Doanh nghiệp Đà Nẵng trước “cú sốc” Covid-19! (Kỳ cuối: Làm gì để “thoát sốc”?)

Thứ tư, 08/04/2020 17:42

Với doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng, đứng trước vấn đề nan giải vì dịch bệnh xảy ra, họ sẽ làm gì và làm như thế nào để vượt qua thử thách “bơi ngược giữa dòng nước xiết”?

Bao giờ thị trường Bất động sản Đà Nẵng sẽ sôi động trở lại?

Đồng hành để vượt khó

Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (HH DN NVV) TP Đà Nẵng, hiện đã có một số DN hội viên doanh thu sụt giảm đáng kể, những khó khăn của DN chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trước tình hình đó, HH DN NVV kêu gọi các DN hội viên ưu tiên ủng hộ, sử dụng sản phẩm của nhau với mức giá ưu đãi để hỗ trợ nhau cùng vượt qua khó khăn. Các DN hội viên tích cực tham gia đăng ký các sản phẩm ưu đãi và chính sách ưu đãi của DN mình dành cho hội viên. Đây là việc làm hết sức thiết thực để bắt tay nhau vượt qua khó khăn.

Theo ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch HH DN NVV TP Đà Nẵng thì hầu hết các DN đều bị tác động trực tiếp và  gián tiếp bởi Covid-19. Sự bùng phát bất ngờ của dịch bệnh khiến DN bị bất ngờ, không kịp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Theo khảo sát của Hiệp hội, hiện đã có một số DN tiến hành cơ cấu lại nhân sự do doanh thu sụt giảm.

Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho biết, 60% DN trên địa bàn chủ yếu là DN thương mại - dịch vụ - du lịch, vì vậy dịch Covid-19 hầu như chịu ảnh hưởng nặng nề. Ông Quang kiến nghị Quỹ đầu tư xem xét giảm điều kiện để DN có thể tiếp cận được trong thời gian khó khăn này hoặc Quỹ nên chuyển hướng để hỗ trợ lãi suất cho DN.

Ông Phạm Bắc Bình cho rằng, HH DN NVV TP Đà Nẵng đã rà soát và có một số kiến nghị gửi lên Chính phủ. Hiện tại, có 2 nhóm DN bị ảnh hưởng là nhóm trực tiếp và nhóm gián tiếp, Hiệp hội bước đầu đề xuất các biện pháp cho nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp.

Theo đó, đề nghị các cơ quan tài chính cần sớm bắt tay vào cuộc đồng hành cùng DN trong việc rà soát, đánh giá tác động và hỗ trợ như: Ngân hàng Nhà nước cần có chủ trương cho các ngân hàng thương mại giãn nợ, giảm lãi suất, khi mà việc cân đối các khoản chi phí của các doanh nghiệp này là cực kỳ khó khăn. Tiếp theo, đề nghị ngành Thuế giãn các khoản thu thuế, giảm tiền cho thuê đất và nên có mốc thời gian cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, sử dụng các quỹ bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu để giảm chi phí nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng, góp phần kiềm chế lạm phát, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và chi phí sống thiết yếu của người lao động trong lúc khó khăn.

Việc triển khai các biện pháp trên có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách, tuy nhiên, để hỗ trợ DN, nuôi dưỡng và bảo toàn nguồn thu bền vững, lâu dài thì đây là việc cần làm. Ngoài việc gửi các đề xuất trên lên Chính phủ, Hiệp hội còn đề xuất thành phố nắm bắt tình hình khó khăn của DN do dịch bệnh thông qua các đầu mối từ các hội, Hiệp hội DN và các cơ quan khác để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, ưu tiên cho các DN thành phố.

Nới rộng các chính sách hỗ trợ

Ông Trương Đình Đức - Trưởng văn phòng miền Trung Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Tổng Giám đốc VietGroup nhìn nhận, trong bối cảnh nền kinh tế chịu sự tác động của dịch Vovid-19 các Hội, Hiệp hội DN không đứng ngoài cuộc mà nhanh chóng nắm bắt tình hình để đề xuất, kiến nghị nhằm góp phần hỗ trợ DN vượt qua khó khăn và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, phát triển hậu Covid-19.

Ông Đức cho biết, ngày 4-2-2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của Covid-19, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay... Do đó, chủ trương này cần sớm được triển khai để cộng đồng doanh nhân, DN tiếp cận chính sách. Đối với giải pháp về thuế xuất nhập khẩu giảm chi phí cho DN, cần nghiên cứu giảm, giãn thời hạn đóng thuế với một số đối tượng, lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi Covid 19.

