Doanh nhân đến với Trường Sa

Thứ năm, 26/06/2014 10:13

(Cadn.com.vn) - 10 ngày đến thăm các đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tôi mới thấy hết tầm nhìn hướng về biển Đông của tiền nhân. Đã có những biện pháp bảo vệ, xác lập chủ quyền từ rất sớm. Tuy nhiên do chiến tranh kéo dài và một số vấn đề khác…nên nhiều đảo của chúng ta bị một số nước lấn chiếm. Đoàn doanh nhân chúng tôi đã ứa nước mắt khi đi qua những hòn đảo đang bị nước ngoài chiếm giữ. “Chúng tôi tâm niệm không thể như Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng sức mạnh đánh chiếm, với Trường Sa… quân dân trên dưới một lòng, doanh nhân vững mạnh… thì không thể kẻ thù nào hăm dọa ta được!”, phát biểu của Giám đốc Lê Minh Lợi, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh TT- Huế như nói thay suy nghĩ, quyết tâm của mọi người.

 

Xuất phát từ quân cảng Cát Lái (TPHCM) vào ngày 28-5, hơn 200 thành viên theo đoàn được phân bổ thành 5 trung đội. Trong đó 8 doanh nhân được bố trí vào trung đội 4 (35 thành viên). Con tàu hú còi mạnh mẽ lướt sóng ra khơi bỏ lại sau lưng phố phường đô hội, những nhà hàng, quán bar đỏ đèn và những trận cười mua vui thâu đêm suốt sáng. Chỉ còn lại xung quanh là một màu xanh của biển bao phủ không biết nơi đâu là bến bờ.

Ngày 29-5 con tàu đưa đoàn doanh nhân và các thanh niên đi ngang qua khu vực khoan dầu khí của Việt Nam ở ngoài khơi Vũng Tàu. Nhìn giàn khoan bề thế chễm chệ giữa biển khơi, cả con tàu không ai bảo ai đã cùng cất cao tiếng hát bài “Tổ quốc nhìn từ biển”. Ai có mặt lúc ấy mới thấy thấm thía tình yêu, lòng tự hào dân tộc.

Ngày 30-5, trời vừa rựng sáng cụm đảo Đá Lớn (A,B,C) trong quần đảo Trường Sa đã hiện ra mờ mờ trước mắt. Nhiều người nghe nói đã buông cả bát đũa ăn sớm chạy ra boong tàu để nhìn, tận hưởng hết nỗi khát khao mong đợi được một lần đến Trường Sa bao nhiêu năm qua chừ mới được thỏa nguyện.

Đặt chân lên các hòn đảo của Đảo Đá Lớn, để những người cùng đi trong đoàn tìm thú vui trên biển cả, các doanh nhân chúng tôi tìm đến các chiến sĩ đang canh giữ biển trời nơi điểm xa nhất của Tổ quốc. Chúng tôi mừng khi nơi đây có điện năng lượng mặt trời, có sóng điện thoại… Thậm chí trên hai đảo lớn A,B còn có sân đỗ máy bay trực thăng nhưng khó khăn thì nhiều lắm khi mỗi năm có đến hơn  300 ngày nắng nóng. Nhất là đảo Đá C, diện tích chỉ chừng 150m2 cắm trên bãi san hô, ngày đêm nghe sóng vỗ chát chúa dưới chân mình…

Doanh nhân chụp ảnh lưu niệm tại Trường Sa.

Đêm, nằm trên con tàu cạnh đảo Đá Lớn, nhìn những bạn trẻ thi nhau câu cá, vớt mực, có khi bắt được cả con cá ngừ nặng đến 4kg vất lên tàu còn nhảy đành đạch, chúng tôi thật vui vì sự tươi trẻ hồn nhiên của các bạn. Trong khi đó người già nhất đoàn là vị Chủ tịch Hiệp hội nhựa- TPHCM đã 66 tuổi, không nói gì chỉ cầm ly rượu đứng lặng lẽ trên boong tàu nhìn về đảo Đá Lớn đang chìm trong màn đêm sâu thẳm. Nhìn đôi mắt anh như chùng xuống trong ánh sáng đèn rực rỡ của con tàu, tôi biết anh đang có nhiều suy nghĩ và chắc hẳn trong đó có lẽ… đều dành cho Trường Sa.

