Điều tra tai nạn máy bay như thế nào?

Thứ năm, 12/11/2015 09:54

(Cadn.com.vn) - Điều tra tai nạn máy bay là công việc cấp thiết nhằm tìm ra nguyên nhân, giống như những gì đang được tiến hành đối với vụ máy bay Nga rơi ở trên bán đảo Sinai, Ai Cập hôm 31-10.

Quá trình rất phức tạp

Quá trình điều tra rất phức tạp, bởi đôi khi tai nạn xảy ra trên mặt nước, hay ngoài vùng biển thế giới, như trường hợp gặp nạn của chuyến bay 447 của Hãng hàng không Air France, rơi trên Đại Tây Dương hồi tháng 6-2009. Phải mất gần 2 năm kể từ khi xảy ra tai nạn, người ta mới tìm thấy hộp đen nằm sâu dưới lòng đại dương và mất thêm 1 năm nữa, báo cáo chính thức giải mã hộp đen mới được cơ quan hàng không Pháp công bố.

Một trong những công việc ưu tiên hàng đầu của các cơ quan chức năng, nhất là cảnh sát hay quân đội là bảo vệ hiện trường giúp công việc điều tra thuận lợi và đạt kết quả. Đôi khi vị trí và tính chất tai nạn khiến việc điều tra gặp khó khăn, như vụ tai nạn trên chuyến bay 9525 của Hãng hàng không Đức Germanwings xảy ra hồi tháng 3-2015 tại khu vực rừng núi hiểm trở, tuyết phủ ở Pháp. Những khó khăn về hệ thống giao thông khiến công việc điều tra cực kỳ nan giải. Trong khi đó, các mảnh vỡ  máy bay văng rải rác trên diện tích rộng đến 4ha, trên sườn đá dốc nguy hiểm cao hơn 1.550m.

Công việc quan trọng tiếp theo là thu thập chứng cứ, nhiệm vụ này được thực hiện để lập hồ sơ, có tham khảo nhật ký bảo dưỡng, danh sách hành khách mà hãng hàng không đang quản lý. Ngoài ra, các nhà điều tra còn tham khảo các thông tin kiểm soát không lưu, thời tiết tại thời điểm xảy ra tai nạn. Theo Công ước Hàng không Dân dụng Quốc tế (CICA), các thông tin điều tra tai nạn hàng không sẽ được gửi đến chính phủ nước xảy ra tai nạn, quốc gia nơi máy bay đăng ký, hãng hàng không, và Cty thiết kế chế tạo máy bay.

Đội điều tra kiểm tra mảnh vỡ máy bay Nga rơi ở Ai Cập hôm 31-10. Ảnh: EPA

Manh mối từ đống đổ nát

Một khi các nhà điều tra vào cuộc và tìm ra các chứng cứ xác thực, tất cả các thành viên đội điều tra phải có quan điểm trung thực, không thành kiến, hẹp hòi liên quan đến kết quả điều tra hoặc không có những tác động mang tính chủ quan.

Chẳng hạn như trong vụ tai nạn Lockerbie xảy ra tại Scotland năm 1988 - vụ việc mà Libya đã thừa nhận trách nhiệm. Lúc đó, đội điều tra phải mất một thời gian dài mới tập hợp được các mảnh vỡ, sử dụng công nghệ 2D để ráp các mảnh vỡ lại trước khi chuyển đến thị trấn Farnborough ở Anh. Tại đây nó lại được tái hiện bằng kỹ thuật 3D để tiếp tục phục vụ cho việc điều tra. Đây là những chứng cứ quan trọng, nhưng bị méo mó hoặc biến dạng vì va đập. Cùng với số liệu hộp đen và máy ghi âm buồng lái cung cấp, những chứng cứ quan trọng này giúp nói lên bản chất của thảm họa.

Kết quả khám nghiệm tử thi hành khách và phi hành đoàn cũng có thể giúp thu hẹp nguyên nhân, chẳng hạn như trong vụ MH17 bị bắn rơi ở Ukraine. Sau giai đoạn thu thập thông tin tình báo liên quan, việc đánh giá những chứng cứ này là công việc thông thường để đi đến kết luận chính xác về nguyên nhân gây tai nạn, như do lỗi con người, do gài bom, hoặc bị bắn rơi. Nếu các nhà điều tra tin rằng nguyên nhân do thiết kế hoặc do lỗi bảo trì, họ có thể đưa ra các khuyến cáo tức thì để ngăn chặn sự cố tương tự tái diễn, trước khi báo cáo chính thức được công bố.

Đôi khi, như sự cố 11-9, lỗi là do khủng bố, nhưng cảnh sát khu vực và các công tố viên vẫn tiến hành điều tra song song, kết hợp với các cơ quan tình báo để tìm ra nguyên nhân và kẻ chủ mưu.

Kim Hùng
(Theo BBC)