm thời, trong thời gian chờ kết luận của Sở Xây dựng. Tuy nhiên, do hơn 1 tháng mới có kết quả giám định, khiến việc lên kế hoạch, phương án tiếp theo của nhà trường bị chậm trễ.
Theo thầy Hùng, sau khi nhận công văn giám định của Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng Đà Nẵng, nhà trường đã kịp thời làm báo cáo gửi cấp trên; trong đó, nhà trường đề nghị lãnh đạo xem xét việc tìm cơ sở khác để đảm bảo việc học cho các học sinh khối 3,4,5.
Theo ông Lại Tiến Hương- Trưởng Phòng GD- ĐT Q. Thanh Khê, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng vừa có công văn nhận định về độ an toàn của cơ sở 1, Trường Tiểu học Trần Cao Vân. Tuy nhiên, Sở chỉ mới cho biết cơ sở này có nguy cơ rủi ro về an toàn, không nêu rõ thời gian bao lâu để khắc phục.
Ông Hương cho biết, trước sự việc trên, Phòng GD- ĐT Q. Thanh Khê đã chỉ đạo Trường Tiểu học Trần Cao Vân có phương án để đảm bảo việc dạy học. Trong đó, phương án thứ nhất là từ nay đến hết học kỳ 1, năm học 2020-2021, nhà trường xây dựng chương trình dạy học 1 buổi/ngày và giảm bớt các môn tăng cường. Nếu tình hình kéo dài thêm nữa, nhà trường phải tính toán thuê cơ sở khác hoặc có phương án tham mưu cho Phòng GD- ĐT quận. Trên cơ sở đó, Phòng sẽ có chỉ đạo cụ thể nhằm đảm bảo chương trình học tập cho học sinh.
Còn nhiều rủi ro về độ an toàn
Ngày 10-11, Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng Đà Nẵng đã gửi các đơn vị liên quan Công văn 239/CV-TTGĐ nhận định về tình trạng các ngôi nhà, trường học lân cận với công trình 217-225 Lê Duẩn. Công văn nêu, theo kết quả đo lún Trường Tiểu học Trần Cao Vân (213 Lê Duẩn) cho thấy, trong giai đoạn đo lún, công trình bị trồi lên nhẹ, khoảng 1,5 mm. Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng bởi nhà số 215 Lê Duẩn bị nghiêng. Vì vậy, việc sử dụng cho sinh hoạt, học tập đối với Trường Tiểu học Trần Cao Vân vẫn còn có nhiều rủi ro.
Trong khi đó, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, ngày 23-11, chủ đầu tư công trình nhà ở 217-225 Lê Duẩn đã gửi Sở Xây dựng, các đơn vị liên quan về kế hoạch và phương án triển khai giai đoạn 2 của quy trình giải quyết sự cố. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ triển khai thực hiện trong khoảng 60 ngày. Hiện, chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục cần thiết theo đúng quy định hiện hành trước khi tiến hành triển khai thi công giai đoạn 2. Trong quá trình thi công sẽ có sự giám sát trực tiếp tại hiện trường của chuyên gia để xử lý ngay những phát sinh có thể xảy ra. Đồng thời, các chuyên gia vẫn tiếp tục quan trắc và theo dõi các công trình liền kề chịu ảnh hưởng để có biện pháp xử lý phù hợp.
Theo Sở Xây dựng, sau khi hoàn thành thi công giai đoạn 2 của quy trình giải quyết sự cố, sẽ căn cứ vào số liệu quan trắc và đánh giá kiểm định lại của các công trình lân cận bị ảnh hưởng để có hướng xử lý tiếp theo, với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình bị ảnh hưởng trước khi cho phép các công trình này hoạt động lại.
V.V.D