Đi thăm “làng đóng chõng tre”

Thứ tư, 26/02/2014 09:50

(Cadn.com.vn) - Ấn tượng đầu tiên khi đến thăm “làng đóng chõng tre” ở thôn Hà Tây 1, xã Điện Hòa (H. Điện Bàn, Quảng Nam) là những bãi tre phơi la liệt bên đường cùng những âm thanh “lách cách” vang lên không dứt.

Vừa đục mấy cái chân chõng, ông Phạm Xuân Anh (55 tuổi) cho hay, làng nghề đóng chõng tre Hà Tây 1 này đã có từ lâu, theo “cha truyền con nối” với hơn 15 gia đình như các gia đình ông Từ Công Thành, Phạm Mười, Phạm Công Dũng... “Gia đình ông Dũng đóng chõng nhiều nhất ở đây, 3 cái/ngày. Riêng tôi đã hành nghề khoảng 30 năm. Nhờ có bà vợ giúp chẻ mây, chẻ vạt, bện vạt..., gia đình tôi sản xuất 2 ngày được 3 cái. Trung bình mỗi năm, nhà tôi đóng gần 300 cái, giá bán tại nhà là 130.000 đồng/ cái. Tuy nhiên, có nhiều loại “chõng đặt” có chất lượng cao hơn có giá từ 200.000- 250.000 đồng / cái.

Để mua nguyên liệu, chúng tôi mua cả bờ hoặc cả bụi tre ở trong làng hay ở ngoài làng, chặt và vận chuyển về đây phơi khô để dùng dần, trung bình mỗi cây tre lớn, nhỏ có giá thành khoảng 20.000 đồng / cây... Phần lớn người mua loại chõng này là để phụ nữ sau khi sinh nở ở bệnh viện về nằm, hoặc những gia đình có người già, người đau sắp mất, họ nằm trong thời gian ngắn, khi qua đời rồi đốt đi hoặc người ta mua về để ngồi dưới gốc cây hóng mát. Thời gian gần đây, do chỉnh trang đô thị, người dân phải di dời đến nơi ở mới, do diện tích nhà ở hẹp nên họ hay mua loại chõng này rất phù hợp, vừa rẻ vừa tiện dụng... Nghề làm chõng tre nhờ thế mà tồn tại”, ông Anh lý giải.

Tre phơi la liệt bên đường ở thôn Hà Tây 1.

Ông Từ Văn Thành (60 tuổi), một lão nông thâm niên trong nghề cho hay, đây là công việc trong lúc nông nhàn, mỗi ngày vợ chồng ông sản xuất khoảng 2 cái. Chõng ở “làng nghề” có cùng kích cỡ (dài 1,8 mét, rộng 1 mét). Trung bình mỗi năm, nhà ông đóng hơn 400 cái. Gia đình nào đông người làm đóng mỗi ngày 3 cái chõng là chuyện bình thường.

“Trước đây với số tiền bán chõng, chúng tôi chi tiêu thong thả, nhưng dạo này, giá cả leo thang mà giá chõng “chẳng leo”, chúng tôi chi tiêu hơi chật vật. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra cái nào, tiêu thụ ngay cái đó. Hơn nữa, chúng tôi cũng hành nghề được trong lúc nông nhàn, mùa mưa, hoặc ban đêm, vừa “đục đẽo” vừa xem thời sự, phim ảnh... Trong làng này có nhiều người chuyên “vác” hoặc chở chõng tre của chúng tôi ra TP Đà Nẵng hoặc những vùng lân cận để bán như các bà Ngô Thị Kháng (60 tuổi), Phan Thị Mai (37 tuổi), Phạm Thị Sen (34 tuổi)...”, ông Thành tỏ ra rất tự hào về nghề, dù chỉ là nghề tay trái.

Ông Từ Văn Thành tra thanh ngang chõng vào chõng.

Bà Ngô Thị Kháng, một “chuyên gia” có thâm niên vác chõng tre đi bán “tứ xứ” cho hay, cứ ba lần một tuần vào buổi sáng - dù mưa hay nắng, bà vác  chõng tre  đi bộ  từ quê nhà đến nội thành Đà Nẵng, len lỏi đến tận các ngõ xóm, ngóc ngách để bán với quãng đường dài hơn 25 km. Sau khi “cơm cà mắm muối”, 6 giờ sáng bà bắt đầu vác chõng lên vai và đến nội thành Đà Nẵng khoảng 9 giờ 30. Trên đường đi, có ai mua chõng thì bà bán, nhưng bán nhiều nhất vẫn là nội thành Đà Nẵng, bán xong  vào khoảng 13 giờ cùng ngày, bà ăn uống qua loa rồi đi bộ ra đường chính để đón xe  về lại nhà, tiền xe hết 10.000 đồng.

Ở quê, bà mua “chịu” cái giường giá 130.000 đồng, vác ra Đà Nẵng, bán khoảng 230.000 đồng, bán xong sau khi về trả vốn cộng các khoản chi phí, bà kiếm được khoảng 80.000 đồng. “Ở nông thôn, làm hơn một buổi, kiếm được chừng đó tiền cũng đã nhiều rồi. Tuy nhiên, lúc cấy hái thì ở nhà làm lụng cho xong khoảng một tuần rồi mới đi bán tiếp...”, bà Kháng chân thật. Nhờ có đôi vai gầy “dẻo dai” và đôi “chân cứng đá mềm”, 35 năm qua, nhờ bán chõng tre, bà Kháng nuôi 4 con trưởng thành, mua xe máy, xây nhà, sắm vật dụng gia đình, hoàn thành các nghĩa vụ ở địa phương... Theo lời bà Kháng, trung bình mỗi tuần bà đi bán dạo lội bộ khoảng 75 km, vị chi trong 35 năm qua, đôi chân bà đã đi qua 126.000 km. Một kỷ lục đáng ghi vào sách Guinness !

Hòa Vang