Điên đầu với “điện tặc”

Thứ hai, 30/09/2013 11:23

(Cadn.com.vn) - Số vụ vi phạm sử dụng điện trên địa bàn Đà Nẵng tính đến cuối tháng 9-2013 đã bằng cả năm 2012, và nghiêm trọng hơn là sản lượng và tiền bồi thường đã tăng gấp đôi. Ngành Điện thành phố đang đau đầu vì hành vi của “điện tặc” ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện.

LẮM CHIÊU, NHIỀU TRÒ

Tính đến cuối tháng 9, lực lượng kiểm tra viên ngành Điện lực đã kiểm tra, lập biên bản 55 vụ vi phạm sử dụng điện. Trong số này có 48 vụ trộm điện cho mục đích sinh hoạt, còn lại là sử dụng kinh doanh và các mục đích khác. Đó chỉ là số vụ được phát hiện, còn theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thì chắc chắn sẽ còn nhiều vụ vi phạm khác với tổng lượng điện rất lớn mà rất khó để tìm ra. Nếu như 53 vụ trộm điện của cả năm 2012 có sản lượng bồi thường là 55.192 kWh và tiền bồi thường là gần 135 triệu đồng thì chỉ trong 9 tháng của năm 2013 sản lượng bồi thường đã lên đến 98.807 kWh và tiền bồi thường là hơn 300 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, hình thức trộm cắp điện ngày càng đa dạng, tinh vi nên rất khó phát hiện. Phổ biến nhất vẫn là những chiêu câu móc phía trước công tơ, thay đổi sơ đồ đấu dây lấy nguội ngoài và dùng nam châm. Hình thức mổ cáp chôn âm tường điển hình nhất là vụ việc được phát hiện vào ngày 20-8 vừa qua khi ngành Điện bắt quả tang hộ bà Lê Thị Tươi (tổ 12B Lộc Phước, P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà) đã “phẫu thuật” đường dây phía trước đồng hồ đo điện để phục vụ kinh doanh và dùng chùa trong một thời gian dài với tổng lượng điện 25.412 kWh. Ngoài số tiền bồi thường hơn 109 triệu đồng, vụ vi phạm nghiêm trọng này bị lập hồ sơ chuyển cho cơ quan CA xử lý. Trước đó, tại tổ 69 Bình An, P. Hòa Cường Bắc (Q. Hải Châu), cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý ông Dương Thanh Kho 30 triệu đồng vì đã câu trộm điện bằng hình thức này với sản lượng điện phải bồi thường là 6.703kWh (tương đương số tiền hơn 17 triệu đồng).

Thủ thuật mổ cáp trước công tơ để xài chùa điện bị lực lượng chức năng phát hiện.

Một hình thức đơn giản nhưng cơ động khiến cơ quan chuyên môn rất khó bắt quả tang là sử dụng nam châm. Tuy vậy, với nhiều nghi vấn do chủ hộ xài điện mát ga nhưng thanh toán với hóa đơn rất bèo, đầu năm vừa qua, Cty Điện lực Đà Nẵng đã kiểm tra bất ngờ và phát hiện hộ ông Lê Nhật Hòa ở 118-Ông Ích Đường, P. Hòa Thọ Đông (Q. Cẩm Lệ) dùng nam châm khiến kim đồng hồ đo điện đứng im re trong khi các vật dụng trong nhà chạy hết công suất. Vụ việc này sau đó được chuyển cho cơ quan CA và Thanh tra Sở Công thương xử phạt 35 triệu đồng vì chủ nhà đã dùng “free” tới 5.728kWh.

Chiêu mổ cáp trực tiếp để xài chùa 25.412 kWh điện của hộ bà Lê Thị Tươi bị phát hiện
và xử phạt 109 triệu đồng.

