Dính “bẫy” chiêu lừa cũ

Thứ hai, 24/08/2020 14:54

Trung tá Phạm Thanh Hùng- Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, CAQ Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết, lúc 6 giờ ngày 20-8, đơn vị tiếp nhận tin báo của bà Huỳnh T.C. (1964, trú P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) về việc bị người khác lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo bà C. trình bày, trước đó 10 ngày, có một số đối tượng giả danh Công an điện thoại cho bà nói bà liên quan đến một vụ án rửa tiền. Sau khi viện dẫn đủ lý do để lung lạc ý chí bà C., cuối cùng người này đã yêu cầu bà phải chuyển tiền để không phải bị bắt tạm giam và hứa sẽ hoàn trả lại số tiền này sau khi có kết quả điều tra.

Các phương thức thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao. (Hình ảnh có tính chất minh họa)

Chưa biết thực hư ra sao nhưng bản thân bà C. rất lo sợ và hoang mang trước thông tin nói trên. Sau khi suy đi tính lại bà C. đành đến Ngân hàng ViettinBank (địa chỉ tại 119-121 đường Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) để chuyển số tiền 250 triệu đồng cho số tài khoản 1016278…, Ngân hàng SHB, chủ tài khoản là Trần Ngọc Quỳnh Như. Mãi sau đó, khi bình tĩnh trở lại, bà C. liên lạc với số điện thoại nói trên để hỏi thêm thông tin cũng như thông báo về việc tiền đã được chuyển vào tài khoản theo yêu cầu thì tất cả các cuộc gọi đều không thể liên lạc được. Đến khi biết mình bị rơi vào bẫy lừa đảo, bà  C., mới vội vàng đến cơ quan Công an để trình báo sự việc và nhờ điều tra làm rõ sự tình.

Về phương thức, thủ đoạn lừa đảo này, Thượng tá Phan Duy Thạch- Phó trưởng CAQ Thanh Khê cho biết, thời gian vừa qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng như Q. Thanh Khê tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, thiệt hại tài sản rất lớn. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tuy không mới nhưng rất tinh vi, khép kín, khó phát hiện. Các đối tượng này thường sử dụng mạng Internet công cộng, sử dụng các thiết bị di động có kết nối 3G, 4G, wifi… để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án yêu cầu bị hại kê khai nguồn gốc tiền của mình và sau đó phải chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan Công an rồi chiếm đoạt cũng là một trong các “chiêu trò” đó.

Cách đây không lâu, chị Nguyễn T.N.D. (1987, trú P. An Khê, Q. Thanh Khê) cũng đã đến CAQ Thanh Khê trình báo việc mình bị lừa. Chị D. cho biết, có một đối tượng (không rõ lai lịch) gọi điện thoại cho chị với danh nghĩa Công an và yêu cầu chị chuyển số tiền 200 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng nếu không sẽ bị khởi tố. Quá lo sợ trước thông tin này và không biết chuyện gì tiếp theo sẽ xảy ra nếu không thực hiện yêu cầu nói trên nên chị D., đã đến ngay Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh Thanh Khê để chuyển cho đối tượng này tổng số tiền là 160 triệu đồng đến một tài khoản Ngân hàng Vietbank.

Ngoài vụ việc nói trên, Trung tá Trần Văn Thọ- Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế CAQ Thanh Khê còn cung cấp thêm một trường hợp tương tự khác mà đơn vị từng thụ lý, xác minh, điều tra. Đó là việc bà Nguyễn T.Ư. (1942, trú P. Vĩnh Trung, Q.Thanh Khê) nhận được cuộc điện thoại gọi đến từ máy bàn. Các đối tượng tự xưng là Công an rồi hù dọa bà Ư., có liên quan đến một đường dây rửa tiền và yêu cầu bà phải chuyển ngay 100 triệu đồng vào tài khoản 25101626…, Ngân hàng WITH Bank, Chi nhánh ở TP Hải Phòng. Nhận điện buổi sáng thì ngay chiều hôm đó, trong tâm trạng hoang mang, sợ hãi, bà Ư. vội vàng đến ngay Ngân hàng Công thương, có địa chỉ tại số 218- Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng) để chuyển số tiền nói trên theo yêu cầu của các đối tượng. Mãi cho đến khi hoàn hồn trở lại và kiểm tra thông tin gọi đến thì bà Ư., không thể liên lạc được nên biết mình đã bị lừa nên đã trực tiếp đến cơ quan Công an để trình báo.

Trung tá Trần Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự CAQ Thanh Khê, TP Đà Nẵng cho biết, trường hợp giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để lừa đảo chỉ là một trong nhiều thủ đoạn của các đối tượng. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn thông qua các mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber, Skype, Twitter… để đăng tin quảng cáo, bán hàng hóa qua mạng Internet; thông báo trúng thưởng hoặc làm quen, kết bạn, chat, nhắn tin tỏ tình, yêu đương, hứa kết hôn, nhờ chuyển tiền hộ, giữ hộ tài sản… gửi quà tặng có giá trị lớn; yêu cầu nộp, chuyển tiền để tạm giữ điều tra, phí hải quan, phí vận chuyển, phí nhận giải thưởng. Những đối tượng này thường sử dụng giấy CMND giả hoặc mua các tài khoản ngân hàng từ những người dân thiếu hiểu biết để đăng ký tài khoản ngân hàng nhằm nhận tiền chiếm đoạt của các bị hại.

Trung tá Trần Văn Tuấn cũng cho biết, các phương thức, thủ đoạn nói trên đã được các đơn vị nghiệp vụ và Công an các phường thông báo, tuyên truyền đến tận người dân để mọi người nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, vẫn còn không ít người do thiếu tỉnh táo, mất cảnh giác nên tiếp tục rơi vào “bẫy”.

PHƯƠNG KIẾM