Dịch bệnh mùa mưa có xu hướng gia tăng

Thứ năm, 04/12/2014 10:42

(Cadn.com.vn) - Mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), viêm giác mạc cấp (đau mắt đỏ), tiêu chảy cấp, hô hấp… phát triển mạnh.

Theo ngành Y tế thành phố Đà Nẵng, dù hiện tại các loại dịch bệnh này chỉ mới tăng nhẹ so với các tháng trước nhưng với thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao thì rất có khả năng sẽ phát triển mạnh trong thời gian đến…

Những vật dụng chứa nước như thế này là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi nảy nở. 

Các loại bệnh đều có dấu hiệu tăng

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng (TTYTDPTP), từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng ghi nhận 257 ca SXH (giảm 84,55% so với cùng kỳ năm 2013), 1.504 ca TCM (giảm 46,7% so với cùng kỳ năm 2013) và không có trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, trong những tuần cuối tháng 11-2014, số ca mắc SXH và TCM có xu hướng tăng, trung bình mỗi tuần có từ 8-10 ca SXH và từ 60-70 ca TCM nhập viện điều trị. Không chỉ bệnh SXH và TCM mới có xu hướng tăng mà các loại bệnh truyền nhiễm khác như tiêu chảy cấp, hô hấp, đau mắt đỏ cũng tăng đáng kể.

Bác sỹ Nguyễn Tam Lãm-Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm (TTYTDPTP) cho biết: Sở dĩ các loại bệnh truyền nhiễm này có xu hướng tăng trong thời gian gần đây thậm chí có thể bùng phát trong thời gian tới là do thời tiết đang vào mùa mưa, độ ẩm cao, thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển. Thông thường sau mưa là các loại bệnh truyền nhiễm đều tăng cao, nhất là bệnh SXH. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho một số dịch bệnh như Cúm A (H5N1, H7N9…), bệnh do virus Ebola xâm nhập…

Theo bác sỹ Nguyễn Tam Lãm, trước tình hình trên, TTYTDPTP đã phối hợp các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM, đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp, cúm gia cầm. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác điều tra, xử lý dịch, phát huy vai trò của lực lượng cộng tác viên dân số - sức khỏe cộng đồng trong giám sát bệnh tại cộng đồng, vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể, chống dịch bệnh.

Cũng như, tăng cường công tác giám sát, điều tra và xử lý kịp thời, triệt để ca bệnh, ổ dịch ghi nhận được, khống chế dịch lây lan và bùng phát; giám sát công tác xử lý ca bệnh, ổ dịch tại các địa phương, đơn vị. Tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị SXH, TCM, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ cho các bác sỹ, điều dưỡng các tuyến.

Ngoài ra, để chống quá tải khi mùa dịch SXH, TCM, tiêu chảy, đau mắt đỏ đến, các bệnh viện đã chủ động tăng giường bệnh thực kê, mở rộng buồng bệnh và ứng dụng triển khai những kỹ thuật mới, hiện đại góp phần giải quyết quá tải, rút ngắn thời gian điều trị nội trú. Hiện TTYTDP TP cũng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc cũng như nhân lực để sẵn sàng xử lý nguồn nước và vệ sinh sau bão lũ.

Đặc biệt, TTYTDPTP luôn duy trì các loại hình tiêm chủng vaccine. Tập trung cho chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi - rubella đợt 3 trong tháng 12 - 2014 cho 7.617 trẻ từ 11-14 tuổi tại H. Hòa Vang và sẽ tiến hành triển khai tại các địa phương khác vào đầu năm 2015.

 Trước tình hình bệnh hạch có khả năng xâm nhập vào Việt Nam, TTYTDPTP cũng đã có công văn gửi cho các đơn vị, địa phương và phối hợp tăng cường tuyên truyền công tác phòng chống dịch hạch cho người dân…

Bác sỹ Nguyễn Tam Lãm cho biết: "Để chủ động phòng chống các loại dịch bệnh trong mùa mưa bão, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, mọi người dân cần chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng ngay tại nhà, khu dân cư, trong các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình; vệ sinh môi trường xung quanh, ngủ màn, diệt muỗi, lăng quăng, làm sạch các vật dụng chứa nước… nhằm cắt đứt môi trường sinh sản của muỗi vằn gây bệnh SXH. Đồng thời thực hiện chế độ ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng; dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, thông thoáng, thu gom rác thải. Cần đến cơ sở y tế sớm khi thấy dấu hiệu bệnh xuất hiện để được điều trị kịp thời, tránh những việc đáng tiếc xảy ra. Nếu lũ đến thì tập trung dọn nhà, thu gom rác thải, xác súc vật chết, vệ sinh nhà cửa…"

Bác sỹ BV Mắt Đà Nẵng khám bệnh cho các bệnh nhân đau mắt đỏ.

Không chủ quan với bệnh đau mắt đỏ

Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp do virus Adeno) đang có xu hướng tăng trong mùa mưa lũ. Mỗi tuần có từ 40-50 người dân Đà Nẵng mắc bệnh này. Trong khi đó, theo số liệu của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, số bệnh nhân đến khám, điều trị viêm kết mạc cấp liên tục tăng hằng ngày. Từ đầu năm đến nay, BV Mắt đã tiếp nhận hơn 1.500 người bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đến khám. Riêng từ tháng 10 đến nay có hơn 700 ca. Thống kê của bệnh viện này còn cho thấy 40% bệnh nhân đến khám và điều trị là người ngoài tỉnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Trưởng Khoa khám bệnh (Bệnh viện Mắt Đà Nẵng), đau mắt đỏ là bệnh phổ biến, thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ và xảy ra ở khu vực nông thôn lẫn thành thị. Tuy nhiên, bệnh sẽ dễ mắc và dễ bùng phát thành dịch tại những nơi điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước sạch không bảo đảm.

Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho virus phát triển, kèm theo đó là thói quen sử dụng nước giếng khơi bị nhiễm bẩn. Đây là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ mùa này cao hơn những thời điểm nắng nóng. Bác sĩ Khôi khuyến cáo: "Khi vừa chớm đau mắt với các biểu hiện cộm, ngứa, chảy nước mắt, bệnh nhân nên tích cực rửa mắt bằng nước muối sinh lý, không dùng tay dụi mắt; đặc biệt giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt để nhanh khỏi bệnh và tránh lây bệnh cho người khác. Dù đau mắt đỏ được xem là bệnh lành tính nhưng việc tự ý điều trị có khi gây tổn hại nghiêm trọng cho mắt. Qua thăm khám, các bác sĩ đã gặp một số trường hợp bệnh nhân tự mua thuốc nhỏ mắt, nhất là các loại thuốc có chứa thành phần corticoid - một chất gây hại cho mắt nên dẫn đến các biến chứng như loét giác mạc, mờ mắt.

"Bệnh đau mắt đỏ thường lây lan giữa các cá nhân trong gia đình, cộng đồng nơi sinh sống và công sở. Vì vậy, để bảo vệ đôi mắt trong thời điểm có nguy cơ cao mắc bệnh đau mắt đỏ, ngoài việc giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay chuyên dụng, mọi người cần quan tâm đến vệ sinh nơi ở, nơi sinh hoạt chung để hạn chế việc lây bệnh qua các vật tiếp xúc trung gian…", bác sỹ Khôi cho biết.

T.Dũng