Trong số các chiêu trộm điện thì thủ thuật tự ý đảo sơ đồ đấu dây vào công tơ kết hợp nguội ngoài là phức tạp và đòi hỏi chủ nhân phải có hiểu biết về điện. Chỉ trong 2 ngày cuối tháng 8 vừa qua, Điện lực Thanh Khê đã phát hiện và xử lý hộ ông Bùi Văn Quế (K62/14-Hà Huy Tập) và ông Huỳnh Văn Hương (K104/35-Lê Độ) từng qua mặt cơ quan chức năng trong một thời gian dài, lấy cắp điện với tổng sản lượng bồi thường lên đến hơn 17.000 kWh, tương đương số tiền bồi thường 42 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Điện lực Đà Nẵng, các vụ trộm cắp điện thường bắt nguồn bằng sự thiếu hiểu biết, tìm cách xài chùa để giảm tiền điện phải trả và số còn lại là chủ động cố tình vi phạm pháp luật.

TỪ RANH MÃNH ĐẾN CÙ NHẦY

Dù đối mặt với lượng thất thoát điện năng lớn nhưng để giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi trộm điện vẫn còn là một bài toán rất khó khăn với cơ quan chuyên môn. Thách thức đầu tiên đó là lợi dụng vị trí lắp đặt công tơ trong nhà, một số hộ có hành vi mổ cáp nguồn, đấu trực tiếp trước công tơ và chôn âm tường. Chính vì vậy, quan sát bằng mắt thường gần như không bao giờ phát hiện được. Việc tiếp cận để kiểm tra của lực lượng kiểm tra viên đối với khách hàng có dấu hiệu vi phạm rất khó khăn, vì hầu hết hệ thống đo đếm đặt trong phạm vi quản lý của khách hàng. Các đối tượng đã chủ động cố tình trộm điện luôn luôn chuẩn bị mọi tình huống để có thể phi tang chứng cứ mỗi khi có đoàn kiểm tra. Chưa dừng lại ở đây, nhiều “điện tặc” khi bị bắt tận tay, day tận trán đã giở chiêu cù nhầy để chạy làng. Một kiểm tra viên ngành Điện cho biết, trong một số trường hợp, đối tượng vi phạm khi bị bắt quả tang đã cố tình kích động, lôi kéo đám đông gây áp lực nhằm phi tang bằng chứng. Thậm chí đã có những lúc lực lượng kiểm tra bị mạt sát, hành hung, cố tình không hợp tác.

Một khó khăn khác đối với ngành Điện trong công tác xử lý các vụ trộm điện chính là vấn đề định lượng để quyết định khung hành chính hay hình sự. Hiện nay, tất cả các hồ sơ lấy cắp điện đều được Điện lực Đà Nẵng xử lý kịp thời, truy thu sản lượng điện năng bị thất thoát đồng thời gửi hồ sơ đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý theo quy định. Với các trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý hành chính, Thanh tra Sở Công thương TP đã nhanh chóng ra Quyết định xử phạt. Nhưng với các trường hợp trộm cắp điện số lượng lớn (từ 3.000 kWh trở lên), vượt quá khung xử phạt theo Nghị định 68/ 2010/ NĐ – CP thì được chuyển cho cơ quan công an xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, theo CATP Đà Nẵng khó nhất là nằm ở cách xác định giá trị tài sản bị thiệt hại thực tế. Nếu không có những con số, những chứng cứ cụ thể rất khó. Chính vì vậy, cho đến nay Đà Nẵng chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến hành vi trộm cắp điện.

Chính vì “điện tặc” có đủ mánh lới để qua mặt cơ quan chức năng, số vụ vi phạm được phát hiện là nhỏ so với thực tế nên việc giảm thiểu hao hụt điện năng vẫn là một bài toán khó. Tuyên truyền, vận động ý thức của người dân chắc chắn là công việc được đặt lên hàng đầu nhưng các biện pháp xử lý, đặc biệt là củng cố hồ sơ đối với những vụ vi phạm nghiêm trọng để đủ sức răn đe cũng là điều rất cần thiết.

Công Khanh