Doanh nghiệp Nhật Bản tiến mạnh vào Đà Nẵng

Thứ bảy, 19/12/2015 09:06

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 11 vừa qua, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã phối hợp cùng Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng. Tại đây, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định: “Nhật Bản là một đối tác quan trọng cần tập trung thu hút đầu tư. Vì vậy, TP  Đà Nẵng sẽ nỗ lực cải thiện cơ chế, chính sách, bộ máy vận hành phục vụ, sẵn sàng có những cam kết mạnh mẽ hơn để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản vào làm ăn”.

 Hơn một tháng sau Hội nghị xúc tiến đầu tư, Đà Nẵng đã đón tiếp nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản ở các lĩnh vực đầu tư khác nhau liên tiếp đến thành phố biển Đà Nẵng để khảo sát, tìm hiểu, thỏa thuận và ký kết đầu tư.

 Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ (giữa) tặng quà lưu niệm cho các đối tác Nhật Bản tại lần tiếp xúc đầu tư đầu tháng 11-2015. Ảnh: Cảnh Dương

CẦN PHẢI KẾT NỐI ĐỒNG BỘ

Ông Saito Takahisa, Tổng Giám đốc AIC Việt Nam cho rằng chọn Đà Nẵng vì sự cạnh tranh thấp hơn tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đến Đà Nẵng từ năm 1995, khi đó Đà Nẵng chưa có những cây cầu như hiện nay, ông vẫn còn nhớ cảnh chòng chành qua đò, qua phà của người dân. Vậy nhưng, những lần trở lại sau đó, ông ngạc nhiên bởi những đổi thay của TP Đà Nẵng và ông thực sự bị thuyết phục bởi môi trường sống trong lành ở đây nên quyết định đầu tư ngay. Trong khi đó, ông Iwama Shinichi, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam tại Khu công nghiệp Hòa Khánh đã sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng được 9 năm.

Vì vậy, ông muốn xây dựng tại đây một nhà máy sản xuất tập trung dựa trên lợi thế chi phí nhân công rẻ, làm việc chăm chỉ và nhất là không bỏ việc giữa chừng như các nơi khác. Đà Nẵng cũng có hệ thống đường sá, sân bay, cảng biển... thuận lợi cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư, nhưng việc kết nối giữa các tỉnh, thành phố khác còn hạn chế. Ông Iwama Shinichi đề nghị: “Để thúc đẩy sự phát triển, Đà Nẵng cần phải kết nối đồng bộ, đẩy mạnh ngành công nghiệp phụ trợ, ưu tiên gia công thiết bị, linh kiện cho nhà sản xuất thì việc thu hút đầu tư sẽ hấp dẫn hơn”.

Có trụ sở chi nhánh công ty tại Công viên Phần mềm Quang Trung, Đà Nẵng với 70 nhân viên đảm nhiệm việc gia công các phần mềm ứng dụng cho các đô thị, ông Yazawa, Công ty Digital Ship cho biết, đang đầu tư xây dựng hình ảnh tượng trưng cho Đà Nẵng để giới thiệu đến du khách trên thế giới biết về thành phố này. “Tôi cho rằng việc đầu tư vào Đà Nẵng sẽ còn tăng mạnh hơn trong tương lai nhờ tiềm năng về môi trường du lịch; đặc biệt là khu vực ven biển sẽ thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi cũng đang nắm bắt cơ hội để triển khai kinh doanh trong lĩnh vực này” - ông Yazawa nhận định.

Dự báo Đà Nẵng sẽ là nơi nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến làm ăn, kinh doanh thời gian tới nên Ngân hàng Ogaki đã lên kế hoạch chuyển hướng đầu tư tài chính vào Đà Nẵng để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Kentaro Ito, đại diện ngân hàng nhận xét: “Đà Nẵng có các khu công nghiệp gần trung tâm thành phố thuận lợi cho việc di chuyển. Đà Nẵng ít kẹt xe hơn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Môi trường làm việc của Đà Nẵng được đánh giá tương đối tốt”.

ĐÓN ĐẦU NGUỒN NHÂN LỰC

Tại Đà Nẵng, Nhật Bản hiện đang là nhà đầu tư lớn thứ 4 với 118 doanh nghiệp và văn phòng đại diện, tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD. Đây cũng là quốc gia có số dự án đầu tư lớn nhất tại Đà Nẵng tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghệ thông tin và truyền thông... giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 40.000 lao động địa phương và các tỉnh lân cận ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.

Vừa cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng trực tiếp sang Nhật Bản xúc tiến đầu tư trở về, ông Lê Cảnh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, hàng chục doanh nghiệp Nhật Bản đang tiến hành khảo sát các dự án kêu gọi đầu tư như khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản... Ông Dương cũng cho biết mức độ quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với môi trường đầu tư tại Đà Nẵng tương đối lớn. Đặc biệt có sự quan tâm hỗ trợ từ các tổ chức kinh tế của Nhật Bản, họ cũng đã tổ chức cho các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản quan tâm tìm hiểu rất nhiều thông tin về khu công nghệ cao của Đà Nẵng.

Không phải bây giờ mà nhiều năm trở lại đây, Đà Nẵng và các địa phương của Nhật Bản mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác trong nhiều lĩnh vực và được cụ thể hóa bằng việc ký kết Bản ghi nhớ và triển khai quan hệ hợp tác hữu nghị với các thành phố Kawasaki, Sakai Yokohamam, Mitsuke. Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đang từng bước xúc tiến mở rộng quan hệ hợp tác, tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ với các thành phố Nagasaki, Kobe...

Ông Mai Đăng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt - Nhật tại Đà Nẵng cho biết: Chuẩn bị nhân lực cho làn sóng đón nhà đầu tư Nhật Bản, TP Đà Nẵng tổ chức dạy thí điểm tiếng Nhật tại trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Đại học với số lượng người học tiếng Nhật nhiều nhất miền Trung. Hiện việc dạy thí điểm tiếng Nhật được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ đang được áp dụng tại Trường THCS Tây Sơn, Nguyễn Huệ, THPT Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh, Đại học Đà Nẵng hiện có 450 em sinh viên đang học. Thành phố này cũng đang đẩy nhanh dự án xây dựng Trung tâm giao lưu Việt - Nhật... để đón đầu các nhà đầu tư vào làm ăn.

Quang Minh