Doanh nghiệp và người lao động “cầm chân” với dịch

Thứ sáu, 10/04/2020 08:43

Trong khi người lao động ở các doanh nghiệp ở khu vực dịch vụ du lịch và khối trường học ngoài công lập bị ảnh hưởng nặng nề kể từ đầu mùa dịch thì ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nhân và chủ doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn cộng sinh để thích nghi dần vượt qua khó khăn trước mắt.

Công nhân Cty Điện tử Việt Hoa được đo thân nhiệt trước giờ vào ca.

2.600 giáo viên trường ngoài công lập phải nghỉ không lương

Theo Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh, trong tháng 3-2020 đã có 2.600 giáo viên của 95 trường ngoài công lập (đa số là giáo viên mầm non) và 4.438 lao động trong ngành du lịch, dịch vụ, khách sạn bị mất việc làm, phải nghỉ không lương hoặc chỉ được hỗ trợ tối đa 30% lương, còn hơn 6.000 lao động của ngành du lịch nghỉ làm luân phiên, để duy trì hoạt động và đủ thời gian để đóng BHXH. Công đoàn thành phố đã trợ cấp cho 500 trường hợp đặc biệt khó khăn trong diện này với số tiền 500 triệu đồng. “Khó khăn nhất đối với khu vực này là chủ doanh nghiệp, trường học tư thục và người lao động đều không biết bao lâu mới hoạt động trở lại, nên không chấm dứt hợp đồng lao động. Trong thời điểm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì lý do bất khả kháng, các cấp công đoàn không thể đề xuất chi trả lương chờ việc bằng mức lương tối thiểu vùng. Việc ngừng việc cũng gián đoạn đóng BHXH khiến người lao động vừa không có lương, vừa không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, vừa không được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế nếu ốm đau, thai sản. Nên vô cùng khó khăn”, ông Minh cho hay.

 

Cần nhau trong gian khó

Sau thời gian cuộc sống đảo lộn vì con nghỉ học nhưng ba mẹ vẫn đi làm, những ngày này công nhân tại nhiều doanh nghiệp đã thích ứng được với công việc nhưng lại phải đối mặt với khó khăn mới: nghỉ việc tạm thời, nghỉ luân phiên hoặc làm cầm chừng vì không nhập được nguyên liệu, không xuất được sản phẩm.

Ông Đỗ Danh Hùng - Chủ tịch công đoàn Cty TNHH điện tử Việt Hoa, cho biết Cty có vốn đầu tư Nhật Bản với hơn 3.500 lao động đã triển khai các phương án sản xuất kinh doanh để đảm bảo kế hoạch cũng như quyền lợi của công nhân. Theo ông Hùng, sau thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh bị đảo lộn vì lượng công nhân có con nhỏ nghỉ học rất nhiều, đây là thời điểm khó khăn thứ hai trong đợt dịch Covid-19. “Hiện tại nguồn nguyên phụ liệu của Cty còn có thể đủ sản xuất trong một tháng nữa, nhưng sản xuất ra sản phẩm phải lưu kho, chưa xuất khẩu được”, ông Hùng cho hay. Trong khi đó, bà Lê Thị Hoàng – Trợ lý giám đốc Cty TNHH Kiến trúc và thương mại Á Châu, một doanh nghiệp sản xuất giấy cho biết, dù đang rất khó khăn nhưng Cty vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Để giảm áp lực chi trả lương, Cty có chủ trương thông báo cho người lao động tranh thủ luân phiên nghỉ phép năm. “Những ngày tới sẽ phải lấy nguyên phụ liệu dự phòng trong kho ra để sản xuất. Loại này chất lượng không bằng nhập định kỳ nên phải làm việc với đối tác để thương thảo. Trong bối cảnh hiện tại việc sản xuất kinh doanh còn vận hành được là đã may mắn rồi”, bà Hoàng chia sẻ.

Ông Nguyễn Duy Minh – Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng cho biết, dù rất khó khăn nhưng đa số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp vẫn cố gắng duy trì vận hành bình thường để cầm cự, đảm bảo không xáo trộn khi tình hình ổn định trở lại. Hiện đã có một số doanh nghiệp như Cty Điện tử Việt Hoa tiến hành cắt giảm nhân công theo lộ trình từ trước khi xảy ra dịch bệnh, Cty Keyhinge Toys Việt Nam thực hiện dừng tăng ca, giãn giờ làm việc để vừa duy trì hoạt động vừa giữ chân công nhân. Theo ông Minh, khu vực sản xuất công nghiệp tập trung hơn 70 nghìn lao động cơ bản vẫn duy trì sản xuất, đến hiện tại tỷ lệ công nhân thiếu việc làm không nhiều. Tuy sản xuất duy trì tốt, nhưng thách thức lớn ở khu vực này là số lượng lao động tập trung đông, nếu xảy ra vài trường hợp nghi nhiễm, buộc phải cách ly cũng sẽ gây tâm lý hoang mang dây chuyền. Chính vì vậy công đoàn thành phố chú trọng đến công tác nắm tình hình tư tưởng trên địa bàn này, đồng thời chỉ đạo các cấp chủ động dùng kinh phí phối hợp với người sử dụng lao động trang bị dụng cụ, phương tiện sát khuẩn cá nhân, tập thể, trường  hợp cần thiết hỗ trợ phun khử trùng nhà xưởng miễn phí. Các công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với bộ phận nhân sự khoanh vùng kịp thời những trường hợp nghi ngờ, đề xuất chủ doanh nghiệp cho nghỉ hưởng nguyên lương để động viên người lao động chấp hành việc cách ly theo yêu cầu.

