Đòi nợ không đúng cách

Thứ năm, 20/04/2017 10:52

(Cadn.com.vn) - Câu chuyện đòi nợ không đúng cách của Phan Minh Hiền (1995) và Phạm Minh Huy (1997, trú Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) mà TAND Q. Thanh Khê đưa ra xét xử vào ngày 17-4 một lần nữa là bài học chung cho tất cả mọi người...

Không ít người nghĩ đơn giản, khi cho người khác vay mượn mà chẳng may người ta không có tiền trả hay người ta cố tình chây ì để... chạy nợ thì cứ đến nhà lấy đồ để “gỡ gạc” lại phần vốn mình đã bỏ ra. Và, thực tế cũng từ các suy nghĩ thiển cận này khiến cho nhiều người dở khóc dở cười vì vướng vào vòng lao lý. Câu chuyện của Hiền và Huy cũng xuất phát từ món nợ 3 triệu đồng mà bà Nguyễn Thị Hoa (1975, trú P. Tam Thuận, Thanh Khê, Đà Nẵng) nợ mẹ mình trước đó. Thấy bà Hoa không trả tiền đúng thỏa thuận trước khi vay là 100 ngàn đồng/ngày, nhiều lần liên lạc với bà Hoa không được nên ngày 31-7-2016 Hiền rủ em vợ của mình (tức Huy) cùng đến tìm bà Hoa.

Theo Hiền khai, khi cùng em vợ đến nhà không thấy bà Hoa nên cả hai đã đứng đợi ở ngoài đường. Khi bà Hoa đi làm về Hiền là người chủ động đến đòi tiền đồng thời giật lấy túi xách của bà Hoa để kiểm tra xem có tiền hay không. Cũng vì không có tiền nên cả hai lời qua tiếng lại ồn ào, Hiền đề nghị bà Hoa nếu không trả tiền thì Hiền sẽ lấy chiếc xe máy bà đang đi về, chừng nào bà có đủ tiền trả nợ thì đến lấy xe về. Thấy tình hình căng thẳng vì chẳng ai nghe ai, Huy tiến đến cầm một tuýp sắt đánh vào đầu xe máy làm vỡ đèn. Hiền cho rằng, bà Hoa là người chủ động đưa xe máy cho bị cáo chứ không phải bị cáo tự lấy xe, thực tế lúc này chìa khóa vẫn nằm trong tay bà Hoa. Thậm chí, khi bị cáo điều khiển chiếc xe của bà Hoa, bà còn dặn với theo “cẩn thận kẻo rớt chìa khóa”. Chính vì vậy bị cáo khẳng định, cáo trạng nêu “… do bà Hoa quá lo sợ mà bà Hoa buộc phải đưa chìa khóa xe” là không đúng. Cũng theo bị cáo, lúc xảy ra sự việc trong sân nhà bà Hoa còn có chồng (đang bế con) và hai đứa con trai của bà Hoa (15 và 17 tuổi) đứng; trên gác còn có anh trai của chồng bà Hoa… như vậy thì không thể nói bà Hoa không thể cầu cứu hay mất khả năng chống cự…

Đối với tuýp sắt mà Huy dùng đánh vào xe của bà Hoa, bị cáo khai đó là dụng cụ làm nghề sửa xe máy lưu động của bị cáo luôn luôn có trong xe. Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi nếu là dụng cụ sửa xe thì phải cất trong cốp xe hay để vào một vị trí nào đó tại sao lại để ngay dưới chân, phải chăng đã có sự chuẩn bị từ trước thì bị cáo không trả lời. Có mặt tại tòa, bà Hoa với vai trò người bị hại trong vụ án cho hay, do hoàn cảnh khó khăn nên thông qua mẹ bị cáo, bà có mượn bị cáo số tiền 3 triệu đồng để đầu tư vào việc bán xôi. Tuy nhiên, sau thời gian bán thấy không có lời nên bà nghỉ bán và vì vậy không có tiền để trả đúng hẹn cho Hiền. Bà cũng đã nhắn tin cho mẹ Hiền xin “khất” ít hôm nhưng không hiểu lý do gì Hiền và Huy xông đến nhà. Theo bà, hành vi của Hiền và Huy là dùng vũ lực uy hiếp làm bà khiếp sợ buộc phải đưa xe chứ không hề có việc tự nguyện. Cũng theo lời bà Hoa khai, Huy đã dùng tuýp sắt đánh nhiều cái vào xe chứ không phải một cái, thậm chí Huy còn giơ cao định đánh vào đầu bà nhưng may bà tránh kịp.

