Liên hoan phim quốc tế DMZ lần thứ 7:

Đoàn Hồng Lê và câu chuyện về “mối tình đầu” của người cha

Thứ sáu, 02/10/2015 10:40

(Cadn.com.vn) - Dự án phim tài liệu “Những lời cuối cùng của cha tôi” của đạo diễn Đoàn Hồng Lê (Trung tâm THVN tại Đà Nẵng) cùng với 6 dự án khác từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Campuchia đã được chọn trao giải thưởng trong hạng mục “Dự án phim tài liệu dài”  tại Liên hoan phim quốc tế DMZ lần thứ 7 vừa diễn ra tại Hàn Quốc. Tác giả đoạt giải thưởng đã được nhận 20.000 USD để hoàn thành dự án. Dịp này, đạo diễn Đoàn Hồng Lê dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện về những ngày chị tham dự LHP vừa qua.

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê và nhân vật “người cha”.

P.V: Chị có thể giới thiệu thêm thông tin để bạn đọc biết rõ hơn về Liên hoan phim quốc tế DMZ lần này?

Đ.D Đoàn Hồng Lê: Liên hoan phim quốc tế DMZ được tổ chức ở Paju-Thành phố Sách nằm ở phía bắc đất nước Hàn Quốc. Đây là thành phố vệ tinh của Seoul, nằm sát khu phi quân sự- biên giới giữa Nam và Bắc Triều Tiên. Chính phủ Hàn Quốc có chủ trương đầu tư phát triển các thành phố vệ tinh xung quanh để giảm bớt áp lực cho trung tâm kinh tế- chính trị Seoul nên đưa các hoạt động văn hóa nghệ thuật ra các vùng này tổ chức, vừa đầu tư cho văn hóa, vừa quảng bá cho du lịch. Thành phố Paju có những hiệu sách khổng lồ, những quán cà-phê sách lịch lãm, những khách sạn sách đưa vào tận phòng, có 300 nhà xuất bản và công ty in tập trung ở đây.

Thành phố thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa kết nối với tour du lịch nổi tiếng tới Bàn Môn Điếm- khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên- nơi diễn ra các cuộc gặp gỡ cho những gia đình bị ly tán vì chiến tranh. Sở dĩ chọn nơi này là vì Liên hoan phim mang thông điệp “Hòa Bình và Thấu hiểu”. Sau khi tuyển chọn từ gần 150 dự án phim tài liệu độc lập, có 29 dự án từ Hàn Quốc và các nước Châu Á được lựa chọn để tham dự các hoạt động chiếu phim, trao đổi, kết nối mạng lưới và trình bày dự án. Kết thúc liên hoan phim, Dự án “Những lời cuối cùng của cha tôi” cùng với 6 dự án khác từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Campuchia đã được chọn trao giải thưởng trong hạng mục “Dự án phim tài liệu dài”.

P.V: Để trở thành một nhà làm phim độc lập, chị đã trải qua một chặng đường như thế nào? Những thành tựu đã đạt được tại các Liên hoan phim đã đem đến chị sự khích lệ ra sao?

Đ.D Đoàn Hồng Lê: Tôi đã tham gia hai khóa học điện ảnh trực tiếp của Varan vào năm 2004 và 2009. Điện ảnh trực tiếp là một thể loại phim tài liệu ra đời từ hơn 70 năm trước ở Châu Âu nhưng đối với Việt Nam lúc đó rất mới mẻ. Tôi đã học cách kể những câu chuyện của đời sống bằng ngôn ngữ điện ảnh một cách trung thực, gần gũi nhất với hiện thực, mang lại cảm xúc thực cho khán giả, và cách nhìn con người và cuộc sống đa chiều, đa nghĩa. Bộ phim tài liệu trước đây của tôi “Đất đai thuộc về ai?” (2009) đã được trình chiếu tại LHP ngắn Clemont- Ferrand và hơn 10 liên hoan phim quốc tế khác, đã đoạt giải thưởng tại LHP Camera des Champs, Pháp. Sau đó tôi bắt đầu đi trên con đường khó khăn của một người làm phim độc lập. Giải thưởng này sẽ giúp tôi trang trải phần hậu kỳ cho phim, vốn rất tốn kém.

