Đi tìm lời ru "Nữ thần mặt trời"
(Cadn.com.vn) - Trong bản Trường ca Đam San bất hủ của núi rừng Tây Nguyên, chàng Đam San đã đi tìm, đi mãi vượt qua biết bao hiểm nguy để tìm nữ thần mặt trời, tìm sự sống, tìm hình bóng Tây Nguyên trên khuôn mặt duyên dáng của nữ thần... Các truyền thuyết về "Nữ thần mặt trời" chính là cách thể hiện quan niệm "mẫu hệ", khẳng định vai trò quan trọng của người mẹ, người phụ nữ trong đời sống xã hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên...
NGƯỜI ĐÀN BÀ - THẦN NỮ TÂY NGUYÊN
Ở Tây Nguyên, người đàn bà mới là “bên nội”, là bên trong, là nội giới, nhân tố quyết định của sự nội sinh, chủ nhân đích thực của dòng chảy. Nên mặc nhiên, đàn bà là người chủ của sự sống, của gia đình. Theo phong tục Tây Nguyên có từ ngàn đời, một đứa bé lọt lòng mẹ vẫn chưa phải là một con người. Người ta phải thổi linh hồn vào cho nó thành người. Thổi qua lỗ tai. Vì thế mới có lễ “thổi tai” cho đứa bé sơ sinh. Người thổi tai bao giờ cũng là người đàn bà, bởi đó là người giữ giềng mối của sự sống. Người đàn bà để thổi tai bao giờ cũng chọn bà đứng tuổi, để cho cái “nhớ” được bền chặt. Bà cầm một cuộn chỉ bông lấy ra từ chiếc xa quay, phun gừng mà bà đã nhai nát vào đó, rồi thổi bảy lần vào cuộn chỉ đặt sát vào tai đứa bé, vừa khấn: “Thông lỗ mũi/Tinh lỗ tai/Phun gừng/Tai trái/nhớ lấy công việc/Tai phải/nhớ lấy ruộng rẫy.../Con trai/phải nhớ lấy cái cuốc/phải nhớ cái rìu/nhớ lấy cái giáo giữ làng/Con gái/ chớ quên cái yếm làm cỏ...”.
Trong đoạn khấn, từ nhớ được nhắc lại nhiều lần, vào cơ quan của sự nhớ, cũng là sự hiểu biết, cửa vào linh hồn chính là lỗ tai. Nhớ là mạch nguồn của sự sống, phải chăng vạn vật luân hồi đều bắt đầu từ “nhớ” và kết thúc bằng “quên”. Trong tất cả các nghi lễ của đồng bào Tây Nguyên, người cầu khấn bao giờ cũng là đàn ông. Duy có trong lễ thổi tai, lễ truyền sự nhớ, sự thông tuệ, thổi “người” vào sinh vật mới sinh ra, người cầu khấn là đàn bà. Phải chăng, đối với Tây Nguyên, đàn bà có một quyền uy thần bí nắm giữ sự sinh tồn cho mạch nguồn phát triển? Họ như thần nữ ban phép lạ “sự nhớ” cho các linh hồn những đứa trẻ mới sinh?
![]() |
Đội voi Bản Đôn tham gia Festival Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên |
NGƯỜI ĐƯA ĐÀN ÔNG VÀO “CÕI QUÊN”
Tôi cũng nhiều lần hút rượu cần. Khó gì, ở đâu có đồng bào thiểu số sinh sống thì ở đó tất có rượu cần. Thời còn làm công tác vận động quần chúng, có lần lễ cúng Giàng, tôi hút rượu cần với đồng bào Vân Kiều (Hướng Hóa- Quảng Trị) đến mỏi nhừ xương hàm, say đến ngạt thở. Say thì ngủ, có sao đâu, nằm ngủ vùi bên đống lửa đến tỉnh rượu thì thức dậy. Già làng ngồi bên cạnh rót một bát nước lá màu vàng nhạt bảo: “Uống đi cho giã cơn say, để còn tiếp tục...”. Đó là rượu cần dân tộc Vân Kiều. Lần này đến Tây Nguyên, một già làng trong đêm hội Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vừa hút rượu cần vừa hát rằng: “Này hỡi men say; ngọt đắng cay nồng; nẻ cả lỗ tai; quên cả cháu khóc; quên cả nấu cơm cho chồng”. Say nẻ lỗ tai để rồi quên hết mọi sự đời. Lại còn: “Lạy thần, xin thương tôi; Lạy thần xin ban cho tôi; Được lạc vào nhà người ta; Ăn nằm với vợ người ta!”.
Dân nhậu thường đùa nhau, rượu vào thì “giảm trí thông minh mà tăng lòng dũng cảm”. Dân ở những xứ khác say đến mấy cũng đố dám làm chuyện đó. Thế mà không biết sao ở Tây Nguyên, người ta trao cho rượu “chức năng” ghê gớm đến như vậy. Thì ai có đủ phép thuật làm ra những thứ thuốc có sức “công phá” ghê gớm đến vậy? Người đàn bà Tây Nguyên. Người giữ chức năng duy trì sự “nhớ” thì cũng chính họ đưa tất cả vào cõi “quên”. Phụ nữ là tác giả của nền văn hóa góp phần làm nên Tây Nguyên vừa thật gần, vừa xa xôi là ché rượu cần.
Rượu cần làm bằng những thứ thông thường nhất trong đời sống hằng ngày: gạo, ngô, sắn hoặc ngũ cốc... tất cả được nấu chín, giã nát ra đem trộn với men. Tất nhiên quan trọng vẫn là men, vì vùng đồng bằng người ta cũng nấu rượu như thế, chỉ khác là men ở đồng bằng mua tận mãi đâu đất nước Trung Quốc. Còn men Tây Nguyên được chế bằng những thứ thảo mộc đặc biệt: lá, rễ, vỏ cây. Cây gì? chịu. Chỉ có người đàn bà biết, và khẳng định chúng mọc đâu đó rất sâu trong rừng. Bột gạo, sắn, ngô... trộn với thứ men kỳ bí kia được ủ trên những chiếc nong phủ kín lá chuối liền trong 3 ngày 3 đêm. Rồi họ treo chúng lên trên các xà dọc vách cho đến khi chúng được trân trọng bê xuống, buộc vào cột nhà, mở lớp lá phủ miệng, đổ nước, cắm cần... và cuộc la đà bất tận.
Có một điều hết sức kỳ lạ là nếu nói củ gừng là khơi nguồn cho sự nhớ trong lễ thổi tai thì củ riềng là kết thúc bằng sự quên mịt mù trong men rượu cần. Cho dù gừng và riềng giống nhau như anh em, rất khó phân biệt thì qua bàn tay phù phép của đàn bà trở thành hai công dụng khác nhau. Một nghệ thuật dụng vật kinh hồn. Tất nhiên không phải tôi phát hiện mà sự kỳ lạ này, mà nhà văn Nguyên Ngọc phát hiện trong quãng thời gian ông lăn lộn với chiến trường Tây Nguyên trong hai cuộc kháng chiến.
Nhiều lúc tự hỏi lòng: Tây Nguyên là gì nhỉ? Rồi tự trả lời - là rượu cần, là cồng chiêng, là rừng, là tượng... Thôi thì hãy để người nào đến Tây Nguyên được có quyền lưu giữ một Tây Nguyên riêng của họ. Như tôi vậy.
Minh Tuấn