Đốc thúc 13 bộ, cơ quan, địa phương giải ngân vốn đầu tư công
Tại buổi làm việc với 13 bộ, cơ quan, địa phương có số vốn đầu tư công giải ngân chậm, sáng 25-7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển lời phê bình của Thủ tướng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương này. Trong đó, điển hình như Bộ Ngoại giao qua 6 tháng mới giải ngân được 5,1%, con số này của Ngân hàng Nhà nước là 5,8%, Hội Cựu chiến binh là 4,5%.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định nguyên nhân chậm trễ trước hết thuộc về lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, trong đó có nguyên nhân Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo không quyết liệt, cụ thể đơn vị thi công, vướng mắc về thủ tục, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, năng lực của đơn vị thi công chưa đáp ứng yêu cầu. Việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công được cho là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế. Nếu không có các giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế, trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng có nguy cơ tăng cao. Chính phủ phải trả lãi vay, huy động nguồn lực, vốn dư tại Kho bạc có khoảng 120.000 tỷ đồng, trong vốn ngân sách nhà nước năm 2017 Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao sớm, đạt 93,8%, nhưng việc giải ngân vốn chậm.
Báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 là 357.150 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước: 307.150 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ: 50.000 tỷ đồng. Số vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 chưa phân bổ được Quốc hội cho phép chuyển sang năm 2017 là: 16.458,02 tỷ đồng.
Tổng số vốn thanh toán đến ngày 15-6-2017 là 85.188 tỷ đồng, đạt 23,9% tổng kế hoạch vốn năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội (357.150 tỷ đồng) và 27,6% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng giao (308.747 tỷ đồng). Kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 chưa phân bổ được Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2017 là 16.458,02 tỷ đồng thì đã giải ngân 217 tỷ đồng, đạt 1,3% trên tổng nguồn và đạt 3,5% kế hoạch giao.
Đối với 13 bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra, tính đến hết tháng 6-2017, một số cơ quan, địa phương đã đạt tỷ lệ giải ngân trên 20%, như Ủy ban Dân tộc (61%), Hà Nội (33,4%), thành phố Hồ Chí Minh (26%), Bình Phước (28,1%), Tây Ninh (22,9%).
Một lần nữa nhắc lại ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, việc giải ngân là một trong những điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng GDP 2017. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Qua đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ dự án, từ thủ tục đầu tư, chọn lựa nhà thầu thi công, các giải pháp liên quan đến thanh toán vốn, điều chỉnh vốn, cho các nhà thầu tạm ứng khi có khối lượng. Tinh thần Nghị quyết của Chính phủ là đến tháng 10-2017 không thực hiện được sẽ điều chuyển vốn và việc điều chuyển này sẽ ảnh hưởng đến việc giao vốn năm 2018, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết trong tháng 8-2017, Thủ tướng sẽ trực tiếp kiểm tra một số công trình không giải ngân được vốn, giải ngân vốn được nhưng tiến độ chậm, tránh việc xử lý để tăng tỷ lệ giải ngân, tiền có để gửi ngân hàng, điều này là không thể cho phép. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Luật Đầu tư công.
Qua báo cáo của các bộ, Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8-2017, đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương chủ động điều hòa vốn trong kế hoạch được giao, để số vốn tiêu được hết, dồn lại các công trình hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng; đề xuất bỏ cơ chế phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 31-10 năm trước để giải quyết các vướng mắc hiện nay.
CHU THANH VÂN