Dinh dưỡng đầu đời cho trẻ em (Bài cuối: 1.000 "ngày vàng")
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, trong 1.000 ngày vàng (từ khi thụ thai đến khi trẻ 2 tuổi), trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai. Dinh dưỡng đúng cách sẽ giảm 20% nguy cơ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ sẽ có chỉ số thông minh cao hơn, khả năng học tập tốt hơn và thu nhập cao hơn khi trưởng thành.
Dinh dưỡng đầu đời ảnh hưởng đến chiều cao, trí tuệ khi trẻ trưởng thành. Ảnh: Đ.V |
3 tháng cuối thai kỳ và 2 năm đầu đời
Các nhà nhi khoa, UNICEF và WHO nhấn mạnh, 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn rất quan trọng, quyết định cho sự phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ em. Giai đoạn này quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai. Bên cạnh đó, bộ não con người dù phát triển và thay đổi trong suốt cuộc đời, nhưng giai đoạn phát triển trí não nhanh, quan trọng nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ và 2 năm đầu đời của trẻ.
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) Lê Doanh Tuyên chia sẻ, việc nuôi dưỡng trẻ em ở giai đoạn nhỏ sẽ quyết định sự phát triển về sau này. Nếu trẻ bị thấp còi khi còn nhỏ, khi trưởng thành cũng sẽ thấp. Nếu trẻ phát triển tốt khi còn nhỏ sẽ trở thành người trưởng thành cao lớn. Ví dụ nếu đứa trẻ 2 tuổi suy dinh dưỡng nặng, dù sau đó có được nuôi dưỡng tốt như thế nào đi nữa thì đến khi trưởng thành cũng chỉ cao được khoảng 1,57-1,58 m; nếu suy dinh dưỡng vừa thì chỉ cao được đến 1,65m nhưng nếu trẻ được cung cấp dinh dưỡng tốt từ nhỏ thì có thể cao đến 1m72, đúng như tiềm năng gen được quy định cho người Châu Á. Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: thực tế cho thấy, nếu chúng ta chỉ cần đầu tư 1 USD chi phí dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời thì tương lai sẽ thu lại được 18 USD.
Cải thiện dinh dưỡng cho mẹ, ăn bổ sung cho trẻ
Theo UNICEF, ở Việt Nam, phụ nữ và trẻ nhỏ đang chịu nhiều gánh nặng về suy dinh dưỡng.
Những phụ nữ khi mang thai mà nhẹ cân hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, các em bé sinh ra có nguy cơ tử vong cao hơn, dễ mắc bệnh, bị thấp còi, suy giảm trí tuệ và sau này dễ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch... Còn đối với trẻ em, tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi tăng cao nhanh chóng khi trẻ đến giai đoạn 6 tháng tuổi. Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Doanh Tuyên nhấn mạnh, mẹ phải ăn uống tốt trong giai đoạn 1.000 ngày vàng, đặc biệt là giai đoạn mang thai và 6 tháng cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ vì khi đó chất dinh dưỡng sẽ qua sữa để nuôi dưỡng trẻ. Khi trẻ đến giai đoạn 6 tháng tuổi, lúc này sữa mẹ đơn thuần không thể cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất cho trẻ thì việc cho trẻ ăn bổ sung hợp lý cùng với việc chăm sóc và phòng bệnh đầy đủ có thể giúp trẻ tăng trưởng, phát triển tối ưu, phòng ngừa thấp còi, thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
Tuy nhiên, thực hành ăn bổ sung ở trẻ em Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người chăm sóc trẻ chủ yếu là mẹ, trong khi có tới 70% phụ nữ phải đi làm nên thiếu thời gian chuẩn bị thức ăn lành mạnh cho con; khả năng chi trả cho các thực phẩm lành mạnh; thực hành vệ sinh và điều kiện vệ sinh kém; thiếu sự kiểm soát tiếp thị các loại sữa; các sản phẩm chế biến sẵn tràn lan trên thị trường... Bên cạnh đó, cơ hội 1.000 ngày vàng hiện chưa được gia đình, người chăm sóc trẻ và xã hội quan tâm đúng mức.
Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers cho biết, UNICEF sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng các hoạt động truyền thông mạnh mẽ, đặc biệt liên quan đến thực hành cho ăn bổ sung ở trẻ em một cách đúng đắn để thay đổi thói quen cho ăn bổ sung đối với trẻ em.
MINH HUỆ