Đổi đời cho đá “mồ côi”
+ Bài 1: Thổi sức sống cho…đá
Giữa đợt nắng nóng hơn 40 độ C đến sớm trong tháng 4 này, chúng tôi ngược lên vùng bazan phía tây huyện Gio Linh. Dọc bên tỉnh lộ 74, nắng sớm như rót lửa muốn “nướng” quăn lều, lán của thợ chẻ đá. Mồ hôi người thợ cứ thế mà tuôn rơi, lẫn trong lớp bụi tàn, mạt của đá. Giữa tiếng mũi khoan, búa đục liên tục không ngừng nghỉ ấy, những người thợ vẫn cười tươi rói dù nhọc nhằn mưu sinh, bật lên niềm vui với nghề đã gắn bó bao năm qua. Nhìn lên đồi xanh mướt, và xa xa là ruộng lúa đang chín vàng ruộm, người thợ như trào dâng hồi nhớ về một thời gian lao ông bà, cha mẹ từ đồng bằng, vùng cát lên chinh phục vùng gò đồi chứa trữ lượng đá “khủng” này.
Nhiều xã vùng đồi Gio Linh đều có đá “mồ côi” nhưng Gio Hòa (cũ) được coi là “thủ phủ” đá “mồ côi” ở phía tây Gio Linh. Loại đá với những khối lớn nằm trên sườn và dưới chân đồi, chúng có vẻ biệt lập nên người ta ví von là đá “mồ côi” là vì thế. Trước những “bãi” đá, đồi nương ô nhiễm bom mìn, người dân đi kinh tế mới đã từng nhòa lệ, thốt lên lo lắng. Nhưng niềm hạnh phúc lớn lao được sống trong hòa bình, Bắc – Nam sum họp một nhà đã khiến người dân quyết tâm đồng lòng để tái thiết quê hương, xây dựng cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Thanh (75 tuổi) nhớ rõ, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều cuộc di dân từ đồng bằng lên vùng kinh tế mới huyện Hướng Hóa và phía tây huyện Gio Linh.
Thời gian khó ấy được lưu lại trong ký ức của biết bao người, trong đó với người dân lên vùng gò đồi bazan Gio Linh với cuộc chinh phục đá “mồ côi”. Đá lộ thiên, rồi đá nằm dưới tầng đất cạn, cây phải chen đá để vươn lên. Không còn cách nào khác phải “giải phóng” đất khỏi đá mới có thể mở rộng sản xuất, trồng trọt. Đá được thu gom, được xếp lên thành bờ, thành đống. Cứ hình dung đến những tảng đá lớn, nhỏ được di dời khỏi ruộng, đồi bền bỉ qua nhiều năm, xuyên thập kỷ là thấy rưng rưng, xúc động. Trong công cuộc đó, đá dường như cũng đổ mồ hôi theo khát vọng chinh phục cải tạo thiên nhiên của người dân kiên cường, không bao giờ bỏ cuộc.
Và đặc biệt ngay giữa muôn vàn thách thức, trở ngại, người dân nhận ra cơ hội, biến đá thành…cơm ngay trên đồi. Nghề chế tác đá là nghề lâu đời tại xã Gio Châu (huyện Gio Linh) nhưng với những người dân đi kinh tế mới, đó là một ý tưởng bất ngờ. Dù bỡ ngỡ, bà con vẫn rất hào hứng khi tìm được một lối mở trên hành trình khai hoang, lập nghiệp. Bên cạnh việc thu gom, di chuyển đá đến điểm tập kết, người dân mở “xưởng” ngay tại đồi để chế tác đá làm cối giã gạo, kê cột nhà ở. Một không khí lao động sôi sục và hăng say lan tỏa. Đội ngũ những người làm đá tăng dần lên và góp phần không nhỏ trong công cuộc “giải phóng” đá ra khỏi đồi, vườn.
Cùng với đôi tay khéo léo, sự kiên trì, bền bỉ, người dân Gio Hòa, Linh Hải, Gio Sơn và cả những địa bàn phía tây Gio Linh đã khiến sản phẩm từ đá “mồ côi” trở thành mặt hàng được ưa chuộng. Bằng sự lao động bền bỉ, diện tích nông nghiệp được mở rộng, người dân đã gieo, trồng được trên hàng trăm ha đất màu mỡ. Tiêu, cao su, khoai, môn, đậu, đỗ…cứ xanh mướt đồi vườn, biến một vùng đất chịu nhiều nặng nề của chiến tranh và khắc nghiệt thiên nhiên thành trù phú. Đời sống người dân từng bước đổi thay và đời đá dường cũng âm thầm đổi phận ngoạn mục. Không còn cảnh cô đơn, biệt lập, đá “mồ côi” đã được người thợ thổi vào sức sống mới, đóng góp vào xây dựng quê hương.
Phó Chủ tịch UBND xã Gio Sơn Tạ Văn Hòa (anh Hòa cũng là Phó Chủ tịch UBND xã Gio Hòa trước khi sáp nhập xã) là người nắm rất rõ về nghề chẻ đá địa bàn mình. Chia sẻ trong xúc động, anh cho biết: Không cam chịu, nhân dân đã chung lưng đấu cật, bền bỉ cải tạo thiên nhiên để lập làng, sản xuất, tạo dựng cuộc sống mới. Nghề làm đá xuất hiện từ đó nhưng thực sự trở thành nghề chuyên nghiệp phải đến năm 1986 khi nông trường cao su thành lập các đội sản xuất, trong đó có các đội làm đá để xây dựng công trình thì nghề đá phát triển lên một tầm khác. Trải qua thăng trầm, nghề làm đá trở thành nghề truyền thống và là lựa chọn của nhiều thanh niên, kế nghiệp cha, anh. Từ việc chẻ đá kê cột nhà, đến chẻ đá lô ca làm đường, rồi mở rộng làm đá hộc và hơn 10 năm nay chuyên về làm đá viên để xây dựng công trình văn hóa, lăng mộ, móng nhà…đáp ứng nhu cầu của người dân đã đưa nghề chẻ đá phát triển mạnh.
Điều đặc biệt hơn cả, từ một nghề mưu sinh, nghề chẻ đá đã được chăm lo, xây dựng thành nét văn hóa độc đáo trên vùng tây Gio Linh bằng lễ hội được đón đợi mỗi khi xuân về.
Bảo Hà (còn nữa)