Nói về việc chồng và các con của bà chứng kiến tại sao bà không gọi để được ứng cứu kịp thời, bà cho rằng vì thấy Hiền và Huy quá hung hãn sợ ảnh hưởng đến chồng con nên bà không gọi. Trả lời HĐXX về việc chồng bà là người chứng kiến vụ việc từ đầu đến cuối nhưng lại không có một động thái nào khi thấy vợ gặp chuyện, liệu có bất thường, không đúng với thực tế diễn biến vụ việc? Về điều này, bà Hoa lý giải do chồng bà trên tay còn bế con còn nhỏ đang khóc vì sợ nên không thể làm gì khác ngoài việc đứng bất lực nhìn Hiền và Huy lấy xe đi.

Vì thiếu hiểu biết pháp luật, Hiền và Huy phải trả giá.

Với hành vi đe dọa, dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản nên VKSND truy tố Hiền và Huy tội “Cướp tài sản” với mức hình phạt đề nghị Hiền và Huy cùng mức án 3-4 năm tù. Tham gia bào chữa cho hai bị cáo, luật sư (LS) không thống nhất với VKSND về tội danh truy tố. Theo đó, LS viện dẫn các điều luật thể hiện hành vi của hai bị cáo chỉ là “Cưỡng đoạt tài sản” chứ không phải “Cướp tài sản”. Bên cạnh đó, LS cũng cho rằng chính cơ quan điều tra trong quá trình điều tra cũng đã có những kết luận mâu thuẫn nhau. Trong đó, lúc đầu quyết định khởi tố bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản và cũng được căn cứ trên những điều luật rất rõ ràng nhưng sau đó không lâu lại bác những căn cứ đó và chuyển thành tội “Cướp tài sản”. Theo LS, hành vi cướp phải là hành vi dùng vũ lực, đe dọa  dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được… còn trường hợp của bà Hoa với bị cáo Hiền và Huy đã có hơn 15 phút nói chuyện, cãi qua về, bên cạnh bà Hoa còn có những người khác có thể can thiệp… nên không thể truy tố bị cáo tội cướp.

Tuy nhiên, ý kiến của LS đã bị VKSND bác bỏ và HĐXX không chấp nhận. Hành vi của Hiền và Huy là đã sử dụng hung khí nguy hiểm, uy hiếp buộc bà Hoa phải đưa xe theo kiểu cướp một cách trắng trợn. Trong trường hợp này, bà Hoa chỉ có thể nghe theo chứ không thể làm khác được nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng. Với hành vi đòi nợ thiếu hiểu biết pháp luật này Hiền phải trả giá bằng mức án 4 năm và Huy 3 năm 6 tháng tù về tội “Cướp tài sản”.

Vụ án anh rể em vợ vào tù vì đi đòi nợ này một lần nữa khiến mọi người nhớ đến một vụ án cả nhà cùng bị truy tố về tội “Cướp tài sản” và về sau chuyển tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra cách đây mấy năm cũng vì đi đòi nợ không đúng cách. Có thể nói chỉ vì một phút nóng lòng, thiếu hiểu biết để rồi 3 triệu đồng đó phải đánh đổi 3 - 4 năm trong tù thì quả là kết đắng… Đây là bài học không chỉ cho hai bị cáo mà còn cho nhiều người khác đang hành nghề cho vay mượn tiền.

Trang Trần