Di thực rau rừng

Thứ hai, 21/04/2014 12:37

(Cadn.com.vn) - Ở các huyện miền núi cao của Quảng Nam như Phước Sơn, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My... thường tập trung nhiều loại rau rừng đặc sản mọc trong các khe suối và địa hình thổ nhưỡng đặc trưng. Việc di thực những loại rau ấy về trồng tập trung trong nhà lưới đã mở ra hướng đi mới trong cách nghĩ cách làm, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Thực hiện từ cuối tháng 12-2013, mô hình sản xuất rau an toàn do Trung tâm Ứng dụng và Thông tin Khoa học Công nghệ Quảng Nam phối hợp với Phòng kinh tế hạ tầng H. Nam Trà My với các loại rau rừng đặc trưng của địa phương lần đầu tiên được thí điểm tại hộ gia đình chị Hồ Thị Mùi, tổ 6, thôn 1, xã Trà Mai H. Nam Trà My. Mô hình có tổng diện tích 500m2, trong đó, nhà lưới chiếm diện tích 300m2 trồng 3 loại rau gồm rau dớn, rau lủi và rau cần ta. 200m2 còn lại gia đình làm giàn trồng su su. Sau 3 tháng triển khai thực hiện, đến nay mô hình này đã cho kết quả khả quan.  "Tôi thấy hiệu quả từ dự án thực sự mà nói là đúng đề tài, đúng mục đích, áp dụng tại địa phương như cái rau lủi ni cũng đem lại hiệu quả rất nhiều mà thời gian qua tôi đã thu hoạch nhiều rồi, cũng như giàn su su cũng thế", chị Mùi phấn khởi. Theo chị Mùi, ngoài phục vụ bữa ăn dinh dưỡng cho gia đình, chị đã thu hoạch 3 lần tổng các loại rau, mỗi lần xuất bán chị lãi trên 150 ngàn đồng.

Khảo sát thực trạng của các loại rau rừng sau khi được di thực về tại một vườn dân.

Việc sử dụng chế phẩm phân vi sinh kết hợp phân chuồng thay cho phân bón hóa học và phun thuốc trừ sâu đã giúp cho những luống rau trở nên xanh tươi hơn. Ông Phan Văn Phu, GĐ Trung tâm Ứng dụng và Thông tin KHCN tỉnh Quảng Nam cho hay, dự án này mục đích là giúp người dân tiếp cận với phân vi sinh tại chỗ do trung tâm sản xuất. Sự kết hợp này khiến người tham gia trồng rau có sản phẩm sử dụng ổn định, không phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. "Trong năm vừa qua, chính quyền địa phương rất hưởng ứng và cũng đã sắp xếp chỉ đạo các ban ngành liên quan có chuyên môn vận động gia đình, nhân dân địa phương không nên phụ thuộc rau dưới đồng bằng lên như lâu nay. Nếu lượng rau trồng sản xuất ra nhiều thì có thể đem ra chợ bán để có thêm thu nhập", Phó Chủ tịch UBND xã Trà Mai Nguyễn Văn Nhân nhận xét.

Được coi là đặc sản của miền núi, các loại rau như dớn, lủi thường mọc dọc các khe suối, độ phù sa cao, địa hình thổ nhưỡng ẩm ướt. Việc di thực những giống rau trên về trồng tập trung như tại vườn nhà có thể coi là một bước đột phá, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Cuối tháng 5-2014, các cơ quan liên quan sẽ đánh giá hiệu quả thực tế của dự án giữa mô hình đối chứng và nghiệm thu.

Ông Nguyễn Đình Tân, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng H. Nam Trà My đánh giá: "Từ các loại rau phân tán trong rừng, suối mà chúng tôi mang về trồng có đầu tư chăm sóc bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt theo mô hình hiện tại vì với mô hình này sẽ giúp cho nguồn gen giống của các loại rau sẽ được tiếp tục bảo tồn, phát triển, khai thác, khi thực tế trong tự nhiên bà con nông dân khai thác ngày một cạn kiệt. Thời gian tới chúng tôi sẽ đánh giá cụ thể năng suất, chất lượng để nhân rộng mô hình".

Được biết, siêu thị Coop.mart đã đồng ý hợp tác với địa phương cung cấp nguồn rau đặc trưng để tiêu thụ trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể có được sản lượng cao, nguồn rau dồi dào, cần nhiều mô hình hơn nữa được bà con áp dụng. Tuy nhiên, mối băn khoăn của người dân là kinh phí để đầu tư nhà lưới, hệ thống phun sương giữ ẩm... Đây là thực tế mà các cơ quan chức năng cần quan tâm hỗ trợ.

Phúc Hoàng