Doanh nghiệp Đà Nẵng kỳ vọng vào cam kết và hành động của Chính phủ

Thứ sáu, 26/05/2017 09:34

(Cadn.com.vn) - Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh thông qua các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính liên quan đến doanh nghiệp (DN); Cắt giảm các chi phí cho DN; Hạn chế thanh, kiểm tra DN; Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế,... Đây được xem là “bà đỡ” cho DN trong thời kỳ mới. Báo Công an TP Đà Nẵng ghi lại những kỳ vọng của DN Đà Nẵng đối với những cam kết này.

DN đang hứng khởi trước những cam kết của Chính phủ. Trong ảnh: Phân xưởng sản xuất Cty Chin Huei Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng:

Thực tế, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương từ lâu đã nhận thức rõ những tồn tại, rào cản đối với DN vẫn thường xuyên gặp phải nhưng hành động chưa quyết liệt hoặc nửa vời nên DN mất dần niềm tin. Tuy nhiên, với Nghị quyết 35 của Chính phủ và những cam kết sau Hội nghị đối thoại đồng hành cùng DN của Thủ tướng Chính phủ rõ ràng đã mang lại sinh khí mới, giúp DN phấn khởi và tự tin hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.  

Rõ ràng Hội nghị lần này có đề cập đến nhiều vấn đề mà cộng đồng DN đang rất quan tâm, rất thiết thực đó là các vấn đề về thuế, về chi phí, về thủ tục hành chính và thủ tục hải quan... Điều quan trọng nhất là sau khi đưa ra ý kiến, được tiếp nhận, Chính phủ sẽ quan tâm, hỗ trợ và thực hiện cải cách những điều đó ra sao? Tinh thần và sự quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh ở các cấp thừa hành, ở địa phương mới là quan trọng. Câu chuyện “trên nóng dưới lạnh” mà chính Thủ tướng nêu ra là có thật. Đơn cử, tại Đà Nẵng để có mặt bằng sản xuất cho DNNVV, Hiệp hội đã vận động các thành viên  cùng góp vốn thành lập Cty CP đầu tư Cụm công nghiệp nhỏ và vừa xin thành phố phê duyệt cho tham gia đấu thầu khu đất đã quy hoạch 6ha ở Hòa Minh, Liên Chiểu để xây dựng hạ tầng khu kho tàng, nhà xưởng cho DNNVV thuê. Nhưng đến nay, đã hơn 2 năm vẫn chưa được giải quyết, mặc dầu đã có công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Vì vậy, trên tinh thần hỗ trợ DN của Chính phủ, cộng đồng DN thành phố mong muốn lãnh đạo thành phố thấu hiểu những khó khăn không tự giải quyết được lâu nay của DN tìm cách tháo gỡ vướng mắc khó khăn, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN phát triển.  

Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục chất lượng cao Skyline:

Bản thân DN như tôi rất cảm kích với ý tưởng kiến tạo và hành động bởi vừa đúng lại vừa trúng với mong muốn của cộng đồng DN từ lâu. Song từ mong muốn đến hiện thực là khoảng cách quá xa. Việc “bắt đúng bệnh” và cho “uống thuốc đúng liều” mới là quan trọng. Còn chữa lành và khi nào lành còn đòi hỏi phát đồ điều trị ra sao, uống thuốc như thế nào, quyết tâm ra sao nếu lỡ đâu đó cơ thể kháng thuốc. Luật và văn bản chính sách còn chồng chéo và có thể được hiểu khác nhau. Như hội nghị năm ngoái, có nhiều ý kiến được đưa ra nhưng việc thực hiện dù có cải tiến song chưa được nhiều... Tôi hy vọng với Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có sự quan tâm sát sao hơn với các đề xuất của DN như, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí không chính thức, thuế,...

Ông Trần Đức Hiền, Giám đốc Công ty Đại Hồng Phúc:

Tại Hội nghị đối thoại đồng hành cùng DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cầm trên tay Chỉ thị số 20 với chữ ký tươi công khai trước Hội nghị. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN và giải quyết trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán giúp DN bớt khó khăn trong việc đầu tư sản xuất kinh doanh. Đây là hành động được cộng đồng DN rất phấn khích. Tuy nhiên, cần phải rút ngắn thời gian, khoảng cách từ lời nói đến hành động. Nhiều chủ trương trên tháo nhưng dưới thắt thì không hỗ trợ gì được cho DN. Thực tế, DN thì tiếp xúc với dưới nhiều hơn, thủ tục hành chính xuất phát từ cấp dưới mà cấp dưới không triển khai hoặc triển khai chậm rất khó tạo sự chuyển biến...

Ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Giám đốc Công ty BQ:

Chúng tôi đã rất kỳ vọng và mong đợi vào một bộ máy Chính phủ năng động, hỗ trợ sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp thực sự để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích mọi người dân làm giàu chính đáng ở những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Chính vì thế, hội nghị trực tuyến lần này tựa như “làn gió” mát, như một món quà của Chính phủ dành cho cộng đồng DN”. Chính nhờ sự gần gũi, thân thiện của bộ máy Chính phủ đã tạo niềm tin thúc đẩy các DN đến với hội nghị bằng sự cởi mở, thẳng thắn. Qua những ý kiến nêu ra cùng những giải đáp thắc mắc, cam kết của Thủ tướng cùng các bộ trưởng, chúng ta có thêm niềm tin vào một bộ máy kiến tạo, hành động trong thời gian tới. Chúng tôi tin tưởng rằng, với những nỗ lực của Chính phủ và địa phương, trong thời gian tới DN sẽ được quan tâm nhiều hơn. Qua đó, DN thực sự trở thành đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý của các cơ quan Nhà nước. Phải được như thế DN mới vững tâm phát triển, tạo nguồn lực tốt để đứng vững trên thương trường, góp phần làm giàu cho đất nước.

Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Cty Kỹ nghệ K&H:

Sau 1 năm Nghị quyết 35/NQ-CP ra đời và đặc biệt là sau buổi đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN, bản thân tôi cảm nhận đây như là một “luồng gió” mới kích thích tinh thần của DN và DN sẽ không còn đơn độc và phân cấp giữa Nhà nước và tư nhân như trước đây . Tuy nhiên để NQ35 /CP đi vào thực tế với DN, theo tôi đòi hỏi cả một hệ thống chính trị phải đồng bộ, tạo ra một sân chơi hết sức bình đẳng cho DN không phân biệt và đối xử DN lớn, DN nhỏ, hay DN sân sau. Thủ tướng Chính phủ có đề cập đến hỗ trợ phát triển DNNVV là rất đúng và trúng vì ở Đà Nẵng có đến 98% DNNVV. Tuy nhiên, thời gian qua một số DN lớn, DN nước ngoài được ưu ái hơn, tôi thấy điều đó là không phù hợp. Tại sao chúng ta lại phải ưu tiên các DN này khi mà bản thân họ có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để tồn tại và phát triển? DNNVV như chúng tôi muốn được đối xử bình đẳng, một môi trường kinh doanh bình đẳng và chỉ cần bình đẳng chứ không cần ưu ái hơn...

Xuân Đương (ghi)