Điều kỳ diệu của tình yêu

Thứ hai, 21/10/2013 11:37

(Cadn.com.vn) - Vẫn biết tình yêu vốn diệu kỳ, có thể mang lại cho con người những điều bất ngờ nhất trong số những điều phi thường nhất của nhân loại. Nhưng, khi nghe cái kết có hậu trong câu chuyện người phụ nữ Trần Thị Bông 30 năm chung tình, trọn nghĩa bên người chồng bị bại liệt, ai ai cũng phải bất ngờ.

Sắt son trái tim thôn nữ

Cùng làng Lệ An, xã Duy Châu, H. Duy Xuyên (Quảng Nam) nên anh Võ Văn Sự (1957) và chị Trần Thị Bông quen, thương, rồi yêu nhau say đắm. Ngày tiễn anh Sự  nhập ngũ, lên đường làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, sau khi gói ghém hành trang cho người yêu đi xa, chị Bông đăm đắm nhìn anh, quên cả câu nói quen thuộc mà những cặp trai gái khác vẫn thường thề hẹn trong khung cảnh như thế. Nhưng nhìn vào mắt nhau, anh chị cảm nhận rằng đã có lời hứa hẹn từ trái tim.

Những trận chiến liên hồi không làm người trai làng Lệ An gục ngã, nhưng sự khắc nghiệt của rừng sâu, nước độc thì đã ngấm sâu vào xương thịt người lính tình nguyện Võ Văn Sự. Từ chiến trường trở về, những bước đi của anh đã tỏ rõ sự khó nhọc, mỗi bước đi là mỗi cơn đau nhức đến tận xương tủy. Nhưng chị Bông, vẫn trọn vẹn tình yêu như thuở ban đầu, đón người yêu trở về trong niềm hạnh phúc đơn sơ và tràn đầy hy vọng. Và, dù gia đình, bạn bè can ngăn, chị vẫn kiên quyết kết duyên trăm năm với anh. Đó là năm 1981.

Sau bao năm liệt giường, nay anh Sự đã có thể “giúp” vợ.

Khi chị sinh đứa con đầu lòng cũng là lúc bệnh anh có dấu hiệu nặng thêm, đau nhức cả người, chỉ có thể đi lại trong nhà. Chị vay mượn khắp nơi đưa chồng đi khám nhưng vẫn không kết luận được là bệnh gì. Một mình chị bươn chải làm thuê cuốc mướn. Sau mỗi ngày lao động cật lực, dù con còn nhỏ dại, chị lại quảy gánh hàng cây số để có nước sạch cho chồng con dùng. Năm 1985, khi đứa con trai thứ hai ra đời thì anh cũng nằm liệt giường. Đôi vai người vợ trẻ vốn bị cơm áo đè nặng, nay lại có thêm đôi quang gánh theo dòng người buôn gạo. Nhiều lần lạc đường, đến giữa khuya mới về đến nhà, chị vẫn phải tất bật lao vào bếp lo cơm nước cho chồng, con. Mỗi lần chị về trễ là mỗi lần anh đói xỉu, ngất lịm không hay biết gì. Vừa lo nuôi người vừa lo nuôi bệnh, thuốc thang hiếm hoi đắt đỏ, chị phải mua thuốc, kim tiêm về tự tiêm cho chồng. Tiền kiếm được không nhiều, để tiết kiệm, chị phải dùng đi dùng lại kim tiêm, trụng nước sôi hàng chục lần. Nhớ lại, chị cười: “Hồi đó răng mà tui liều ghê”.

Một lần nọ, chị mua được một cái máy bơm nước để đỡ vất vả đường xa. Nhưng tin lời một ông lang băm có thuốc chữa hết bệnh cho chồng, chị lại bán nó lấy 50 ngàn đồng mua được dăm thang thuốc. Thuốc hết nhưng bệnh chồng không khỏi, chị ngày ngày vẫn phải tất tả ngược xuôi gánh nước sạch. “Tui nghĩ, bệnh chồng tui là nhiễm chất độc, nước độc, nên khó mấy cực mấy, tui phải tìm nước sạch để chồng và con dùng, mong nó “tẩy” được cái độc trong người anh ấy ra”, người phụ nữ đầy gian truân giải thích giản đơn như thế về mục đích vượt hàng ngàn cây số trên hành trình chăm sóc, chữa bệnh cho chồng, nuôi con ăn học. “Đời mình có khổ bao nhiêu đi nữa cũng không thể để con mình không được học hành”, chị lý giải. Rồi niềm vui, hạnh phúc (và cũng là một thách thức lớn) đến với gia đình chị khi cậu con trai đầu đỗ vào cả Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và Đại học Sư phạm Huế. Thương mẹ, cậu con trai từ bỏ ước mơ làm kỹ sư và bay xa để làm ông giáo dạy toán, xin việc gần nhà để đỡ đần, san sẻ cùng mẹ chăm sóc bố.

Anh Sự  với “sáng chế” của vợ.

Điều kỳ diệu đã đến...

Dường như sự nỗ lực không ngừng và tình yêu thương chồng con của chị Bông đã được thấu cảm. Thấy vợ khổ cực, anh Sự từ chối uống thuốc, chữa trị. Ai ngờ, đó lại là những bước đầu tiên dẫn anh đến cánh cửa của sự bất ngờ. Sau bao nhiêu năm bất động, một ngày nọ bỗng nhiên tay chân anh cử động, rồi vài tuần sau anh ngồi dậy được. Với chị, điều kỳ diệu này chỉ có thể ở trong mơ. Rồi mỗi ngày, người chồng ốm đau lại dựa vào vai vợ tập đi, tập đứng. Ở tuổi trung niên, anh Sự lại bắt đầu đi những bước chân đầu đời, lạ lẫm mà cũng đầy an tâm bên người vợ mà hơn ai hết, đấy là điểm tựa vững chắc nhất. Như một phép lạ, từ một người nằm liệt giường lưu niên, đến nay anh Sự đã có thể tự lo sinh hoạt hằng ngày, tuy chưa thể nằm thẳng lưng. Thương chồng, chị Bông lại “chế tạo” cái gác chân bằng tre để anh ngon giấc...

Vĩ thanh

Khi chị kể câu chuyện tình cảm động và khá dài này, hai anh chị, hai nhân vật chính, cứ nhìn nhau cười trìu mến. Có lẽ, 30 năm qua, với họ bây giờ là quãng thời gian thảnh thơi nhất, bởi cả hai người con trai của họ đều đã có việc làm ổn định và lập gia đình. “Nhìn lại cuộc đời mình, cái tui mất mát nhiều nhất lại mang lại cho tui điều diệu kỳ nhất. Tuổi xuân của tui đã không uổng”.

Hằng ngày, chị Bông vẫn ra chợ xay cá bán. “Khổ miết quen rồi, chừ ngồi không chẳng chịu được”, chị giải thích. Nhiều tiểu thương trong cái chợ vùng quê này vẫn thường kể rằng, nghe cuộc đời có những câu chuyện kỳ lạ, thì ít nhất họ đã tận mắt chứng kiến được một, đó là chuyện chị Bông. Và nếu như trong làng, trong xã có một sự cố tình cảm nào xảy ra, họ lại mang câu chuyện của chị Bông ra mà khích lệ, rằng nếu biết sống hết mình vì tình yêu, thì điều diệu kỳ sẽ đến. Với tình yêu, không có điều gì là không thể...

Hà Dung