Đội viên du kích Ba Tơ ngày ấy

Thứ bảy, 14/03/2015 08:50

(Cadn.com.vn) - Trong số 28 đội viên đầu tiên của Đội du kích Ba Tơ, số người còn sống hiện nay còn rất ít. Tuy nhiên, kỷ niệm về khởi nghĩa Ba Tơ vẫn đầy ắp trong các nhân chứng và gia đình mà chúng tôi đã gặp.

Người Chính trị viên anh hùng

Căn nhà Pháp cổ xưa, khá giản dị và yên tĩnh ở 32-Phan Đình Phùng (Đà Nẵng) là nơi ở của Trung tướng Anh hùng LLVTND Nguyễn Đôn, nguyên Chính trị viên Đội du kích Ba Tơ, nguyên Tư lệnh Quân khu 5; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN... 19 tuổi, ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương, bị Pháp bắt, đày lên căng an trí Ba Tơ. Tại đây, ông cùng với những đồng chí trung kiên lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ (tháng 3-1945) và sau đó khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi (tháng 8-1945).

Ở nơi bị giam lỏng, người thanh niên mới 24 tuổi đã sáng tạo in tài liệu cho Đảng bằng cách qua mắt địch, sắm chiếc thuyền con trên sông Liên, tự mày mò in hàng trăm trang tài liệu kêu gọi yêu nước; lặn lội lên núi Cao Muôn cắt máu ăn thề với già làng, thuyết phục đồng bào nơi đây ủng hộ Việt Minh, xây dựng Ba Tơ thành khu căn cứ của đội du kích và là phên giậu vững vàng phía Tây Quảng Ngãi. Cuốn hồi ký "Bình minh Ba Tơ" của ông là tư liệu sống đầy đủ về cuộc khởi nghĩa hào hùng của 70 năm trước... Người lính trường chinh tuổi 97 không còn khỏe để về Ba Tơ hàng năm nhưng mỗi khi nhắc đến Ba Tơ lòng lại xúc động trào dâng.

Trung tướng Nguyễn Đôn (thứ hai từ phải sang), Đại tá Phạm Hương (bìa trái)
tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày khởi nghĩa Ba Tơ (3-2010).

Từ Ba Tơ đến Điện Biên

Đại tá Phạm Hương (96 tuổi), hiện ở P.Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), tuy trí nhớ có giảm nhưng kỷ niệm về Ba Tơ với ông vẫn nguyên vẹn như hôm qua. Ông kể: "Để đảm bảo lương thực thực phẩm cho đội du kích, tôi trở thành chiến sĩ quân lương. Nhận nhiệm vụ tui phấn khởi lắm, bí mật trở về đồng bằng, tìm gặp cơ sở ở Nghĩa Hành, Mộ Đức, huy động dân đóng góp lương thực. Đồng thời, cùng với cơ sở thành lập đội thuyền chuyển gạo, muối mắm, cá khô vượt sông Liêng đến Bến Buông (Ba Thành) tiếp tế lương thực". Ra Bắc, làm cán bộ tổ chức của Bộ Tổng Tham mưu, ông Phạm Hương được Đại tướng Võ Nguyên Giáp "chấm": "Cậu  quen gian khổ, lên Điện Biên là phù hợp nhất". Ông làm Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư Đảng ủy tiền phương của Bộ Tổng Tham mưu tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này ông đi B, bị thương ra Bắc và làm Chính trị viên Tỉnh đội Hải Hưng cho đến khi nghỉ hưu.

5 anh em trong Đội Du kích Ba Tơ

Đến thăm nhà Đại tá Võ Minh Ấn, nguyên Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân khu 5 ở 50A-Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng, con trai Trung tướng Võ Thứ, có tấm ảnh 5 anh em trong gia đình từng tham gia đội du kích Ba Tơ ngày đầu thành lập. Ở làng Lâm Lộc, Tịnh Hà, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi có gia đình ông Võ Cừ giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Năm 1942-1945, gia đình ông Võ Cừ có 4 người bị thực dân Pháp đày đi căng an trí Ba Tơ gồm con trai là Võ Phấn, người em ruột là Võ Nhíp, con rể là Nguyễn Cừ (Nhạn) và con của người em gái ông là Lê Đồng. Dù bị địch giam giữ, kiểm tra gắt gao nhưng các thành viên gia đình cùng các đồng chí của mình kiên trì xây dựng lực lượng vận động quần chúng, khẩn trương chuẩn bị vũ trang cướp chính quyền. Ngày 9-3-1945, Nhật hất cẳng Pháp, ông Võ Cừ bảo người con mình là Võ Huynh lên báo tin cho anh trai và các đồng chí ở Ba Tơ biết. Khi lên đến nơi, Võ Huynh được các đồng chí trong ban lãnh đạo bổ sung ngay vào ban khởi nghĩa. Ngày 11-3-1945, khởi nghĩa Ba Tơ thành công, chính quyền cách mạng  được thành lập. Đội du kích Ba Tơ ra đời. Như vậy, trong số 17 người tham gia đánh chiếm đồn Ba Tơ đêm 11-3-1945 thì gia đình ông Võ Cừ đã có 5 người, trong số đó có 4 người tham gia trong trung đội du kích Ba Tơ đầu tiên với 28 tay súng là Võ Thứ, Võ Nhíp, Nguyễn Nhạn (Cừ) và Lê Đồng.

Là những hạt giống đỏ, gia đình ông Võ Cừ đã có nhiều đóng góp cho cách mạng. Ông Nguyễn Nhạn hi sinh tại Hội An năm 1946, các thành viên khác của gia đình đã tập kết ra Bắc năm 1954. Vào lại miền Nam hoạt động từ rất sớm, năm 1964, ông Võ Phấn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Còn ông Võ Thứ (tức Võ Huynh) sau này là Trung tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 5, Phó Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng. 5 cựu du kích Ba Tơ ngày ấy đều đã mất, nhưng con cháu của họ nhiều người tham gia binh nghiệp, có người giữ những chức vụ cao trong Đảng, Nhà nước.

Hồng Vân