Đồn là nhà, biên giới là quê hương
Từ lâu, phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" như là "mệnh lệnh" trái tim, thôi thúc các chiến sĩ quân hàm xanh Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk vượt mọi gian khó để cùng bà con vùng biên xây dựng, phát triển biên cương ngày càng giàu mạnh.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Đặng Hoàng Long. |
Nồng ấm tình quân - dân
Đối với nhân dân như tình thân ruột thịt, thời gian qua, các chiến sĩ Biên phòng đã không ngừng hỗ trợ vật chất, tinh thần để góp phần giúp bà con các huyện biên giới của tỉnh Đắk Lắk có cuộc sống bớt nhọc nhằn.
Trên dải đất biên cương nắng gió, bước chân của người lính quân hàm xanh in dấu trên mọi nẻo đường. Các anh tích cực phối hợp, vận động bà con lựa chọn mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt. Đồng thời sẵn sàng góp công, góp của để các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả tốt nhất. Tiêu biểu như: trồng lúa nước ở buôn Đang Phốk, xã Krông Na; nuôi bò vỗ béo, nuôi heo rừng lai ở xã Krông Na (H. Buôn Đôn) và xã Ia R'vê (H. Ea Súp); trồng sả lấy tinh dầu, nuôi dê, vịt trời ở xã Ia R'vê và xã Ia Lốp (H. Ea Súp); nuôi vịt, trồng cây ăn trái ở xã Ea Bung (H. Ea Súp)... Đặc biệt, mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Ia Lốp (H. Ea Súp) là ví dụ điển hình thể hiện tình cảm quân - dân nồng ấm, đoàn kết.
Vườn cây trái tươi xanh của gia đình ông Đặng Hoàng Long (xã Ia Lốp) nằm giữa miền đất cằn cỗi, nắng gió. Đây là thành quả thấm đẫm mồ hôi, công sức của gia đình và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H'leo sau 12 năm kiên trì, cố gắng. Có lẽ vì vậy nên mỗi lần nhắc đến Bộ đội Biên phòng, ông Long luôn dành cho các anh sự trân quý, yêu thương như người thân gia đình.
Năm 2007, gia đình ông Long rời quê hương Bến Tre để đến vùng biên Ea Súp lập nghiệp. Chật vật mưu sinh, vợ chồng ông được Bộ đội Biên phòng động viên trồng thanh long ruột đỏ - loại cây trồng hoàn toàn mới mẻ ở vùng đất này. Nhận thấy bộ đội có hiểu biết về cây trồng, kỹ thuật chăm bón, lại nhiệt tình, vợ chồng ông đã trồng thử nghiệm trên 8 sào đất, rồi dần mở rộng lên 500 trụ thanh long, xen lẫn một số cây ăn trái: ổi, nhãn... Nhờ được chăm sóc hợp lý, thanh long ruột đỏ không những sinh trưởng, phát triển tốt mà còn sớm cho quả to, căng mọng, ngọt lịm. Đặc sản hiếm này được gia đình bán lẻ tại chỗ khoảng 15 - 20 nghìn đồng/ký, góp phần mang về thu nhập cho gia đình khoảng 80 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê chuyện trò cùng con nuôi - cháu Phạm Vũ Đình Hiếu. |
Gieo tin yêu cho học sinh đặc biệt khó khăn
Mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" là chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhằm giúp đỡ những cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn các xã biên giới. Tại tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2019, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao các đồn nhận nuôi 4 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Để lựa chọn đúng người, đúng đối tượng, trước đó, các đơn vị đã phối hợp chính quyền địa phương khảo sát thực tế, nắm chắc hoàn cảnh các cháu sẽ nhận nuôi, đồng thời gặp gỡ, thống nhất với người thân, gia đình các cháu. Hiện nay có 4 Đồn Biên phòng đang chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu. Cụ thể, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê nhận nuôi cháu Phạm Vũ Đình Hiếu (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Ea Bung, H. Ea Súp), mồ côi cha mẹ từ nhỏ, hai anh em ở với bà ngoại nhưng bà cũng vừa mất. Đồn Biên phòng Sêrêpốk nhận nuôi cháu Y Phú Mlô (dân tộc Êđê, 6 tuổi) đang ở với gia đình ông ngoại do mẹ mất sớm, bố bỏ đi nơi khác sinh sống. Đồn Biên phòng Ia R'vê nhận nuôi cháu Đinh Tiến Lợi (9 tuổi), bố mất sớm, nhà đông anh chị em trong khi mẹ không có việc làm ổn định, hay đau yếu. Đồn Biên phòng Ea H'leo nhận nuôi cháu Hà Duy Long (11 tuổi), mẹ mất sớm, bố đi làm ăn xa ít về, cháu ở với gia đình ông bà nội...
Theo chương trình, các cháu sẽ được nuôi dưỡng từ tháng 9-2019 đến khi học hết lớp 9. Sau đó, các đơn vị sẽ tiếp tục đỡ đầu theo chương trình "Nâng bước em đến trường" với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng. Toàn bộ kinh phí nuôi dưỡng các cháu do cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đóng góp.
Có dịp đến nhà thăm hai anh em Phạm Vũ Đình Hiếu mới thấy được phần nào ý nghĩa nhân văn của mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng". Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Hiếu và anh Tiến Đạt ở với bà từ nhỏ. Bà đã có tuổi, không công việc, trong khi Đạt mắc bệnh tim bẩm sinh, hay đau ốm, khiến cuộc sống của gia đình thêm heo hắt. Đồng cảm với ba bà cháu, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê nhận đỡ đầu Tiến Đạt theo chương trình "Nâng nước em đến trường". Ngoài ra, hằng tháng còn hỗ trợ thêm gia đình 15 kg gạo. Vừa qua, bà đột ngột qua đời, hai đứa trẻ vốn thiếu thốn đủ bề, nay lại phải tự lo cơm nước, nhà cửa, giặt giũ... Đón Hiếu về chăm sóc, các cán bộ Đội công tác địa bàn của Đồn ân cần lo từ miếng ăn, giấc ngủ, chỗ sinh hoạt thật tươm tất. Các anh hy vọng sự chân thành của người lính sẽ là chỗ dựa tinh thần giúp Hiếu ngày càng rắn rỏi, mạnh mẽ trước cuộc sống.
Tương tự hoàn cảnh của Hiếu và Đạt, em Y Phú M'lô (6 tuổi, dân tộc Êđê) lớn lên thiếu hơi ấm của bố mẹ. Mồ côi từ nhỏ, Y Phú M'lô ở với ông bà ngoại tại xã Krông Na, H. Buôn Đôn. Nhận nuôi em, Đồn Biên phòng Sêrêpốk đã bố trí nơi học tập, sinh hoạt cho em tại Trạm Quân - dân y kết hợp của buôn Drang Phốk. Sống cùng những người cha mang quân hàm xanh, Y Phú được chăm lo chu đáo về mọi mặt. Không chỉ được ưu tiên căn phòng được trang trí ngập tràn sắc xanh, bàn ghế học tập mới, Y Phú còn được cha nuôi chở lên trung tâm xã mua sắm quần áo mới để đón mừng năm học 2019 - 2020. Hy vọng rằng, niềm tin yêu này sẽ là động lực để chàng trai bé nhỏ vững vàng hơn vào tương lai phía trước...
THI LAN