31-5, con tàu lại đưa đoàn đến thăm đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết… Ấn tượng nhất đối với các doanh nhân chúng tôi là sự “tráng lệ” của hai hòn đảo này. Sơn Ca rất rộng, tổng diện tích chừng 6ha (trong đó tự mở rộng từ năm 2012 là 3ha) còn đảo Nam Yết dài 597m và rộng 125m, cả hai đều cao hơn so với mặt biển hơn 3,5m. Đảo Nam Yết và Sơn Ca nằm cạnh các đảo Ba Bình, Gaven bị nước ngoài chiếm đóng nên có vị trí rất trọng yếu ở khu vực quần đảo Trường Sa của nước ta. Hôm ở lại đảo, được nằm trong khu nhà khách 4 tầng do Vietinbank xây tặng như thể khách sạn 3 sao, đoàn doanh nhân chúng tôi ước ao sao hòn đảo nào trên quần đảo Trường Sa cũng đều có được “khu resort” như thế này thì mới đúng là … đáp nghĩa cho những người dân trên huyện đảo.

Điều đó càng được củng cố hơn, khi chúng tôi đến thăm ngôi chùa xây dựng trên đảo Nam Yết. Tiếng chuông chùa vọng ngân vang xa, hòa cùng sóng biển, len lỏi qua rặng cây phong ba, bão táp… như thể tiếng gọi của quê hương nhắc nhở những tâm hồn đang còn trong đam mê hãy nghĩ đến Trường Sa- mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc đang đứng nơi đầu sóng ngọn gió và nhắc bảo nhau rằng: Đừng quên- Hoàng Sa đã bị nước ngoài chiếm từ năm 1974 và đang mong chờ ngày trở về cùng Tổ quốc thân yêu…

Ngày 1-6, tàu đến đảo Sinh Tồn Đông rồi đến đảo Cô Lin, Len Đao… những hòn đảo nổi tiếng trong trận chiến ngày 14-3-1988 cách đây 26 năm. Ngày thật buồn, Trời trong xanh. Biển êm ả… nhưng khi đoàn làm lễ truy điệu 64 chiến sĩ ta hy sinh trên đảo Gạc Ma thì trời bỗng nổi cơn mưa to. Nhưng mặc mưa, mặc gió quất sàn sạt vào mặt, đoàn người vẫn đứng nghiêm giữa boong tàu với áo quần sủng ướt. Khi nhìn từng vòng hoa, từng nắm hương lần lượt được thả xuống biển trôi dập dềnh… nhiều khuôn mặt nước mắt hòa cùng nước mưa đỏ hoe không giấu giếm… Nỗi buồn còn mang theo đến tận đêm khi anh Nguyễn Công Hòa, Phó giám đốc Công ty TNHH XNK Hòa An- Lạng Sơn tổ chức mừng sinh nhật. Dù có rượu, có bia, có… tiếng hát nhưng ai cũng đầy ắp nỗi buồn khi nhìn về đảo Gạc Ma- mảnh đất của Tổ quốc, nơi Trung Quốc đang đổ đá thực hiện ý tưởng xây dựng nơi đây một thành phố nổi nhân tạo và sân bay mới…

Những ngày tiếp theo tàu đã đến các đảo Phan Vinh, đảo Tốc Tan, đảo Đá Tây… và cập bến “thủ đô” Trường Sa Lớn.

Thật bất ngờ khi đến thắp hương ở chùa Trường Sa- Ngôi chùa bề thế, phong cảnh nên thơ hữu tình như các ngôi chùa ở Huế. Hỏi ra mới biết sư trụ trì là Thượng tọa Thích Giác Nghĩa, một người con của xứ Huế xung phong ra làm phật sự ở đảo. Với cốt cách của người tu hành thanh cao, Sư đã biến ngôi chùa như cảnh tiên bồng.

Đoàn doanh nhân đã đến thăm ngôi trường mẫu giáo trên đảo, thăm nhà dân khoảng 10 hộ, thăm trụ sở Bưu điện mới khánh thành tháng 4 vừa qua… Và chúng tôi trở thành một trong những vị khách đầu tiên của bưu điện Trường Sa khi không quên gởi những bức thư từ hải đảo thân yêu về các cơ quan, bạn bè thân thích ở đất liền. Nhìn dấu bưu điện Trường Sa đóng trên con tem, một sự xác lập chủ quyền “chính chủ” chúng tôi thật sự tự hào mặc dù biết được rằng những bức thư này dù có gởi EMS có khi phải mấy tháng sau mới đến tay người nhận… Tự hào hơn nữa khi đoàn được tham dự lễ chào cờ và lễ duyệt binh trên đảo. Nhìn khuôn mặt đầy khí phách can trường của các chiến sĩ trẻ, doanh nhân chúng tôi thêm vững tin vào lớp trẻ hôm nay…

Cập cảng Cát Lái ngày 6-6, đoàn về với đất Mẹ, song tất cả như còn vương vấn với Trường Sa.                                                                            

Trần Vỹ Dạ

(Viết theo lời kể của ông Lê Minh Lợi - Giám đốc Xí nghiệp Thành Lợi)