Đối thoại Shangri-La: Trung Quốc tuyên bố tìm kiếm đối thoại thay vì đối đầu

Thứ hai, 05/06/2023 11:35
Ngày 4-6, Phát biểu tại Hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 đang diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc cho rằng tâm lý Chiến tranh Lạnh đang trỗi dậy ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mặc dù Bắc Kinh tìm kiếm đối thoại thay vì đối đầu.

Ông Lý Thượng Phúc đã cáo buộc "một số quốc gia" tăng cường chạy đua vũ trang và cố ý can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tâm lý Chiến tranh Lạnh đang trỗi dậy và làm gia tăng đáng kể rủi ro an ninh. Ông Lý Thượng Phúc cũng cảnh báo việc thiết lập các liên minh quân sự "giống như NATO" ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nói rằng những liên minh này sẽ đẩy khu vực vào "vòng xoáy" xung đột. Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, châu Á-Thái Bình Dương ngày nay cần sự hợp tác cởi mở và toàn diện, không phải là kết thân theo nhóm nhỏ.

Trong phát biểu trước đó ngày 3-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng việc Bắc Kinh từ chối tổ chức đàm phán bên lề cuộc họp ở Singapore lần này đã làm suy yếu nỗ lực duy trì hòa bình trong khu vực. Đáp lại, một quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc cho rằng chính Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc phá vỡ đối thoại khi tăng cường trừng phạt các quan chức Trung Quốc và gây bất ổn ở châu Á-Thái Bình Dương với sự hiện diện quân sự của họ.

Trả lời các phóng viên bên lề Đối thoại Shangri-La, Trung tướng Cảnh Kiến Phong nói: "Mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ đang gặp khó khăn và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Mỹ". Ông nhất mạnh: "Trung Quốc coi trọng việc phát triển quan hệ quân sự Trung - Mỹ, và các tương tác và liên lạc của chúng tôi chưa bao giờ bị đình chỉ".

Trong ngày 4-6, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink sẽ đến Trung Quốc trong chuỗi các cuộc gặp mà Washington nỗ lực sắp xếp nhằm ngăn mối quan hệ giữa hai nước càng trở nên xấu hơn.

Indonesia đề xuất kế hoạch hòa bình cho Ukraine

Hôm 3-6, tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia đã đề xuất một kế hoạch hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine, kêu gọi thiết lập khu phi quân sự và tổ chức trưng cầu ý dân tại vùng lãnh thổ tranh chấp.

Cụ thể, ông Prabowo đề xuất một kế hoạch nhiều điểm, trong đó có lệnh ngừng bắn tại vị trí hiện tại của cả hai bên tham gia xung đột và thiết lập một khu phi quân sự. Để thiết lập khu phi quân sự này, hai bên sẽ rút lui 15 km từ vị trí tiền phương của mỗi bên. Theo ông Prabowo, khu phi quân sự cần được lực lượng gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc triển khai giám sát. Ngoài ra, Liên hợp quốc cần tổ chức trưng cầu ý dân để xác định một cách khách quan mong muốn của đa số người dân ở các khu vực tranh chấp khác nhau.

Theo ông Subianto, các biện pháp mà ông nêu đã chứng minh tính hiệu quả trong lịch sử khi ông lấy ví dụ tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Ông nói: "Đúng vậy, cuộc xung đột ở Triều Tiên vẫn cần một giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, trong 50 năm, ít nhất chúng ta cũng có một chút hòa bình, điều này tốt hơn nhiều so với sự hủy diệt hàng loạt và giết hại những người vô tội... Và chúng ta đừng đổ lỗi cho bất kỳ bên nào ở đây: luôn có hai phiên bản của cuộc xung đột. Và mỗi bên đều khẳng định họ đúng".

Đáp lại đề xuất của Indonesia, Ukraine đã từ chối, lập luận rằng kế hoạch của Jakarta sẽ chỉ phục vụ lợi ích của Moscow. Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông Mikhail Podoliak ngày 3-6 bình luận trên mạng xã hội Twitter rằng lộ trình của Indonesia "giống như một bản đề xuất song sinh của Nga". Cố vấn Podolia nhắc lại quan điểm của Kiev rằng "chỉ có một đề xuất thực tế" là Nga "rút khỏi lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cũng nhấn mạnh rằng Nga nên bàn giao các khu vực mới được sáp nhập mà Kiev cho là chiếm đóng trái phép. Ông khẳng định không thể có kịch bản thay thế nào khác.

Trong khi đó, cũng tại Đối thoại Shangri-La, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell cho rằng xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc sau vài tuần nếu phương Tây ngừng hỗ trợ quân sự cho nước này. Ông Borrell nói: "Nếu chúng tôi chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine, chiến tranh sẽ kết thúc sau vài tuần". Tuy nhiên, ông Borrell lại nhấn mạnh rằng phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine vì họ muốn có hòa bình ở quốc gia Đông Âu này.

Lãnh đạo của hơn 20 cơ quan tình báo lớn họp kín

Ngày 4-6, các quan chức cấp cao từ hơn 20 cơ quan tình báo lớn trên thế giới đã tổ chức cuộc họp kín bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 20.

Các cuộc họp như vậy thường được Chính phủ Singapore chủ trì và tổ chức kín đáo tại một địa điểm riêng biệt song song với Đối thoại Shangri-La. Trước đó, chưa có báo cáo nào về việc sẽ diễn ra cuộc họp này bên lề Đối thoại Shangri-La trong năm nay. Kênh truyền hình Channel NewsAsia dẫn nguồn tin cho biết đây là cuộc họp cố định quan trọng trong chương trình nghị sự "chìm" quốc tế.

Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ, bà Avril Haines tham dự sự kiện trong khi Trung Quốc nằm trong số các quốc gia khác cũng có mặt, bất chấp căng thẳng giữa hai siêu cường. Người đứng đầu cơ quan thu thập thông tin tình báo ở nước ngoài của Ấn Độ (RAW) Samant Goel cũng tham dự cuộc họp trên.

Theo TTXVN