Đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh
Ngày 2-8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ. Cuộc họp nhằm phân tích, đánh giá kết quả sau một năm rưỡi triển khai chương trình hành động của Chính phủ (tại Nghị quyết 27/NQ-CP) thực hiện các Nghị quyết 05 của T.Ư, Nghị quyết 24 của Quốc hội về tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên BCĐ nhấn mạnh đến một số yếu tố mang tính động lực mới cho tăng trưởng, đó là đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo. Và điều quan trọng là các định hướng này phải được cụ thể hóa để đi vào cuộc sống.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những tồn tại về cơ chế, chính sách, pháp luật hiện nay kìm hãm thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, vấn đề thể chế thị trường về yếu tố sản xuất chậm phát triển. Theo Thủ tướng, nguyên lý của tái cơ cấu nền kinh tế là phải phát huy vai trò của cả Nhà nước và cả thị trường. Thị trường phải có sức mạnh tự thân có thể tái cơ cấu nền kinh tế một cách tự nhiên. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tạo sự lành mạnh và đồng bộ, liên thông giữa các loại thị trường.
Về nhiệm vụ tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, động lực để thực hiện tái cơ cấu là vai trò của thể chế, chính sách và pháp luật. Thứ hai là vai trò động lực của kinh tế tư nhân. Vai trò động lực của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do. “Không có thị trường mới trong tình trạng sản xuất của Việt Nam dư thừa thế này thì không thể phát triển được”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò động lực của khoa học công nghệ mà nền tảng là giáo dục đào tạo, đặc biệt là chiến lược 4.0.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, “phải xác định đây là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương”. Từ đó cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện thực chất, hiệu quả hơn, để tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Thủ tướng nhấn mạnh đây cũng là yếu tố quyết định nền kinh tế nước ta bước vào quỹ đạo phát triển bền vững, tránh tụt hậu.
Thủ tướng yêu cầu BCĐ tích cực hơn, đôn đốc phối hợp với các bộ, ngành, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn để tái cơ cấu đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn. Thủ tướng giao Bộ Công Thương cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm, thương hiệu mạnh, cạnh tranh trong nước và quốc tế.
B.T – T.T