Đoàn viên sau 65 năm lưu lạc
(Cadn.com.vn) - Câu chuyện sau 65 năm lưu lạc mới tìm được người thân của ông Huỳnh Văn Mua (1936, quê Điện Bàn, Quảng Nam) do chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” số 66 phát sóng mới đây đã làm cảm động nhiều khán giả. Nhân chuyến về thăm quê của ông, chúng tôi có dịp gặp gỡ và nghe ông kể lại câu chuyện 65 năm về trước.
MỘT CẢNH NHIỀU QUÊ
Sự khắc nghiệt của chiến tranh khiến gia đình ông Mua phải chuyển từ Đà Nẵng vào quê nội Gò Nổi (xã Điện Trung) sau đó lại chuyển qua Kỳ Lam, xã Điện Thọ, H. Điện Bàn, rồi đến Phú Nhôm (H. Duy Xuyên, Quảng Nam). Hoàn cảnh ấy khiến cậu bé Mua không thể nắm bắt những đặc điểm của làng quê mình đến, mà chỉ biết lơ mơ được tên mình là “Huỳnh Văn Mua, quê Quảng Nam". Đây cũng chính là mấu chốt tại sao trải qua 65 năm đằng đẵng, ông mới tìm về đúng nơi chôn nhau cắt rốn.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1948, ông Mua cùng chị gái Huỳnh Thị Hà đi hái rau rồi bị lạc, biệt tích. Trong lúc lang thang, tìm đường về, ông Mua may mắn gặp một đơn vị bộ đội hành quân qua đường. Thấy vậy ông cũng đi theo đoàn quân cho đến khi về điểm đóng quân tại Quảng Ngãi. Tại đây, ông Mua được Chính trị viên, Trung Đoàn trưởng Châu Thọ Thông nhận làm con nuôi. “Sau khi nhận tôi làm con nuôi, cụ Thông chỉ ước tính tôi tầm 6-7 tuổi nên khai tôi sinh năm 1945 và đặt tên là Châu Thọ Phong. Sau này, nhờ có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” tôi mới biết vào thời điểm đó tôi đã 11 tuổi”, ông Mua nhớ lại. Trong môi trường của gia đình giàu truyền thống cách mạng, sau đó ông Mua được cha nuôi là Châu Thọ Thông, một cán bộ Trung ương, đã từng làm đại sứ tại 7 nước nuôi dưỡng. Đó là cơ sở để chàng thanh niên Châu Thọ Phong lớn lên xung phong lên đường ra trận, cống hiến tuổi trẻ, xả thân vì Tổ quốc.
Ông Mua gặp lại chị gái Năm Ngoạn tại trường quay trong niềm xúc động. |
Sau những năm tham gia chiến dịch Mậu Thân rồi nhận nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ (1968-1975), Củ Chi (TPHCM), qua Lào, Campuchia... ngày đất nước thống nhất, ông Mua trở về với chứng nhận mất sức 71%.
HÀNH TRÌNH TÌM VỀ QUÊ HƯƠNG
“Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, dọc đường hành quân ra Bắc tôi đã về lại chợ Cồn, chợ Hàn của Đà Nẵng với hy vọng tìm lại được người thân. Nhưng sau nhiều ngày tìm kiếm, không có tung tích gì nên tôi lại tiếp tục hành quân ra Bắc với nguyện vọng tiếp tục học đại học”, ông Mua kể.
Trong khoảng thời gian chuẩn bị thi đại học, ông Mua nhận được lệnh của đơn vị về đóng quân tại Trung đoàn 584 (Yên Kim, Yên Nghiệp, Lạc Sơn, Hòa Bình). Tại đây, ông lập gia đình và an cư lạc nghiệp. Thế nhưng trong sâu thẳm trái tim vẫn đau đáu hướng về quê nhà. Hễ gặp ai có quê quán Quảng Nam - Đà Nẵng tại Lạc Sơn – Hòa Bình là ông lại dò hỏi, nhờ tìm lại quê quán. Tháng 2- 1980, ông Huỳnh Văn Mua viết thư gửi CAH Điện Bàn nhờ tìm gia đình, quê quán.
Đến năm 1982, ông nhận được thư hồi âm với nội dung: “Chúng tôi rất thông cảm với hoàn cảnh thất lạc của ông, CBCS Công an địa phương đã thực hiện nhiều đợt tìm kiếm nhưng chưa có kết quả. Đơn vị báo tin để ông được biết đồng thời sẽ tiếp tục tìm người thân cho ông, khi nào có kết quả sẽ thông báo để ông được biết”. Đến năm 2010, ông Mua viết thư đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đồng thời cung cấp ảnh và các thông tin liên quan. Trong bức thư gửi chương trình, ông Mua viết: “Tên tôi là Huỳnh Văn Mua, không nhớ tên cha, tên mẹ mà chỉ nhớ cha họ Huỳnh Văn, mẹ họ Nguyễn. Tên chị gái đầu là Luyến, chị thứ 5 tên Huỳnh Thị Ngoạn, các chị ai cũng cao, đẹp gái. Thuở bé tôi hay chạy theo anh trai đi học ở trường làng. Bên ngoại, nhớ được tên của cậu Nghiêu làm nghề làm mắm...”. Nhờ một số thông tin ông Mua cung cấp, đội cộng tác viên của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã tìm đến dòng họ Huỳnh ở địa bàn các xã Điện Trung, Điện Nam (Điện Bàn)... để tìm hiểu về gia phả họ Huỳnh, song do ông Mua đã nhớ sai một số chi tiết nên công tác tìm kiếm người thân cũng gặp những khó khăn nhất định.
4 chị em ngày gặp lại (theo thứ tự từ trái qua: Ông Mua, bà Luyến, bà Năm Ngoạn và ông Bán. |
Sau 3 năm gửi thư đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, tháng 7 vừa qua, ông Mua nhận được hồi âm là khả năng sẽ kiếm được người thân, quê quán cho ông. Ông Mua rưng rưng kể về tâm trạng những đêm không ngủ, chờ đợi gặp lại người thân những ngày chương trình sắp phát sóng trường hợp của ông: “Tôi vẫn chưa thể tin được đó lại là sự thật. Hơn nửa đời người trôi qua, tôi thất lạc quê hương, bản xứ, cha mẹ, anh em, tưởng chừng như không thể tìm lại được thì nay niềm vui ấy sắp vỡ òa”.
Được gặp lại chị gái Huỳnh Thị Ngoạn đã 85 tuổi và các cháu tại trường quay S8 Đài THVN tại TPHCM, ông Mua mới tin ngày gặp lại người ruột thịt đã trở thành hiện thực. Ông cũng về thăm lại quê nhà, thăm nhà thờ tộc Huỳnh, thăm mộ cha, mẹ, thăm quê ngoại của ông là Kỳ Lam sau khi chương trình kết thúc... Lúc này, ông Mua mới biết tên khai sinh của mình là Huỳnh Đình Mua, mẹ ông là họ Trịnh chứ không phải họ Nguyễn... Ông Mua thăm người chị đầu tên Huỳnh Thị Luyến, sống tại TT- Huế hiện đã 93 tuổi, thăm anh ruột Huỳnh Đình Bán (80 tuổi) trú tại Q. Thanh Khê, Đà Nẵng. Tại gia đình ông Bán, nơi thờ cúng ông Mua và bà Hà suốt 65 năm qua đã dỡ bỏ bàn thờ của ông như một điềm lành với sự trở về sau hơn nửa thế kỷ biệt tích. Đó là niềm vui lớn còn kéo dài mãi khi mai này con cháu ông lại được về thăm quê cha, đất tổ.
Hà Giang