Độ cân móc túi khách hàng

Thứ hai, 14/12/2015 11:17

* Bài 1: Công nghệ độ cân siêu tốc

(Cadn.com.vn) - Nhiều tiểu thương muốn móc túi người tiêu dùng chỉ cần mang chiếc cân đến các lò "yểm bùa" thì muốn "ăn gian bao nhiêu cũng được". Có nhiều thủ thuật độ như gắn chíp điều khiển tự động, gắn vật vào bên trong cân hay chỉnh lò xo. Tuy nhiên tại Đắc Lắc, kiểu độ cân bằng cách chỉnh lò xo được khách hàng ưa chuộng bởi thủ thuật độ này an toàn, khó phát hiện, nếu bị phát hiện chỉ cần đổ thừa cho cân hỏng thì chẳng ai bắt bẻ được gì. 

Trong vai một tiểu thương thu mua tiêu, chúng tôi mang chiếc cân đồng hồ 12kg hiệu Nhơn Hòa chuẩn đến các lò để yêu cầu "độ" cân. Vừa đặt chân đến chợ Trung tâm TT Quảng Phú, H. Cư M'gar để hỏi chỗ độ, một bà bán thịt chỉ ngay vào nhà ông C. (TT Quảng Phú, nằm cách trung tâm chợ 100m) rồi hất hàm: "Muốn "ăn" chứ gì. Cứ đến nhà ổng "phù phép" cho, ăn gian mấy cũng được hết". Lần theo địa chỉ giới thiệu, chúng tôi đến gõ cửa, một người đàn ông to béo bước ra hỏi dồn dập: "Muốn gì nào". Biết khách muốn độ cân, ông này nhìn chằm chằm từ đầu đến chân để kiểm tra có đúng dân đi buôn không. Khi đã tin tưởng, ông ta ra hiệu cho chúng tôi bước vào khu "xưởng" để bàn chuyện.

Ông C. nhận cân để độ.

Xưởng độ của ông C. là căn nhà gỗ bé tí đang treo biển bán nhà. Phòng độ nằm một góc nhỏ, bên trong đựng cân cũ cũng như các dụng cụ độ như kềm, lò xo. Cầm chiếc cân chúng tôi đưa, ông C. ngó nghiêng một hồi rồi hỏi muốn độ kiểu gì. "Dạ, em độ để mua tiêu", chúng tôi đáp. "Vậy thì phải độ cho non. Còn nếu độ cân để bán thì làm cho già". Thấy chúng tôi không hiểu, ông C. giải thích với vẻ khó chịu: "Làm non nghĩa là làm giảm trọng lượng thật của hàng hóa, còn làm già thì ngược lại". Ông C. ra giá tiền công là 50 nghìn đồng/ 1 lần độ, còn ăn gian bao nhiêu thì tùy khách hàng.  Ông C. cũng nhận độ cho loại cân đồng hồ 100 kg nhưng tiền công gấp 3, tức 150 nghìn đồng. Để chứng minh cho đẳng cấp độ của mình, ông C. khoe mình có kinh nghiệm 30 năm độ cân. Khách hàng ngoài người trong vùng thì có cả người đến từ Gia Nghĩa (Đắc Nông).

Ông C. đếm vòng xoắn lò xo xác định vị trí cần chỉnh cân.

Sau khi chốt mức độ 1kg ăn gian 1,5 lạng, ông C. bắt đầu công đoạn "phẫu thuật" chiếc cân. Ông C. đặt cân xuống nền rồi lấy kềm mở ốc vít ra. Tiếp đó, người thợ độ lấy 2 chiếc lò xo bên trong ra. Sau một hồi nhẩm đếm vòng xoắn lò xo, ông này dùng kềm tác động lên vòng xoắn. Lát sau, ông ta bắt đầu ráp lò xo vào chiếc cân rồi lấy cục tạ 2kg lên cân thử. Kết quả cân nhảy ở mức 1,7kg. Như vậy, chiếc cân đã được "yểm bùa" để người mua ăn gian 3 lạng/2kg, tức 1kg ăn gian 1,5 lạng. Lúc bàn giao cân, ông C. lấy của khách 50 nghìn đồng. Ông C. tiết lộ kiểu độ của ông là độ cân bằng cách chỉnh lò xo.

Ông C. dùng kềm chỉnh vào lò xo.

Lò độ ông Đ. nằm trên vỉa hè ở đường Lê Hồng Phong, TP Buôn Ma Thuột. Bên trên trưng bày đủ các loại cân và công khai cả số điện thoại. Ngoài độ, chủ lò còn kiêm thêm việc cắt chìa khóa. Mang chiếc cân đồng hồ đến lò ông Đ. yêu cầu được "yểm bùa" cân để mang bán hàng, ông này "nổ" ngay: "Độ bán hay mua đều làm được tất, cứ đưa đây 60 nghìn là được". Ông Đ. khoe khách hàng của ông ngoài những bà bán tôm, cá thịt, rau, ve chai ở chợ thì còn một số  khách ngoài tỉnh. Về đẳng cấp độ thì ông Đ. "nổ" mình thuộc dạng nhất.  Trong 10 phút ông có thể độ 1 chiếc cân. Ngày cao điểm độ được 5-6 chiếc cân.  "Độ 1kg ăn gian 2 lạng được không?", khách đặt vấn đề. Ông Đ. cười khẩy: "Chuyện nhỏ như con thỏ". Nói rồi, ông Đ. cũng tháo chiếc cân và cũng lấy bộ lò xo ra kênh chỉnh như cách ông C. làm. Chưa đầy 10 phút, ông Đ. đã "yểm bùa" xong chiếc cân. Đặt quả tạ 1kg lên cân thử, chiếc cân nhảy ở mức 1,2kg. Ông Đ. nhận của chúng tôi 60 nghìn đồng.  Ông Đ. "mách nước", loại cân nhỏ thì độ ăn gian càng ít càng khó phát hiện, muốn ăn được nhiều thì phải dùng cân tạ.

Sau khi được phù phép, quả tạ nặng 2kg nhưng khi cân chỉ còn 1,7kg. Ông C. nhận tiền của khách.

Những chủ lò độ cho biết có nhiều kiểu độ cân. Ngoài phương pháp độ cân bằng cách chỉnh lò xo như trên thì còn các kiểu độ khác như chêm vật cứng vào lò xo hay dùng chíp điều khiển. Tuy nhiên độ cân bằng cách chỉnh lò xo chỉ dùng kềm tác động lên vòng xoắn để ăn gian, không gắn vật gì vào bên trong nên dù phát hiện cũng không sợ vì họ có thể đổ lỗi cho cân hỏng thì không ai làm gì được.  Hai kiểu độ còn lại đều gắn vật lạ trong cân nên nếu phát hiện thì không thể chối cãi. Vì thế các chủ lò độ ở Đắc Lắc đều chuộng kiểu độ bằng cách chỉnh lò xo.

Ngọc Giang
(còn nữa)

Muốn học nghề phải mất 1 chỉ vàng

Chúng tôi ngỏ ý muốn "bái sư" học nghề độ cân, ông Đ. đồng ý với điều khiện phải đóng 1 chỉ vàng gọi là tiền học nghề. Theo ông  Đ.,  trước kia ông cũng từng bỏ tiền ra học nên bây giờ muốn ông dạy cũng phải mất tiền. Cuộc đời ông từng truyền nghề cho hàng chục người. Nếu được ông dạy, chỉ cần khoảng 2 tuần là ra nghề.