Doanh nghiệp kêu khó "với" tới gói hỗ trợ lãi suất 2%

Thứ sáu, 24/06/2022 16:24
Ngày 20-5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư số 03/TT-NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhanh chóng triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng của Chính phủ nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh (gọi tắt là doanh nghiệp) thuộc đối tượng hỗ trợ vượt qua khó khăn hậu COVID-19, sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi sau hơn 1 tháng kể từ ngày có Thông tư 03, có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng kêu khó "với" tới gói hỗ trợ này.
Các doanh nghiệp chế biến gỗ đang "khát" vốn để làm hàng xuất khẩu.
Các doanh nghiệp chế biến gỗ đang "khát" vốn để làm hàng xuất khẩu.

Điều kiện vay có khả thi ?

Sau khoảng 2 năm gần như ngưng hoạt động do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đầu năm 2022, Công ty CP Xây Dựng B.S.V (Q.Hải Châu) đã ký được hợp đồng thầu xây dựng 1 khách sạn và đang chuẩn bị bắt tay vào thi công. Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Công ty CP Xây dựng B.S.V, cho biết doanh nghiêp này đang "khát" vốn để mua máy móc, phương tiện thi công, nguyên vật liệu, chi phí nhân công, v.v… nên khi hay tin doanh nghiệp nằm trong diện được vay vốn ưu đãi và hỗ trợ lãi suất 2% của Nhà nước, lãnh đạo Công ty rất hồ hởi và phấn khởi. Tuy nhiên, trong những ngày qua, gõ cửa nhiều ngân hàng để hỏi vay vốn ưu đãi từ chương trình này, Công ty CP Xây dựng B.S.V đều nhận được cái lắc đầu từ phía ngân hàng vì không đủ điều kiện. "Ngân hàng nói doanh thu xây lắp của doanh nghiệp chúng tôi trong 2 năm gần nhất quá thấp, không có tài sản đảm bảo, v.v… nên không đủ tiêu chí vay vốn. Nhưng trong 2 năm qua, lĩnh vực xây dựng nói chung, doanh nghiệp xây lắp như chúng tôi nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, công việc rất ít, chưa phá sản là may nên làm gì có doanh thu. Còn tài sản đảm bảo thì chỉ có căn nhà 3 tầng là trụ sở Công ty nhưng cũng đã thế chấp vay vốn để cầm cự 2 năm qua nên lấy đâu ra tài sản để thế chấp nữa", ông Cường phân trần.

Dù có tài sản đảm bảo nhưng cũng không thể vay vốn được như trường hợp của Công ty Bánh ngọt M.P (Q.Cẩm Lệ). Theo ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Công ty Bánh ngọt M.P, trong hai năm 2022-2023, đơn vị này đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu bánh đi Nhật Bản, Hàn Quốc nên rất cần nguồn vốn để đầu tư mở rộng, nâng công suất của nhà máy để đảm bảo đủ nguồn hàng giao cho đối tác như đã cam kết. "Qua tìm hiểu, biết được doanh nghiệp công nghiệp chế biến như chúng tôi thuộc đối tượng vay vốn hỗ trợ lãi suất 2%, chúng tôi đã mang tài sản là hiện trạng toàn bộ nhà máy đang sản xuất để thế chấp nhưng vẫn không được ngân hàng giải quyết với lý do Công ty mới thành lập từ năm 2021 nên không đủ điều kiện vay vốn", ông Tân buồn bã cho biết.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang (Q.Sơn Trà) cũng phản ánh với chúng tôi rằng đang rất "khát" vốn để làm hàng xuất khẩu và đã hỏi vay vốn từ gói ưu đãi hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ nhưng đều bị các ngân hàng từ chối vì không đủ điều kiện vay. "Phải đảm bảo các điều kiện vay khắt khe như: không có nợ xấu, phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm... Hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc thiếu tiêu chuẩn được vay. Chưa kể giá xăng dầu tăng cao, chi phí vận hành khiến doanh nghiệp rất khó khăn...", vị lãnh đạo doanh nghiệp này giãi bày. Những trở ngại cho doanh nghiệp khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% không chỉ đến từ các điều kiện vay vốn khắt khe mà còn đến từ đặc thù hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Đà Nẵng chỉ là chi nhánh, trong khi đó, hội sở lại đặt ở Hà Nội hoặc TPHCM. "Dù doanh nghiệp, khách hàng đủ điều kiện vay vốn và được hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ lãi suất 2% này, nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được chỉ đạo, nhất là bố trí nguồn vốn từ hội sở nên cũng chưa thể giải ngân, hỗ trợ được cho doanh nghiệp, khách hàng", Giám đốc 1 chi nhánh ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng chia sẻ thêm.

Mong "hạ" chuẩn cho vay

Cho rằng đây là một gói vay "khác biệt" với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hậu COVID-19, Giám đốc Công ty CP Xây dựng B.S.V Trần Văn Cường kiến nghị "hạ" chuẩn tín dụng của gói vay này bởi hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra sẽ khó có cơ hội tiếp cận gói vay với điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe như trên. Bên cạnh đó, nên chăng để doanh nghiệp được dùng thương hiệu của mình, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh thu hiện tại, hoặc dùng những tài sản lưu động để chứng minh năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng phục hồi chứ không nhất thiết phải đảm bảo thế chấp bằng bất động sản, tài sản hữu hình chính chủ như đối với các khoản vay tín dụng bình thường.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Công ty Bánh ngọt M.P, ngân hàng cũng rất muốn đồng hành cùng với Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng còn thận trọng, nhất là còn ngại về vấn đề pháp lý khi thực hiện giải ngân các gói vay ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. "Nếu chính sách không rõ ràng thì ngân hàng không dám cho vay bởi sợ trách nhiệm sau này. Do đó, theo chúng tôi, các điều khoản, điều kiện để được vay vốn từ gói vay ưu đãi nói trên cần rõ ràng hơn, cụ thể hơn", ông Tân đề nghị thêm.

PHÚ NAM