Điểm tựa của cộng đồng Gia Rai
Tại Tây Nguyên, hầu hết, mỗi làng người dân tộc thiểu số chỉ có một người được bà con bầu là người uy tín. Họ cùng với già làng, trưởng thôn hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân trong cộng đồng; đồng thời truyền đạt tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với chính quyền địa phương. Ông Rơ Mah Chel được bà con làng Krêl tín nhiệm, bầu là người uy tín hơn 10 năm nay. Đây là niềm hạnh phúc cũng là trách nhiệm lớn lao của ông đối với sự tín nhiệm của bà con làng Krêl, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Rơ Mah Chel là một trong những người đi đầu trong hoạt động phát triển kinh tế của làng Krêl. |
Năm nay 46 tuổi đời, ông Chel đã có 20 năm tuổi Đảng. Là thế hệ chuyển giao, ông ý thức được việc thế hệ con trẻ trong làng cần có cái chữ để thay đổi cuộc đời, cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Vì tâm huyết đó, ông cố gắng học hành rồi tiếp tục theo đuổi ước mơ nghề giáo của mình, mang cái chữ về dạy cho bà con dân tộc Gia Rai hơn 26 năm nay. Ông đi dạy từ khi làng còn thưa thớt nóc nhà, đường sá xa xôi, cách trở, để học sinh đến trường, giáo viên hằng ngày phải đưa đón, vận động, buổi tối đến tận nhà kèm cho từng học sinh. Hiện ông Chel đang là giáo viên Trường Tiểu học Võ Văn Kiệt, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ. Thế hệ học trò của ông đã có những người trở thành cán bộ xã, huyện, đóng góp nhiều cho sự phát triển của địa phương.
Giỏi cái chữ, ông được tiếp cận nhiều hơn với văn hóa, tiến bộ xã hội, cũng từ đó, ông được xem như "đầu tàu" của dân làng Krêl. Ông Chel là người đầu tiên trong làng hướng dẫn bà con cách ăn chín, uống sôi, di dời chuồng trại ra xa khu dân cư. Ông còn vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, vận dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chính vì thế, làng Krêl đã đạt làng nông thôn mới kiểu mẫu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai.
Đặc biệt, ông Chel còn là người hòa giải "mát tay" nhất làng, thường xuyên tham gia hòa giải cho vợ chồng, nhóm thanh niên, thậm chí hai làng xảy ra mâu thuẫn. Đối với ông Chel, công tác hòa giải được vận dụng bằng kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm xã hội để giải thích riêng cho từng đối tượng, người dân hiểu thấu đáo vấn đề, từ đó không còn khúc mắc.
Ông Chel kể cho chúng tôi một kỷ niệm đáng nhớ trong công tác hòa giải của mình, đó là vụ một người chồng phải chấp hành án phạt tù, người vợ đi lấy chồng khác. Gia đình chồng ở làng bên, kéo cả làng sang đánh đập, chửi mắng người phụ nữ này. Trong khi già làng, trưởng thôn bối rối, chưa biết xử lý thế nào, ông Chel đã đứng ra can ngăn, giải thích cho dân làng, họ hàng người chồng cũ hiểu rằng, đánh người là vi phạm pháp luật, hai bên có thể ngồi bàn bạc, lắng nghe ý kiến của nhau để tìm giải pháp phù hợp. Thấy ông giải thích thuận tình, hợp lý, họ hàng người chồng cũ đã chọn cách nói chuyện, sau đó rút người về. Không chỉ người phụ nữ này mà dân làng rất biết ơn ông, nếu không có ông, hai làng đã xảy ra mâu thuẫn. Cũng kể từ đó, uy tín của ông Chel ngày một tăng thêm, ông cùng Già làng Krêl quán xuyến công việc làng, hướng dẫn bà con đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế.
Trong làng, ông Rơ Mah Chel còn là tấm gương làm kinh tế giỏi. Trước đây, bà con làng Krêl trồng cà-phê nhưng không biết cách chăm sóc nên năng suất cây kém, tùy vào thời tiết mà mùa vụ được hay mất. Được đi tập huấn nhiều lớp dạy kỹ năng chăm sóc cà-phê, cao su, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Chel về vận dụng kiến thức được học để phát triển kinh tế gia đình, lấy mình làm gương để vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện gia đình ông Chel có 2 ha cao su, 1 ha điều, 1 ha cà-phê và hơn 100 trụ tiêu, mỗi năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng. Nhờ vậy, ông có tiền xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con cái học hành đầy đủ. Người con đầu của ông Chel nối nghiệp bố, đang học đại học ngành sư phạm mầm non.
Ngoài việc hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, mở mang kiến thức, ông Chel còn là một nghệ nhân đánh cồng chiêng có tiếng và cũng là người thường mở các lớp truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Gia Rai. Làng Krêl có 2 bộ cồng chiêng, một bộ của làng, một bộ của gia đình ông Chel lưu giữ từ hàng chục năm nay. Ông Chel còn đi đầu trong công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc. Hàng năm, ông tập trung bà con dọn dẹp vệ sinh Giọt nước làng, kêu gọi đóng góp tiền, ngày công để xây dựng lại mái nhà Rông với kinh phí dân làng đóng góp hàng trăm triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Siu Luynh cho biết, ông Chel được chính quyền địa phương đánh giá cao về những đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế, văn hóa của làng Krêl. Ông Chel là người dân tộc thiểu số có trình độ, có uy tín trong làng, đồng thời cũng là người có trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Những đóng góp thầm lặng của ông Rơ Mah Chel cho người dân làng Krêl nói riêng và dân tộc Gia Rai nói chung trên địa bàn tỉnh Gia Lai rất đáng tuyên dương và lan tỏa.
Hồng Điệp