Doanh nghiệp vận tải phản ứng chủ trương “ngắt tuyến”

Thứ tư, 06/12/2017 07:56

Trước nguy cơ bị “ngắt tuyến”, có khả năng buộc phải chấm dứt hoạt động sau 20 năm vì chủ trương điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng theo hướng không đi vào nội thành, 9 đơn vị vận tải với hơn 100 đầu xe đã đồng ký văn bản gửi chính quyền 2 địa phương kiến nghị cần có quyết định hợp lý.

Đại diện các doanh nghiệp vận tải phản ánh sự việc với cơ quan báo chí. 

Hoang mang trước nguy cơ phá sản

Đơn kiến nghị của 9 doanh nghiệp vận tải tham gia hoạt động trên 5 tuyến xe buýt liền kề không trợ giá giữa Quảng Nam và Đà Nẵng trình bày: Tất cả các doanh nghiệp đều được 2 địa phương phê duyệt cho hoạt động từ ngày Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách. Dù vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót nhưng cơ bản các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá này đã và đang phục vụ tốt nhu cầu đi lại của cán bộ, người dân, công nhân, học sinh, sinh viên của hai địa phương. Ngày 15-11-2017, Sở GTVT TP Đà Nẵng có báo cáo gửi UBND thành phố về việc điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng theo hướng không đi vào khu vực nội thành được áp dụng kể từ ngày 1-1-2019. Trước thông tin này, các doanh nghiệp vận tải đã hết sức hoang mang vì phải đối mặt với nguy cơ chấm dứt hoạt động. “Chủ trương này không hợp lý vì lộ trình còn lại của chúng tôi không đến được những nơi mà hành khách cần đến như từ trước tới nay mà phải thêm một chặng nữa. Người dân của cả hai địa phương khó chấp nhận với loại hình vận tải nửa vời này. Nếu chủ trương này thực hiện thì gần như là dấu chấm hết cho 100 đầu xe với 300 lao động đã gắn bó lâu nay với thói quen đi lại của hành khách”, ông Ông Văn Dũng – Giám đốc Xí nghiệp vận tải thuộc Cty CP GTVT Quảng Nam nói.

Nếu chủ trương mới được áp dụng thì kể từ năm 2019, các doanh nghiệp đã phục vụ nhu cầu đi lại của người dân suốt 20 năm qua gần như làm nhiệm vụ trung chuyển cho xe buýt có trợ giá. Vì tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ, Đà Nẵng – Phú Đa, Thọ Quang – Quế Sơn phải dừng hành trình tại bến xe phía Nam, Hội An – Đà Nẵng phải dừng tại Cao đẳng Việt Hàn, Ái Nghĩa – Đà Nẵng dừng tại Trung tâm hành chính H. Hòa Vang. Điều này, theo các đơn vị vận tải, là hết sức vô lý vì làm phức tạp thêm việc đi lại của nhân dân. Ông Hồ Tấn Ba – Giám đốc HTX Vận tải kinh doanh tổng hợp TP Tam Kỳ cho hay, 12 xe buýt của đơn vị đã hoạt động 20 năm với tần suất 32 chuyến/ngày giữa Đà Nẵng và Tam Kỳ. Sự ra đời của xe buýt trợ giá cộng với xe dù 7 chỗ hoành hành trong thời gian qua khiến hoạt động vận tải của đơn vị hết sức chật vật. “Năm nay doanh thu của chúng tôi chỉ bằng 50-60% so với trước đây. Sắp tới mà không cho vào nội thành nữa thì chỉ có ngưng hoạt động. Xe buýt mà không cho vào nội thành, chỉ đi đến rìa thành phố thì không còn là xe buýt nữa, vì nó hạn chế sự lưu thông của người dân. Chúng tôi thấy cần có sự xem xét, điều chỉnh vì nó không công bằng”, ông Ba kiến nghị.

Xe buýt Đà Nẵng – Tam Kỳ

Cần lộ trình và cách thực hiện hợp lý

Ngoài các doanh nghiệp vận tải của TP Đà Nẵng, Hiệp hội Vận tải ô- tô Quảng Nam cũng đã có đơn kiến nghị gửi chính quyền 2 địa phương. Trước khó khăn của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cũng đã ký văn bản gửi UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị trước mắt tạm dừng, chưa thực hiện việc điều chỉnh hành trình các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam – Đà Nẵng theo Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Văn bản cũng đề xuất giao cho Sở GTVT 2 địa phương rà soát lại để điều chỉnh quy hoạch các tuyến xe buýt này được đi vào nội thành Đà Nẵng, đến các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, nhà ga, siêu thị..., tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, nhất là học sinh, sinh viên, tiểu thương, người dân đi khám chữa bệnh.

Trước câu hỏi liệu có phải chủ trương này xuất phát từ sự ra đời của loại hình xe buýt có trợ giá đang hoạt động ở nội thành Đà Nẵng, đại diện các doanh nghiệp cho rằng điều này tế nhị vì không có bằng chứng nào thể hiện điều đó. “Việc họ hoạt động như thế nào chúng tôi không quan tâm.  Chúng tôi chấp  nhận cùng hoạt động song song với loại hình xe buýt có trợ giá và không có xung đột nào trong đón trả khách cũng như việc đi lại. Quan trọng hơn là chúng tôi không hề dùng ngân sách, đã và đang hoạt động ổn định, tạo thói quen, sự thuận tiện trong đi lại của người dân. Thậm chí, để hạn chế vào các tuyến đường có mật độ người tham gia giao thông lớn, chúng tôi đã chủ động đề xuất điều chỉnh lộ trình trong nội thị nhưng cũng chưa được cơ quan chức năng trả lời”, ông Ông Văn Dũng cho biết.

Khi được hỏi nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao nhưng vì sao các doanh nghiệp không chủ động đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, ông Hồ Tấn Ba cho biết, các doanh nghiệp cũng rất muốn đầu tư mới để khai thác hiệu quả, phục vụ khách tốt hơn nhưng khi chưa có chủ trương rõ ràng thì không ai dám liều. “Chúng tôi rất muốn đầu tư mới hoàn toàn, cả xe cộ, con người và dịch vụ. Nhưng với giá một chiếc xe khoảng 1,5 tỷ đồng thì phải mất 5-7 năm mới thu hồi vốn mà không biết được hoạt động đến khi nào. Nếu mua xe xong rồi bị ngắt tuyến thì chỉ có phá sản. Chúng tôi cũng đã trình bày ý kiến này để có hướng đầu tư nhưng chưa thấy cơ quan chức năng phản hồi gì. Cả 9 doanh nghiệp chúng tôi đang đề xuất được làm việc, trao đổi trực tiếp cũng như trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình với UBND thành phố Đà Nẵng nhưng vẫn chưa có cơ hội”, ông Ba phân vân.

Lãnh đạo Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, Sở đã đề xuất UBND thành phố thống nhất chủ trương cho phép thời gian điều chỉnh các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm thành phố bắt đầu từ ngày 1-1-2019. Hiệp hội Vận tải ô-tô của 2 địa phương và các đơn vị vận tải tuyến xe buýt liền kề có nguyện vọng gặp lãnh đạo thành phố để trình bày khó khăn,  đề xuất nguyện vọng để hài hòa quyền lợi nhưng hiện lãnh đạo thành phố chưa sắp xếp được buổi làm việc này.

CÔNG KHANH