Đổi thay ở một vùng quê nghèo

Thứ tư, 23/12/2015 10:33

(Cadn.com.vn) - Từ một vùng quê nghèo khó, nơi được xem là vùng “rốn lũ” của H. Đại Lộc (Quảng Nam), xã Đại Minh hôm nay đang đổi thay mạnh mẽ với những ngôi nhà tầng đua nhau mọc lên, tô điểm thêm cho bức tranh nông thôn mới của xã. Đây là kết quả của mô hình hỗ trợ thanh niên đi xuất khẩu lao động do Đoàn thanh niên xã thực hiện trong nhiều năm qua.

Thôn Phước Bình được người dân ở xã Đại Minh gọi với cái tên đặc biệt là “thôn Việt Kiều” bởi toàn thôn có 50 hộ nhưng có tới 40 thanh niên đi xuất khẩu lao động. Gia đình anh Lê Đức Thảo trước đây rất khó khăn, cha mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi 3 anh em. Năm 2011, anh Thảo được hỗ trợ tư vấn và đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, do không phải qua nhiều khâu trung gian nên toàn bộ chi phí chỉ mất khoảng 40 triệu đồng, trong khi mức lương công nhân cơ khí của anh Thảo được gần 40 triệu đồng/tháng. Sau 5 năm lao động ở nước ngoài, giờ đây anh Thảo đã xây dựng được một ngôi nhà mới khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và có một số vốn để phát triển kinh tế ngay tại địa phương.

Xã Đại Minh hiện có hàng trăm thanh niên đã và đang đi xuất khẩu lao động, mang lại một nguồn thu lớn phát triển kinh tế địa phương. Chia sẻ về ý tưởng hỗ trợ thanh niên đi xuất khẩu lao động, anh Ngô Bá Kông, Bí thư Đoàn thanh niên xã Đại Minh cho biết bản thân trước đây đã từng đi xuất khẩu lao động nên anh hiểu rõ hiệu quả kinh tế của chương trình này. Sau khi xin ý kiến và nhận được sự đồng tình cao của Đảng ủy xã Đại Minh, Đoàn thanh niên xã đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể về hỗ trợ xuất khẩu lao động dành cho thanh niên. Đồng thời thông qua đài truyền thanh cũng như lồng ghép vào các buổi sinh hoạt đoàn, sinh hoạt ở khu dân cư để tuyên truyền phổ biến rộng rãi nội dung này đến người dân.

Xuất khẩu lao động, nguồn lực quan trọng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn
(TRONG ẢNH: Những con đường bê tông khang trang ở xã Đại Minh).  

Xác định đi xuất khẩu lao động người dân phải bỏ ra một số tiền lớn và tâm lý chi phối bởi những thông tin lừa đảo xuất khẩu lao động trên báo chí nên anh Ngô Bá Kông đã trực tiếp đi gõ cửa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở thành phố Đà Nẵng để tìm các đối tác tin cậy. Ngoài ra, Đoàn thanh niên xã đã làm việc trực tiếp với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện và Phòng quản lý xuất nhập cảnh CA tỉnh Quảng Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên có thể dễ dàng vay vốn ngân hàng, hoàn thành thủ tục, giấy tờ, hồ sơ đi xuất khẩu lao động một cách nhanh nhất. Từ những thanh niên đầu tiên đi xuất khẩu lao động thành công sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đã mở ra một con đường lập thân, lập nghiệp mới cho thanh niên ở xã Đại Minh tiếp bước. Quan trọng hơn, thông qua chương trình hỗ trợ này đã làm thay đổi suy nghĩ lâu nay trở thành thói quen, lối mòn của nhiều bạn trẻ nếu không đậu đại học thì đi học trung cấp, cao đẳng theo phong trào nhưng lại không biết sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp.

Sau khi đi xuất khẩu lao động về, nhiều thanh niên ở xã Đại Minh đã tích góp được vốn để mở cửa hàng buôn bán, phát triển những mô hình trang trại chăn nuôi. Hiện nay, xã Đại Minh đã thành lập được một tổ hợp tác thanh niên từng đi xuất khẩu lao động để cùng góp vốn nuôi thỏ, dế, rắn mối và thả cá, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ xuất khẩu lao động để phát triển kinh tế của địa phương. Ông Võ Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết, số lượng thanh niên đi xuất khẩu lao động nước ngoài của xã hiện đang dẫn đầu H. Đại Lộc. Đây là một nguồn lực quan trọng góp phần làm thay đổi đời sống người dân trong những năm gần đây. Thu nhập bình quân của xã hiện đạt 25 triệu đồng/người/năm. Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 14% thì đến cuối năm 2015 con số này chỉ còn 3,9%. Xã Đại Minh cũng vừa cán đích đạt chuẩn xã nông thôn mới năm nay.

Đỗ Trưởng