P.V: Theo chị, câu chuyện “Những lời cuối cùng của cha tôi” đã thuyết phục Ban giám khảo từ những ý nghĩa nào?

Đ.D Đoàn Hồng Lê: "Những lời cuối cùng của cha tôi” là câu chuyện về “mối tình đầu” của cha tôi đối với cách mạng. Vào năm 1945, khi làn sóng cách mạng tràn qua các làng quê Quảng Nam, ông đã đi theo những “đoàn giải phóng quân một lần ra đi, đừng có sá chi đến ngày trở về” bằng một tình yêu hồn nhiên, đẹp đẽ. Cha tôi năm nay đã hơn 80 tuổi, ông bị mắc chứng bệnh Alzheimer-chứng bệnh lấy đi trí nhớ trong hiện tại, nhưng lại giữ được những ký ức từ rất xa trong quá khứ. Chính vì vậy những kỷ niệm về “mối tình đầu” lãng mạn, thơ ngây của tuổi trẻ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, và cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, khi mọi thăng trầm của đời sống và thời cuộc qua đi hết trong lãng quên thì trong lòng ông chỉ còn lại một tình yêu đó.

Tôi đã gặp nhiều người thuộc độ tuổi trung niên đến bây giờ vẫn còn giữ những ký ức về Việt Nam như một đất nước gắn liền với “Vietnam War” bởi ấn tượng chiến tranh quá sâu đậm, Việt Nam đồng nghĩa với phong trào phản chiến cuối thập niên 60 đầy những biến động trên thế giới, gắn liền với tuổi trẻ phản kháng sôi nổi của một thế hệ, vì vậy mà những hình dung về một xã hội Việt Nam đương đại không thể mạnh mẽ bằng. Nhưng lớp người trẻ thì lại quan tâm đến một Việt Nam ngày nay trong những tương quan xã hội với những nước có cùng bản sắc văn hóa Á Đông và các mối liên kết lịch sử khác, chính vì vậy các nhà làm phim, các nhà sản xuất hay phát hành phim sẽ quan tâm đến những điểm chung mà khán giả ở các nước khác nhau đều có thể tìm thấy trong một câu chuyện. Câu chuyện mà tôi đem đến LHP tìm được sự chia sẻ có lẽ bởi vì nó chỉ đơn giản kể về tình yêu- thứ tình cảm nguyên sơ và tự nhiên nhất của con người mà ai cũng có, bất kể ở xã hội nào hay nền văn hóa nào- tình yêu ấy lại ở trong một thế giới vừa hiện thực vừa hư ảo- thế giới tinh thần của một người già mắc chứng bệnh Alzheimer.

P.V:  Những người làm phim tài liệu ở các quốc gia Châu Á khác đang quan tâm đến những vấn đề gì?

Đ.D Đoàn Hồng Lê: Những dự án đã được tuyển chọn tham dự LHP này đều là những câu chuyện thú vị. Có thể thấy rằng phim tài liệu dù thuộc loại phim hiện thực, thể nghiệm, hoạt hình hay tài liệu-truyện thì vẫn là tấm gương phản chiếu trung thực nhất về tình hình chính trị xã hội ở các quốc gia. Phim đến từ các nước đang phát triển thì đề cập đến những vấn đề của quá trình phát triển: đô thị hóa, nông dân mất đất, cuộc sống của tầng lớp dễ bị tổn thương, các mâu thuẫn xã hội...; phim đến từ các nước giàu thì lại là những mối ưu tư của xã hội đã ổn định: già hóa dân số, chính sách, sự cô đơn của con người, truyền thống và hiện đại... Phim tài liệu cho thấy sự chuyển động của hiện thực xã hội một cách tinh tế từ bên trong, chính vì vậy nó vẫn luôn có một chỗ đứng riêng bên các loại hình nghệ thuật khác, có lớp khán giả riêng của mình.

P.V:  Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Trần Trung Sáng
(thực hiện)