Diễn biến thiên tai, bão, lũ ngày càng phức tạp, ác liệt

Thứ bảy, 17/05/2014 11:33

(Cadn.com.vn) - Ngày 22-5 năm nay, nước ta kỷ niệm 68 năm “Ngày truyền thống phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam”. Nhân sự kiện này, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực BCH PCLB và TKCN TP Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Vạn Thắng

P.V: Ông có thể đưa ra nhận định sơ bộ về thời tiết, thủy văn mùa mưa năm 2014?

Ông Huỳnh Vạn Thắng: Trong năm 2014, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông đã xảy ra sớm và có khả năng kết thúc vào khoảng cuối tháng 11-2014. Tổng số cơn bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông có khả năng khoảng từ 8-10 cơn, thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm; trong đó, có khoảng 1-2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đà Nẵng, với mức độ không quá ác liệt, tuy nhiên, cần đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp. Bên cạnh đó, tổng lượng mưa toàn mùa mưa năm 2014 tại Đà Nẵng có khả năng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, những đợt mưa lớn tập trung trong 2 tháng 10 và 11. Riêng mùa lũ 2014 diễn biến không có sự khác biệt lớn so với quy luật nhiều năm. Các sông thuộc Đà Nẵng, lũ có khả năng bắt đầu xuất hiện vào giữa tháng 9 và kết thúc vào đầu tháng 12.

P.V: Thưa ông, nhiệm vụ công tác PCLB và TKCN năm 2014 được TP đặt ra như thế nào và còn có những vấn đề khó khăn nào khác?

Ông Huỳnh Vạn Thắng: Chúng ta vẫn kiên trì với phương châm “4 tại chỗ” để có kế hoạch chủ động, đối phó với thiên tai năm 2014. Vấn đề này đều đã được quán triệt từ BCH PCLB và TKCN TP cũng như các địa phương, các ngành cũng như đối với Cty TNHH MTV khai thác Thủy lợi Đà Nẵng và các đơn vị, địa phương quản lý hồ chứa nước. Ở đây, BCH PCLB và TKCN TP đề nghị UBND TP quan tâm đầu tư thêm phao bù mới và sửa chữa các phao bù cũ đã bị hư hại; đồng thời quan tâm bố trí mặt nước trong vịnh Mân Quang để xây dựng khu trú bão thứ 2 cho tàu thuyền của TP, bởi hiện tại TP còn hơn 600 tàu lớn chưa có nơi neo đậu và vịnh Mân Quang đã được quy hoạch gần kín. Đề nghị Sở CSPCCC sớm xây dựng phương án PCCC cho tàu thuyền trong âu thuyền, có phương án tổ chức trực tại chỗ ngay trong âu thuyền trong những ngày tàu thuyền tập trung trú bão.

Hiện nay, do xây dựng đô thị và cơ sở hạ tầng nên sẽ xảy ra vấn đề ngập úng cục bộ, nhiều nơi cản trở thoát lũ, điển hình là tại xã Hòa Liên nơi chịu ảnh hưởng của lũ sông Cu Đê và lũ của lưu vực Hòa Trung. Do đó, đề nghị các chủ đầu tư và các địa phương sớm triển khai các giải pháp khắc phục, đảm bảo thoát lũ nhanh, giảm độ ngập sâu của lũ; đồng thời xây dựng các phương án ứng phó với lũ, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân khi có lũ lớn. Chúng tôi cũng đề nghị TP sớm tiến hành tái quy hoạch các cơ sở hạ tầng và các đô thị đang xây dựng dở dang, các đô thị quy hoạch dọc các sông Vĩnh Điện, Cầu Đỏ, Cẩm Lệ, sông Yên, Túy Loan, Quá Giáng và sông Cu Đê theo hướng đảm bảo hành lang thoát lũ.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Phương Kiếm (thực hiện)

Rà soát tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 16-5, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội tổ chức hội thảo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Tại hội thảo, các đại biểu khuyến nghị cần tiếp tục triển khai hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Theo đó, các bộ, ngành liên quan cần rà soát tổng thể, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi để các ngành kinh tế xanh phát triển. Các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư liên quan đến biến đổi khí hậu vào kế hoạch hằng năm, 5 năm; tăng đầu tư cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó chủ yếu đầu tư cho xây dựng và phát triển hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát, cảnh báo thiên tai. Các địa phương khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp, đầu tư tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu, nhân rộng các mô hình, dự án thí điểm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

 Thu Thủy