“Cục Thuế các địa phương giải quyết nhanh chóng thủ tục hoàn thuế cho các DN xuất khẩu. Hoàn thuế nhanh chóng sẽ giúp bổ sung dòng tiền, tài chính nhanh cho DN trong lúc khó khăn này. Đề nghị ngành Hải quan tạo điều kiện, đẩy nhanh hơn nữa thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu để đẩy nhanh việc luân chuyển nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh”, ông Đức đề xuất.

Đối với thuế nhập khẩu, theo ông Đức, xem xét việc cho áp dụng thông quan trước rồi nộp thuế sau đối với một số mặt hàng phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng thiết yếu chịu tác động của dịch bệnh nhằm giảm áp lực tài chính đối với các DN có hoạt động xuất nhập khẩu. Về giải pháp lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đề nghị ngành chức năng xem xét và thực hiện nhanh chóng các thủ tục liên quan đến hỗ trợ người lao động nhận các chế độ, chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, qua đây giúp DN tái cơ cấu lao động, cắt giảm chi phí do quy mô sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp do dịch bệnh.

“Về phía Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam văn phòng miền Trung cũng đang thúc đẩy triển khai chương trình kết nối kinh doanh như hợp tác với các hiệp hội DN nhằm thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các DN Việt Nam trong lúc khó khăn. Đồng thời chúng tôi tiếp tục tiến hành thu thập, khảo sát, tổng hợp, ghi nhận ý kiến từ phía các doanh nhân, DN để hỗ trợ tư vấn tiếp cận chính sách mới ví dụ như chủ trương về cơ cấu hạn nợ, miễn giảm lãi vay và kiến nghị, đề xuất với các cơ quan hữu quan để giải quyết các đề xuất, kiến nghị của DN”, ông Đức nói.

Liên quan đến lĩnh vực bất động sản (BĐS), ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS nhìn nhận, hiện nay những phân khúc BĐS phục vụ cho nhu cầu ở, giá đang đưa về mức đáp ứng được nhu cầu của người mua. Vì vậy, phân khúc BĐS nhà ở có khả năng tiếp tục duy trì và có giao dịch trong thời gian tới. Còn ảnh hưởng nặng nề nhất là BĐS du lịch và những sản phẩm sơ cấp của các chủ đầu tư sắp tới thì sẽ rất khó khăn.

Ông Lập gợi ý cho doanh nghiệp BĐS lúc này là cần tinh gọn lại bộ máy tổ chức và quản lý để tiết kiệm tối đa chi phí. Cắt bỏ các chi phí không cần thiết, đàm phán lại lương, thu nhập của nhân sự; hoạch định lại các chiến lược, các kế hoạch, xây dựng các kịch bản ứng phó... Đồng thời hoàn thiện lại hệ thống tổ chức, chuẩn chỉ lại các quy định, quy trình hoạt động, marketing, chăm sóc khách hàng, chính sách đối với nhân sự. Ngoài ra, cần theo dõi thị trường, chuyển hướng vào các phân khúc phục vụ nhu cầu ở để phục vụ người dân có nhu cầu thực sự; xây dựng và phát triển các hệ thống marketing online, làm việc online, tập trung thu thập dữ liệu khách hàng; chăm sóc khách hàng hiện hữu để tăng cường phát triển mối quan hệ khách hàng trung thành dài lâu...

Mới đây, tại cuộc họp thường kỳ tháng 3-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, để khắc phục khó khăn trước dịch bệnh Covid-19, Ban Thường vụ Thành ủy đã chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình hiện nay cũng như sau khi đã khống chế dịch bệnh; xây dựng kế hoạch và các giải pháp tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; chuẩn bị phương án tái thiết, phục hồi năng lực các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là khôi phục, cơ cấu lại nguồn khách du lịch, các hoạt động dịch vụ phù hợp định hướng phát triển thành phố; kịp thời chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động phải tạm ngưng hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy nhanh các thủ tục quy hoạch, đầu tư, phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch, lộ trình đề ra nhằm hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Tiếp tục triển khai có kết quả các công trình, dự án được trao Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư, cũng như các công trình trọng điểm, mang tính động lực - xem đây là giải pháp quan trọng, cấp bách, cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế thành phố, đảm bảo bền vững, lâu dài... Hy vọng với sự nỗ lực tự thân của các DN, sự vào cuộc, đồng hành đầy trách nhiệm của các cấp chính quyền thì những khó khăn sẽ sớm được khắc phục, các DN sẽ nhanh chóng lấy lại được đà tăng trưởng, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội thành phố.

D.HÙNG