Điều kỳ diệu
(Cadn.com.vn) - Đến bây giờ ,bà Phạm Thu Yến, 78 tuổi, hiện ở 561/31 Hoàng Diệu, TP Đà Nẵng vẫn chưa hết bồi hồi khi nhớ về kỷ niệm tìm được mộ cha giữa Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn.
Cha bà là Phạm Hữu Điền, quê Gò Nổi, cán bộ an ninh Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là con của danh sĩ Phạm Liệu, người đứng đầu trong Ngũ Phụng Tề Phi đất Quảng. Được cha cho ăn học đàng hoàng ở Huế, nhưng sớm thấy được nỗi nhục mất nước, ông Điền về quê tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1945, giành chính quyền thắng lợi, ông là Chủ tịch đầu tiên của xã Điện Phong, rồi làm cán bộ tỉnh, bị địch bắt đưa ra Huế, đánh đập dã man, một thời gian sau thì được thả. Sau hiệp định Genève, ông không tập kết ra Bắc mà ở lại Nam hoạt động. Bà Yến nhớ lại: “Khi tôi đi ra Bắc theo đoàn cán bộ Viện quân y 3 (Quân khu 5) cha tôi dặn dò nhiều lắm, nếu gặp Bác Hồ thì nói nhân dân miền Nam rất nhớ Bác. Ông bảo mẹ mua cho tôi một chỉ vàng, một cây lụa quý. Trên đường hành quân tôi đã không giữ được các kỷ vật này. Nhưng may mắn tôi được gặp Bác Hồ như ý nguyện của ba khi tham gia duyệt binh ở Hà Nội. Năm 1969, ba tôi sức khỏe giảm sút, tổ chức cho ba tôi vượt Trường Sơn ra Bắc để điều dưỡng nhưng trên đường đi thì bị sức ép của quả bom địch và hy sinh”.
Bà Phạm Thu Yến chăm sóc cây cảnh hằng ngày. |
Sau ngày giải phóng bà Yến đã nhiều lần đi tìm hài cốt cha nhưng không biết ở đâu. Thông tin duy nhất bà nghe được từ những người đi với ba ngày ấy là ông Điền hy sinh ở Quảng Trị, ai là người chôn cất, mộ chí ở đâu thì không thể nào tìm ra manh mối. Nhiều năm trời bà đi tìm mộ ba và tìm người em trai duy nhất cũng đã hy sinh. Bà nén niềm riêng, bà tham gia tích cực các hoạt động của cựu chiến binh, hội từ thiện, tiếp sức “nồi cháo tình thương” ở chùa Bà Đa, Sư Nữ, gom quần áo lên tặng đồng bào miền núi Quảng Nam và trực tiếp khám nhiều lượt bệnh nhân.
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, bà đi cùng đoàn cựu chiến binh quân y ra thăm Điện Biên. Xe dừng ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, cả đoàn chia ra 3 cánh đi thắp hương. Bà Yến, bà Hải đi về hướng nam. Bà mải miết thắp hơn nửa tiếng và chỉ chăm chăm cắm nhang mà không kịp nhìn tên tuổi người trên bia mộ. Bỗng đến hàng thứ 4, bà vấp ngón chân vào mộ và nằm sóng soài. Ôm ngón chân đã bầm tím ngồi dậy, mắt bà vô tình nhìn thấy trên bia mộ hàng chữ “Phan Hữu Điều, xã Kỳ Hương, Tam Kỳ, Quảng Nam. Hy sinh năm 1969”. Như có luồng điện chạy trong người, bà hét lên với đồng đội: “Mộ ba tôi đây rồi anh chị em ơi”. Chỉ nói vậy, rồi bà ôm mộ khóc rưng rức suốt nửa tiếng đồng hồ. Mọi người hỏi tên ở đây là Phan Hữu Điều, chứ không phải Phạm Hữu Điền sao tự nhận là cha mình? Bà khẳng định: “Ba tôi hy sinh năm 1969 ở khu vực này là đúng rồi. Còn làng Kỳ Hương là ở Tam Kỳ, ngày trước ba mẹ tôi có một cái nhà ở đó nên tôi biết ba tôi ghi trong giấy tờ như vậy”. Ban quản lý nghĩa trang cũng xác nhận rằng mộ này do chiến sĩ đường dây 559 quy tập. Trong chiến tranh do vội vã hoặc giấy tờ bị nhòe không rõ nên có thể anh em đã viết sai”. Để làm chắc chắn thêm thông tin, bà Yến về Kỳ Hương (nay là phường Trường Xuân, TP Tam Kỳ) tìm hiểu tất cả sổ bộ liệt sĩ đều không ai có tên Phan Hữu Điều. Như vậy không thể có sự trùng lặp. Địa phương cũng đã chứng nhận ông Điền ngày hoạt động cách mạng từng ở đây. Sau đó vợ chồng bà đã làm đơn gửi Ban quản lý Nghĩa trang Quốc Gia Trường Sơn và tên cha bà đã được sửa lại chính xác ngay sau đó. Vào các dịp lễ hàng năm, gia đình bà đều ra dâng hoa, thắp hương.
“Ba ơi con đã tìm thấy ba rồi. Ba ở đây không mộng về con biết. Bao năm dài con đi tìm mải miết. Nay thấy ba rồi thỏa nỗi ước mong. Thôi không còn vượt trăm núi nghìn sông”, bài thơ bà viết “Tìm thấy ba rồi” trong tập thơ in chung của các CCB làm nhiều người xúc động. Tình thương yêu của người cha dành cho con gái hay người lính đã tình cờ tạo nên điều kỳ diệu ở Trường Sơn như thế đấy.
Hồng Vân