"Diện kiến" những nơi mầm bệnh sốt xuất huyết phát triển

Thứ sáu, 11/08/2017 08:53

Hàng ngàn lô đất bỏ hoang, nhiều dự án, khu tái định cư triển khai chậm trên địa bàn TP Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm tập kết rác thải, những vật dụng chứa nước, gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, những nơi đó được xem là môi trường tốt để dịch sốt xuất huyết (SXH) phát triển nhưng nhiều địa phương vẫn còn khó khăn, lúng túng cũng như không có kinh phí để dọn dẹp.



Hầu hết các khu đất trống đều có vật phế phẩm chứa nước -
tạo điều kiện cho bọ gậy, lăng quăng sinh sôi nảy nở.

Nơi mầm bệnh phát triển

Năm 2011, UBND TP Đà Nẵng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường ra thông báo đối với chủ các lô đất chưa sử dụng yêu cầu dọn dẹp, bảo vệ lô đất của mình. Sau thời gian ra thông báo, nếu các chủ đất không thực hiện hoặc không phản hồi, Sở sẽ đứng ra tổ chức tổng vệ sinh các lô đất trống trên và kết hợp với các địa phương tạm thời sử dụng các lô đất này vào mục đích tạo nguồn kinh phí tùy thuộc vào nhu cầu của từng địa phương. Bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, một số chủ đất đã dọn dẹp, rào lại khu đất của mình, xà bần, giá hạ được dọn đi...  Song song với đó, nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố cũng đồng loạt ra quân hưởng ứng phong trào "Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp", tiến hành dọn dẹp rác, phế phẩm, phát cỏ tại các tuyến đường, các khu đất trống… Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có chiều hướng tái diễn tình trạng nhiều lô đất trống trở thành nơi đổ rác, phế thải chứa nước, cỏ cây um tùm, gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan đô thị và là địa điểm tốt cho bọ gậy, lăng quăng sinh sôi, khiến dịch bệnh SXH phát triển.

Dạo một vòng qua những địa bàn P. Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc (Q. Hải Châu), P. Hòa Khánh Nam, P. Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu), P. An Khê (Q. Thanh Khê), P. Khuê Trung, P. Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ)…, chúng tôi không khó phát hiện hàng ngàn bãi "đất hoang" để trống. Theo quan sát, hầu hết những địa điểm này đều tồn tại những bãi cỏ mọc um tùm và lốp xe, bể cá, xô, thùng, chậu cảnh, lon sơn, thùng xốp… chứa nước phát hiện có nhiều lăng quăng, bọ gậy - nguyên nhân chính dẫn đến bệnh SXH. Chị N.T.L (P. Hòa Cường Bắc) cho biết: "Sau khi các ngành chức năng ra quân dọn vệ sinh những lô đất bỏ hoang gây ô nhiễm, người dân ở đây ai cũng mừng. Nhưng do không được dọn vệ sinh thường xuyên nên hiện cỏ đã mọc lại um tùm, trở thành nơi sinh trưởng cho các loài bọ gậy, lăng quăng, muỗi. Do trên địa bàn phường có nhiều khu đất hoang nên chúng tôi luôn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm và luôn sống trong nỗi lo sợ dịch SXH bùng phát".

Ngược về các P. Hòa Hải, P. Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn), P. Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, Thọ Quang (Q. Sơn Trà), chúng tôi tiếp tục bắt gặp những khu đất trống, một số con đường mới cỏ mọc um tùm, rác, xà bần được đổ đầy và phát hiện rất nhiều vật dụng chứa nước thải có bọ gậy, lăng quăng đang phát triển… Chị N.T.P ( trú P. Nại Hiên Đông) cho biết: "Các khu đất trống dọc những con đường mới trên địa bàn quận và phường này đều có chung tình trạng cỏ mọc um tùm. Thấy thế nhiều người dân đã vô tư mang rác, các vật phẩm hư hỏng đến bỏ".

Đem những câu chuyện ghi nhận được tại các khu đất trống bỏ hoang trao đổi với một số lãnh đạo địa phương, chúng tôi đều nhận được câu trả lời như nhau: Trong thời gian qua, địa phương đã tập trung nhiều nguồn lực, nhiều cách để xử lý môi trường tại các lô đất trống. Tuy nhiên, việc kiểm soát về môi trường ở các khu đất trống là rất khó khăn và tốn kém. Bởi ý thức của một bộ phận người dân vẫn chưa cao, vẫn còn thích vứt rác và các vật phẩm chứa nước vào những khu đất trống gần nhà… cho tiện.

Vận động người dân tích cực phòng chống dịch

Từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình dịch bệnh SXH diễn biến khá phức tạp tại 7/7 quận, huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng. Mặc dù ngành y tế đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị triển khai đầy đủ biện pháp nhưng tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Theo Bs Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, mặc dù năm 2016, Sở Y tế đã tích tực phối hợp với 7/7 UBND quận, huyện tổ chức ký cam kết về tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh do vius Zika và SXH, tuy nhiên công tác diệt lăng quăng, bọ gậy ở hầu hết các địa phương chưa được chính quyền quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, người dân chưa thật sự tự giác tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy triệt để theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết người dân đều nhận thức được việc không có bọ gậy, lăng quăng thì không có SXH nhưng lại ngại ra tay "xử lý" mà chủ yếu giao phó hết cho cán bộ ngành y tế. Bên cạnh đó, Đà Nẵng hiện có rất nhiều khu đất trống nhưng hầu hết những nơi này đều có vật dụng chứa nước, nơi thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển... "Kinh nghiệm cho thấy, ở địa phương nào chính quyền quan tâm công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác vận động người dân tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy thì ở địa phương đó tình hình dịch bệnh được khống chế và ổn định", Bs Thạnh khẳng định.

Bs Tôn Thất Thạnh cho rằng, ngành y tế thành phố xác định công tác phòng, chống bệnh SXH trong thời gian tới là nhiệm vụ trọng tâm nên sẽ tập trung nhân lực xử lý. Đồng thời, ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương quyết liệt triển khai công tác phòng, chống SXH về tận các tổ dân phố, tại các khu đất trống; huy động cả hệ thống chính trị, người dân tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy thường xuyên và hiệu quả, đồng thời có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương. Tăng cường công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, vận động người dân tích cực thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy tại nơi ở, khu dân cư và khu đất trống gần nhà. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh để kịp thời thu dung, điều trị sớm bệnh nhân. Hạn chế thấp nhất biến chứng và tử vong do bệnh SXH.

 Tính từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng có gần 4.000 ca SXH (tăng hơn 87% so với cùng kỳ năm trước). Hiện trung bình mỗi tuần có từ 120-140 ca mắc SXH. Trung tâm Y tế dự phòng đã khoanh vùng xác định 267 ổ dịch SXH nhỏ và đã tiến hành xử lý hóa chất ổ dịch. Đến nay, Đà Nẵng chưa có trường hợp nào tử vong do SXH. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Phụ sản - Nhi đã điều trị cho 2.372 ca mắc SXH (trong đó Đà Nẵng là 1.759 bệnh nhân) và Bệnh viện Đà Nẵng ghi nhận 922 bệnh nhân mắc SXH (trong đó Đà Nẵng là 589 bệnh nhân). Qua kết quả xét nghiệm cho thấy Đà Nẵng đã có xuất hiện một số trường hợp mắc bệnh SXH ở mức độ nặng. Chính vì vậy, nếu sự vào cuộc của các cơ quan chức năng không thật sự quyết liệt và ý thức của người dân vẫn không được nâng lên thì diễn biến của dịch bệnh SXH sẽ  rất nguy hiểm.

LÊ HÙNG