Điều ước cho ngày 8-3!

Thứ bảy, 08/03/2014 09:20

(Cadn.com.vn) - 1. Xế chiều, trời càng trở rét. Sau một hồi tìm đường, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản Chuối, nơi nhiều cặp vợ chồng trẻ tộc người Mã Liềng sinh sống. Chúng tôi ghé thăm một ngôi nhà đang đỏ lửa. Chị Hồ Thị Quỳnh, 25 tuổi (bản Chuối, Lâm Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) bế con trên tay nhưng vẫn cố gắng loay hoay nấu bữa tối cho cả nhà. Bữa cơm cho 5 người ăn là 1 nồi cơm nhỏ và 1 rá rau cải luộc chấm “mói óc cay” (muối ớt), kèm thêm món ăn nhanh no là… nước canh lấy từ nước luộc rau cải.

Chị Quỳnh cười tươi: “Có cơm ăn là may rồi, chứ nhiều ngày thiếu gạo, cả nhà phải ăn sắn trừ bữa, sắn mà hết là nhịn đói luôn”. Không riêng chị Quỳnh, nhiều sơn nữ đều cùng một câu trả lời, ai cũng mong có nhiều bữa cơm ngon cho gia đình. Với họ, mỗi ngày trôi qua đều giống nhau, chỉ mong ngày đó không mưa bão để lên nương, lên rẫy kiếm cái ăn về lo cho cả nhà. 24 tuổi, chị Phạm Thị Bình (bản Chuối, Lâm Hóa) đã lập gia đình và sinh được 3 con nhỏ. Chồng chị, anh Phạm Văn Nam, 24 tuổi đi nấu ăn thuê ở Lào nên mỗi năm chỉ về nhà được vài lần. Mọi công việc đồng áng, chăm lo con cái đều đặt lên đôi vai gầy của người vợ trẻ.

Tranh thủ để đứa lớn trông đứa nhỏ, chị lại cặm cụi ra nương cuốc cỏ ngô, mong vụ mùa thu hoạch trúng đậm. Quần quật với công việc nhưng cuộc sống gia đình vẫn thiếu thốn… Chị Bình không biết đọc, biết viết. Nhiều hôm tham gia lớp học xóa mù chữ nhưng bận lo con cái, rồi gánh nặng nương rẫy khiến con chữ trong đầu chị cứ rụng dần. Chị cười khổ sở: “Cứ mỗi lần mua bán hay ra chợ là sợ bị lừa tiền. Một, hai nghìn to lắm, mua được cả mớ rau”. Thương mẹ, Phạm Văn Dương, 9 tuổi (học sinh lớp 4, Trường THCS Lâm Hóa) một buổi phụ mẹ lên rẫy, một buổi cắp sách đến trường. Dương ham học và mong muốn sau này được làm thầy giáo cho trẻ em trong bản… Những người phụ nữ Mã Liềng ấy quanh năm làm việc quần quật vất vả. Ngày mồng 8-3 trôi qua với họ không có gì đặc biệt hơn. Chỉ cần con cái được đi học đều đặn, gia đình không có bữa đói là tốt lắm rồi…

Chị Bình  chuẩn bị lạc cho vụ mùa tới.

2. Huế những ngày đầu tháng 3 mưa phùn nhè nhẹ, chạy xe dọc theo con đường Nguyễn Huệ thấy biết bao nhiêu là hàng hoa bày bán với đủ chủng loại, màu sắc. Trong những shop hoa và quầy hoa ven đường, những khuôn mặt tươi tắn đang chọn những bông hoa đẹp nhất để tặng người phụ nữ quan trọng của đời mình. Dường như lạc lõng giữa cái tấp nập, ồn ào đó, có một người phụ nữ mặc chiếc áo mưa đã cũ lặng lẽ đặt đôi quang gánh nặng trĩu lên vai...

Tôi dừng xe và nhận được nụ cười niềm nở: "Mua trái cây đi cô...!". Ngồi xuống chọn vài thứ trái cây và chuyện trò, chợt nhận ra rằng ngày 8-3 với chị cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác nếu không bán được hàng và vẫn phải đi bộ hàng chục cây số bất kể nắng mưa... Tên chị là Nguyễn Thị Hồng, quê ở H.Phú Vang lên TP Huế bán hàng rong cũng đã khá lâu. Chị kể lời lãi kiếm được đều gửi về nuôi hai con đang đi học. Chồng chị mất cách đây 2 năm trong một lần ra khơi gặp bão. Trụ cột gia đình không còn nữa, chị phải gồng mình lên gánh vác mọi chuyện.

Shop hoa đông vui trước ngày 8-3.

Khi tôi hỏi về ngày 8-3, chị cười hiền: "Ngày phụ nữ nhưng là của mấy cô cán bộ, của nhà giàu, với tuổi trẻ các cô thôi, chứ chị thì cũng như ngày thường, chỉ mong trời đừng mưa, bán đắt hàng là mừng rồi”… Với những chị hàng rong, những cô bán đồng nát,  những chị lao công…, một bó hoa  hay một túi quà ngày 8-3 sẽ mãi là điều xa xỉ…

Hôm nay là ngày Quốc tế Phụ nữ. Trong khi có bao người phụ nữ đang hạnh phúc bên chồng con với những món quà, những buổi liên hoan, tọa đàm do cơ quan tổ chức thì cũng có rất nhiều phụ nữ không có 8-3 như những phụ nữ Mã Liềng ở bản làng xa xôi kia, như chị Hồng bán hàng rong trên đường phố Huế… Xin được gửi bài viết này như một lời tri ân đến một nửa tuyệt vời của thế giới. Cầu mong đến một ngày tất cả phụ nữ trên đất  nước này đều được hưởng những niềm vui trọn vẹn ý nghĩa của ngày mồng 8-3...!

Quỳnh Anh - Thục Oanh