Đi qua "miền đất hứa"
* Bài 1: Sống trên vàng vẫn khổ vì vàng
(Cadn.com.vn) - Vùng đất Quảng Nam được thiên nhiên ưu đãi trữ lượng khoáng sản dồi dào. Những "miền đất hứa" như Phước Sơn, Nam Giang... với trữ lượng vàng phong phú đã trở thành nơi gửi gắm giấc mơ đổi đời của biết bao người. Thế nhưng đằng sau những "hứa hẹn" của thiên nhiên, nhiều người đã phải đánh đổi cái giá khá đắt...
Mùa mưa bão sắp bắt đầu cũng là lúc miền núi H. Nam Giang dần trở nên hoang vắng. Dưới cơn mưa rừng tầm tã, trên những cung đường hiu hắt bóng người, vắng bóng xe tải qua lại. Chỉ vài người dân Cơ Tu đang đội mưa gom những vạt bắp cuối cùng. Những điểm nóng khai thác vàng nay cũng đã vãn bớt người để lại những mái lều trơ trọi, những hố nước sâu thăm thẳm. Sát vách núi ven thị trấn Thạnh Mỹ, con sông Cái đục ngầu cuồn cuộn chảy như cũng đang kể câu chuyện về giấc mơ vàng nơi đại ngàn hun hút, câu chuyện về một vùng đất mà người dân sống trên vàng vẫn khổ vì vàng.
Con sông Cái đục ngầu vì tình trạng đào đãi vàng trái phép trên nguồn. |
Vàng và đất
Tháng 9-2014, Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin tới bạn đọc về việc người dân các xã vùng cao H. Nam Giang bán hàng chục héc-ta đất nông nghiệp cho vàng tặc. Vì ham lợi trước mắt, người dân đã không nhìn thấy được hết những hậu quả lâu dài của việc biến đất sản xuất thành đại công trường khai thác vàng. Người dân thiếu hiểu biết đã đành, chính quyền địa phương cũng "bất lực" trước tình trạng trên. Cái gọi là kinh phí đóng góp cho địa phương chẳng thấm vào đâu so với những mất mát khó đong đếm được. Giờ đây, đất đai lại quý hơn vàng bởi không có đất, cuộc sống của hàng trăm hộ dân đang lâm vào cảnh khó khăn. Trở lại đây sau gần 1 năm, cảnh nghèo đói vẫn tiếp diễn, đất đai không thể phục hồi, nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp, kiếm cái ăn cũng vô cùng khó khăn trên những vạt rẫy sắn, khoai cằn cỗi. Những nơi trước kia vốn là những "bờ xôi thửa mật" xanh ngút ngàn thì nay trở thành những bình địa sâu hoắm không thể khôi phục. Vì là vùng núi cao nên diện tích đất sản xuất rất khan hiếm, những người đã "lỡ" giao đất cho vàng tặc chỉ còn cách đi làm rẫy hoặc phát rừng thuê để kiếm cái ăn. Đời sống người dân vùng cao vốn nghèo khổ nay lại càng khó khăn túng quẫn hơn.
Đất đai bị sạt lở về mùa mưa. |
Thôn Ngói là một trong những thôn xa nhất thuộc xã Cà Dy với hơn 90 hộ dân nằm rải rác quanh con sông Xơi. Khi chúng tôi lên đến nơi cũng là lúc gia đình già làng A lăng Bờ vừa kết thúc mùa vụ. Tưởng sẽ được thảnh thơi ít ngày no đủ nhưng trong nhà chẳng có gì nhiều ngoài một vài giàn bắp treo trên bếp. Già A lăng Bờ cũng là một trong những người đã bán đất ruộng cho vàng tặc để lấy 10 triệu đồng. Trong câu chuyện bập bõm nặng thổ ngữ của vị già làng, tôi chỉ loáng thoáng hiểu được rằng 10 triệu đồng ấy già đã cho con cái mỗi đứa một ít để sắm con lợn, con gà. Tới bây giờ già cũng vẫn không hiểu tại sao người ta đã hứa sau khi khai thác vàng sẽ hoàn lại đất nhưng nay nó chỉ còn là những bờ vực đầy sỏi. Không có đất sản xuất già phải ở nhà trông chừng mấy đứa cháu để bố mẹ chúng đi phát rẫy.
Ngay đầu cầu Xơi là ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Zơ Râm Bớt (42 tuổi). Chồng chị Bớt trước là bí thư chi bộ của thôn gần 20 năm nhưng bị bệnh nặng qua đời để lại chị và 3 đứa con nhỏ. Thấy người người ồ ạt bán đất có tiền chị Bớt cũng bán với suy nghĩ nghỉ làm vài mùa lúa mà có cái mua sắm cho con đi học. Chẳng ngờ được một thời gian sau đất đã bị "vắt" đến cạn kiệt thì cái mà chị và những người dân trong thôn nhận được chính là những ụ nước sâu hun hút không thể làm gì được. Chị Bớt phân trần: "Làm ruộng thì có được bao nhiêu nhưng mà ít ra còn có cái để dành ăn. Nay cả thôn này ai mà có được khoảnh rừng trồng được ít keo là giàu nhất. Đất ruộng còn rất ít". Không có việc để làm chị Bớt đành phải đi tước vỏ keo thuê, đi dọn rẫy nhưng cũng chỉ được vài ngày là hết việc.
Dấu bánh xe vàng tặc cày nát núi rừng. |
Đã tắt giấc mơ vàng?
Liên hệ làm việc với UBND xã Cà Dy về hệ quả của việc người dân bán đất cho vàng tặc thì các vị có liên quan đều... bận họp. Chỉ có một cô phụ trách văn thư ra thông báo rằng việc này đã trả lời báo chí nhiều lần và đời sống của người dân hiện đã... ổn định? Còn ông Chơ Rum Nhiên (Bí thư Huyện ủy Nam Giang) thừa nhận: "Địa bàn rộng lại núi non hiểm trở nên việc quản lý tình trạng khai thác vàng vẫn còn nhiều bất cập. Địa phương cũng đã liên tục tổ chức các đợt truy quét. Cuối năm 2014 huyện đã phối hợp với Sở TN-MT kiểm tra tình hình khai thác sa khoáng tại đây và xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Tuy nhiên để chấm dứt hẳn tình trạng khai thác vàng tự phát vẫn là vấn đề nan giải".
Trường hợp của già Alăng Bờ, chị Bớt chỉ là 2 trong số hàng trăm hộ dân đã lâm vào cảnh mất nguồn sống khi bán đất cho "vàng tặc". Trong khi đó, những đợt truy quét chỉ mới chặt đứng phần ngọn chứ không diệt được phần gốc khai thác vàng trái phép. Điều quan trọng hơn nữa là dường như vấn nạn khai thác vàng đang ngày một trở nên công khai hơn mà sự quản lý của địa phương càng ngày càng trở nên yếu kém, lỏng lẻo. Việc khai thác vàng tràn lan cả trên đất canh tác của người dân còn dẫn đến nguy cơ sạt lở cao. Không hiếm những cái chết thương tâm vì sập hầm vàng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về giấc mơ vàng. Riêng trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 tại Quảng Nam đã xảy ra 8 vụ sập hầm vàng gây tử vong cho hàng chục người trong đó có cả những phu vàng nhí. Biết đến bao giờ giấc mơ "vàng" mới tắt để trả lại bình yên cho người dân nơi đây?
Đồng Dao
(còn nữa)