Độc đáo màn rước, tung kiệu trong lễ hội Đền Cờn
Dự lễ hội Đền Cờn (xã Quỳnh Phương, H. Quỳnh Lưu, Nghệ An), người dân, du khách không chỉ được hòa mình trong không gian lễ hội linh thiêng, mà còn được trải nghiệm nhiều hoạt động thể thao, nhiều trò chơi dân gian, thưởng thức món ăn hấp dẫn, đậm đà chất biển. Đặc biệt, màn rước kiệu, tung kiệu đặc sắc và không khỏi "thót tim" thu hút đông đảo người xem.
|
Rất đông người dân tham gia đêm khai mạc lễ hội Đền Cờn. |
Mỗi năm cứ đến dịp tháng Giêng âm lịch, người dân xứ Nghệ nói chung, người dân Quỳnh Lưu nói riêng lại náo nức tham dự lễ hội Đền Cờn. Nhắc đến phong tục lễ hội ở Nghệ An, người dân vẫn lưu truyền câu nói về "Đệ nhất linh từ"-4 ngôi đền linh thiêng nhất đó là "Nhất Cờn, Nhì Quả, Tam Bạch Mã, Tứ Chiêu Vương". Trong đó, Đền Cờn được xếp ở vị trí số 1 bởi vẻ đẹp và sự linh thiêng của nó. Ngôi đền tọa lạc ở địa thế "sơn thủy hữu tình", mặt hướng về dòng sông Mai Giang, núi Voi, núi Xước, sau lưng là biển xanh, cát trắng. Đền Cờn thờ Tứ vị Thánh nương và các vị thần có công với dân, với nước. Ngôi đền được xây dựng ở thế kỷ XIII, thuộc đời nhà Trần với kiến trúc nghệ thuật độc đáo được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1993. Lễ hội Đền Cờn là dịp để bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của cha ông, là sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền mang đậm sắc thái của ngư dân vùng biển Hoàng Mai. Năm 2017, Lễ hội Đền Cờn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia...
Lễ hội Đền Cờn năm nay tổ chức từ ngày 24-2 (20 tháng giêng) đến 26-2 (22 tháng giêng). Dịp này, UBND TX Hoàng Mai khai trương mùa du lịch Hoàng Mai và công bố quyết định công nhận Đền Cờn là điểm du lịch văn hóa tâm linh của Nghệ An năm 2019. Lễ hội Đền Cờn với nhiều hoạt động ý nghĩa như lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ cầu ngư, lễ yết vị, lễ đại tế, lễ tạ, lễ rước kiệu (bằng hai đường thủy và bộ)... Ngoài ra nhiều hoạt động cũng diễn ra với các trò chơi dân gian, thể thao, văn hóa-văn nghệ, triển lãm ảnh nghệ thuật. Các hội thi như hội thi chim chào mào, đua thuyền, đẩy gậy, bóng chuyền, kéo co... cũng thu hút đông đảo người xem.
Đặc biệt, trong những hoạt động này, màn rước kiệu, tung kiệu của những thanh niên trai tráng trong làng được người dân, du khách trông đợi nhất. Từ rạng sáng 25-2, người dân H. Quỳnh Lưu, các huyện lân cận và du khách thập phương đã đổ về ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ để tận mắt chứng kiến các hoạt động ý nghĩa trong Lễ hội Đền Cờn. Trong số hàng loạt lễ và hội được tổ chức, người dân ấn tượng nhất là màn rước kiệu truyền thống. Các kiệu rước được sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi và được rước đi trong không khí vừa trang nghiêm vừa rộn rã.
Theo quan niệm, người nào có được lộc trong tay sẽ gặp nhiều may mắn trong năm. Sau khi hàng nghìn người dân vào cung chính của lễ hội để chia, phát lộc, tiếp đến là màn rước kiệu do các chàng trai, là người dân gốc địa phương thực hiện. Bốn chiếc kiệu được khiêng ra, mỗi kiệu được 18 chàng trai khỏe mạnh, tuấn tú, trong 4 màu trang phục trắng, xanh, vàng và đỏ khiêng, giơ lên quá đầu. Họ lần lượt chạy những bước chân "thần tốc" lao ra phía biển rất nhanh và mạnh. Khi ra đến biển, chiếc kiệu nặng 3 tạ này sẽ "bay" trên không trung trong tiếng hô hào của mọi người. Tùy vào sức mạnh của những thanh niên, kiệu sẽ được "bay" ở mức cao hay thấp. Màn tung kiệu được sự điều khiển của một người trưởng đoàn. Theo khẩu lệnh của trưởng đoàn, chiếc kiệu khi ra đến biển sẽ được xoay 3 vòng, tung lên sau đó được khiêng lên bờ vào khu vực đền ngoài của lễ hội. Màn tung kiệu cần sự nhịp nhàng, chung sức, đồng lòng, theo tiếng hô của trưởng đoàn.
|
Màn tung kiệu hấp dẫn, "thót tim" thu hút nhiều người xem. |
Những bước chân "thần tốc", những cánh tay vạm vỡ, săn chắc đồng loạt giơ lên đón kiệu là một hình ảnh đẹp tượng trưng cho sự khỏe khoắn, trai tráng, mặn mòi của những chàng trai vùng biển xứ Quỳnh. Ngoài đội nghi trượng, phường bát âm, cờ phướn, biển dấu, bát bửu còn có đội múa sư tử đi trước dẫn đường. Tiếp đó là đội diễn trò với những màn diễn hóm hỉnh thể hiện cuộc sống bình dị, vui tươi của người nông dân diễn ra trên suốt hành trình rước kiệu. Song song với màn rước kiệu đường bộ là màn rước kiệu đường thủy. Dưới cảng lạch Cờn, những chiếc tàu cũng đã chuẩn bị chu đáo cho việc rước kiệu trên sông.
Ông Nguyễn Văn Bình-Trưởng phòng Văn hóa thông tin TX Hoàng Mai cho biết: "Rước kiệu, tung kiệu là hoạt động tiêu biểu không thể thiếu trong Lễ hội Đền Cờn. Đây là hoạt động mang tính cộng đồng cao nhất thể hiện tư tưởng hướng về cội nguồn dân tộc, biết ơn tổ tiên và phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng. Lễ rước kiệu tạo thêm sự long trọng, linh thiêng cho Lễ hội Đền Cờn, đồng thời là dịp giao lưu văn hóa giữa các xã, phường, thị trấn thuộc Thị xã Hoàng Mai và thu hút sự quan tâm của du khách về hành hương. Có thể nói, màn tung kiệu "bay" trên biển được xem là đặc sắc và thu hút người xem nhất". Có mặt từ rất sớm để thưởng ngoạn các hoạt động trong lễ hội Đền Cờn, chị Trần Thị Thương (trú H.Quỳnh Lưu) tỏ ra rất thích thú mặc dù phải chen lẫn giữa biển người đến lễ hội. "Trong các phần lễ và hội ở Đền Cờn, tôi vẫn ấn tượng nhất là màn rước kiệu truyền thống. Mặc dù, màn tung kiệu gây "thót tim" đối với người xem nhưng thể hiện được nét đẹp, bản sắc riêng trong Lễ hội Đền Cờn. Qua đây, cũng thể hiện được sức mạnh của những chàng trai ngư dân vùng biển"- chị Thương chia sẻ.
Dương Hóa