Đi, lắng nghe để tìm lại giá trị bản thân

Thứ hai, 18/11/2019 18:30

Sau 2 ngày 1 đêm, chuyến trải nghiệm thực tế của các thành viên CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” thuộc 6 phường trên địa bàn TP Đà Nẵng đã đem lại những tín hiệu tích cực. Từ chỗ nhận thức, suy nghĩ đâu đó còn lệch lạc, phiến diện về tác hại cũng như hậu quả mà ma túy đem lại cho bản thân, gia đình và xã hội, thì sau chuyến trải nghiệm, đa số thành viên các CLB đã rút ra bài học bổ ích cho mình. Chưa dám khẳng định 100% các thành viên sẽ thay đổi, quyết tâm làm lại từ đầu, nhưng chắc chắn, trong thâm tâm, mỗi người đều có sự điều chỉnh cuộc đời mình theo hướng tích cực hơn...

Ông Hoàng Trọng Nghĩa đang tập huấn kỹ năng “Lắng nghe thấu cảm” cho thành viên các CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy”.

“Tôi đã nhận ra mình được sinh ra là một điều kỳ diệu và quý giá... Mặc dù tôi có những lỗi lầm trong quá khứ, nhưng tôi sẽ quyết tâm thay đổi vì bản thân mình và vì bố mẹ, gia đình. Tôi muốn thơm như hạt cà phê mỗi khi cám dỗ, thử thách đến với mình. Tôi đọc to lời tuyên bố: Tôi là thuyền trưởng của cuộc đời tôi. Thái độ của tôi do tôi lựa chọn. Tôi chịu trách nhiệm về niềm hạnh phúc cũng như nỗi bất hạnh của tôi. Tôi ngồi vị trí cầm lái chứ không phải vị trí của hành khách”... Đó là “lời tuyên bố” của một trong số các thành viên từng có quá khứ lỗi lầm ít nhiều dính dáng đến ma túy rút ra sau khi tham gia chuyến trải nghiệm. Không dễ gì để một người, từ chỗ chỉ biết đến bản thân, bỏ mặc những lời khuyên răn, dạy bảo của bố mẹ, rời xa bạn bè, thầy cô và mái trường thân yêu... để theo chúng bạn với những cuộc vui vô bổ, hại đời tự tin thốt lên những lời chân thật như vậy. Ai, điều gì đã làm nên “điều kỳ diệu”, hay đúng hơn là động lực nào đã thôi thúc họ trải hết lòng mình, trong khi trước đó, họ khăng khăng cất giữ.

“Nếu chỉ còn một ngày để sống, bạn có tiếp tục chọn cách mình đang sống? Sau bao năm tháng phấn đấu học tập và làm việc, mình đã thật sự sống hết mình, sống trọn vẹn và sống xứng đáng? Ngày mình ra đi, mọi người sẽ nhớ gì về mình?”, đó là những câu hỏi mở đầu phần tập huấn và thực hành kỹ năng tự nhận thức thông qua bài tập “Thử chết để sống thật” do ông Hoàng Trọng Nghĩa đến từ Tổ chức Tầm nhìn thế giới và cộng sự trực tiếp truyền tải cho các hội viên. Trong ánh đèn mờ ảo, không gian huyễn hoặc, đậm chất liêu trai, các học viên được trải nghiệm “chết thử” trong khoảng 30 phút. Trước đó, tất cả được đề nghị nhắm mắt lại, trong tiếng nhạc du dương, mỗi người đều phải thật tĩnh tâm để nhớ về quá khứ, về gia đình, người thân, về những việc tốt và chưa tốt mà mình đã làm... Sau đó, mọi người được yêu cầu viết chúc thư, giả sử biết mình chỉ còn một ngày, nửa tiếng... để sống thì sẽ làm gì, sẽ gửi gắm gì cho hậu thế, và ai sẽ là người nhớ đến mình khi mình không còn ở trên thế gian này...? Cuối cùng, các học viên sẽ nằm thẳng trên chiếu, được phủ kín người bằng tấm vải trắng và từ từ cảm nghiệm cái chết đến qua lời người dẫn chương trình. Ánh đèn vụt tắt, tiếng nhạc du dương, mang âm hưởng cô liêu, u tịch cất lên, và “bài điếu văn” dành cho họ được cất lên với những thông điệp về giá trị của cuộc sống. Chính trong khoảnh khắc ấy, cảm xúc của mỗi người được đẩy lên cao trào tột độ, để rồi họ bắt đầu sám hối và từ từ nhận ra giá trị của sự sống, giá trị của bản thân và những điều thiêng liêng, cao quý mà trước đây họ chưa hoặc không muốn nghĩ đến...

Sau khi trải nghiệm “chết thử”, em N.V.H (hội viên CLB P. Nại Hiên Đông), người mà trước đó nhiều lần được ban tổ chức đặt câu hỏi nhưng một mực từ chối trả lời bất ngờ thốt lên rằng: “Cũng vì ích kỷ, vì lối sống thực dụng, thích ăn chơi, đua đòi nên tôi từng có thời gian bê tha, sa ngã. Tôi đã sai, và giờ tôi muốn làm lại từ đầu”. Lần lượt chia sẻ về cảm nhận của mình sau khi trải nghiệm “chết thử”, hầu hết các hội viên các CLB cho biết, đây là cuộc trải nghiệm hết sức bổ ích, một “cuộc giải thoát” để qua đó giúp họ nhận ra sai lầm của mình; đồng thời thắp lên ngọn lửa, niềm khát khao làm lại từ đầu.

Ông Hoàng Trọng Nghĩa - Trưởng BQL dự án khu vực Sơn Trà (Tổ chức Tầm nhìn Thế giới), cho hay, có thể có nhiều nguyên nhân khiến các em tìm đến với ma túy. Và khi bị phát hiện, hầu hết các em rất e dè. Vì vậy, với chuyến tập huấn này, các em được trải qua một dòng chảy rất logic, đó là được hiểu thêm về tác hại, hậu quả của ma túy; tìm hiểu về giá trị của bản thân, nhận ra các sai lầm của quá khứ, nhìn về tương lai và cam kết thay đổi. Để giúp đỡ các em, theo ông Nghĩa, phẩm chất đầu tiên cần phải có đó là biết lắng nghe chân thành; đồng cảm, tôn trọng và biết công nhận giá trị của mỗi người. “Mỗi con người sinh ra đều bình đẳng trước tạo hóa, ai cũng có giá trị của riêng mình, và việc của chúng ta là giúp các em nhận ra và phát huy giá trị đó”, ông Nghĩa nói. 

Bà Phạm Thị Sen - Chi cục phó Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội nhìn nhận, thông qua các hoạt động sinh hoạt, tập huấn dã ngoại như thế này, các học viên sẽ có cơ hội để nhận biết nhiều hơn về tác hại của ma túy cũng như những điều hơn, lẽ thiệt trong cuộc sống, để từ đó chính họ tự điều chỉnh, tự hướng thiện trong cuộc sống của mình. “Ngoài việc được trang bị các kỹ năng để nhận biết các loại ma túy và tác hại, biện pháp phòng tránh đến từ Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố; thì kỹ năng về “Lắng nghe thấu cảm” do đại diện tổ chức Tầm nhìn Thế giới, kỹ năng “Kiên định từ chối” từ Trường Giáo dưỡng số 3 (Bộ Công an) đã giúp cho các thành viên CLB hiểu ra giá trị của bản thân, sẵn sàng chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình, định hướng tương lai, nghề nghiệp, từ đó phấn đấu để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”, bà Sen nói.

D.H