Công nhân Cty Chinhuei ăn ca tại “bàn ăn dã chiến” có vách ngăn.

“Nhìn về một hướng” cả việc làm và bữa ăn

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về cách ly xã hội, các doanh nghiệp bắt đầu điều chỉnh chế độ làm việc và cả trong bữa ăn của công nhân. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, hiện hầu hết các công ty, nhà xưởng đã trang bị chu đáo cho công nhân các vật dụng cần thiết như khẩu trang, bảo hộ lao động, nước sát khuẩn tại nơi làm việc cũng như các khu nhà trọ tự quản. Trước giờ vào ca hoặc trong khi làm việc, công nhân đều được đo thân nhiệt theo đúng quy định y tế. Đặc biệt, trong tuần làm việc đầu tiên của tháng 4, bữa ăn ca của công nhân đồng loạt được bố trí lại để phù hợp với quy định về giãn cách xã hội.

Theo ông Đỗ Danh Hùng, với lượng công nhân lớn nên việc thay đổi thời gian, khoảng cách cho bữa ăn ca là không đơn giản. Tuy vậy mọi thứ đã được nhanh chóng sắp xếp lại, bàn ăn đã có vách ngăn, khoảng cách được đảm bảo, thời gian được chia ra thay vì ăn tập trung như trước đây. “Trước khi ăn, công nhân phải tuân thủ các thao tác vệ sinh cá nhân. Khi ăn thì ngồi thưa hơn, cùng quay mặt về một hướng khác với kiểu đối diện trước đây. Công tác quản lý thực phẩm cũng được siết chặt thông qua cam kết của đơn vị cung cấp. Do nhận thức được nguy hiểm của dịch Covid-19 nên người lao động cũng thực hiện rất tự giác”, ông Hùng cho hay.

Bàn ăn được bố trí theo kiểu “nhìn về một hướng”, đảm bảo khoảng cách của công nhân Cty TTTI Đà Nẵng.

Chị Cao Liên – công nhân Xí nghiệp 2 Cty Dệt may 29-3 cho biết, theo kế hoạch thì làm xong tuần lễ này là công nhân sẽ thực hiện nghỉ luân phiên, trước mắt là đến hết tháng 4. Còn sản xuất kinh doanh tháng 5 thì phải phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh cũng như phương án thích ứng của Cty. “Dù đang hết sức chật vật nhưng lãnh đạo và tổ chức công đoàn cũng xem xét để hỗ trợ công nhân nghỉ có lương với mức khoảng 3,9 triệu/tháng. Trong hoàn cảnh hiện tại thì cả hai phía phải chia sẻ cùng nhau vì là khó khăn chung”, chị Liên cho biết.

Theo khảo sát thì hiện tại hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đều cố gắng để công nhân vẫn có lương nếu nghỉ việc tạm thời, bản thân người lao động cũng chia sẻ khó khăn này để cùng vượt qua mùa dịch. Trong khi doanh nghiệp phải đảm bảo quyền lợi để giữ chân công nhân thì bản thân công nhân cũng đang rất quý trọng việc làm và thấm thía câu nói “dựa nhau mà sống”. Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng cho biết đang kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam  cho phép dùng ngân sách công đoàn thành phố trợ cấp khó khăn cho đoàn viên, người lao động bị mất việc làm bởi tác động của dịch bệnh Covid-19, có hướng dẫn cụ thể về tỷ lệ, điều kiện chi để không mất cân đối. Ngoài ra, đơn vị cũng kiến nghị UBND thành phố hỗ trợ kinh phí để trợ cấp cho những giáo viên mầm non tư thục trong hoàn cảnh không có việc làm, không có thu nhập, không có trợ cấp thất nghiệp; đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam có cơ chế hỗ trợ chế độ BHYT để đảm bảo chính sách ốm đau, thai sản cho người lao động trong thời điểm này.

CÔNG KHANH