Đón Tết ở Sài Gòn
(Cadn.com.vn) - Mấy tháng trước, khi tôi quyết định đặt vé máy bay để vào Sài Gòn vào dịp Tết Bính Thân đã nghe không ít lời can ngăn. Đứa bạn thân thì bảo: "Khùng à, Tết người ta từ Sài Gòn về quê để sum họp gia đình, còn mi lại đi ngược. Nghe nói Tết trong đó đường phố trống trơn, có gì trong đó mà vô...". Còn mấy đứa em thì đùa: "Chắc là định trốn Tết ở Đà Nẵng chứ gì...". Thôi kệ, ai nói gì thì nói, vé khứ hồi đã mua, mà quan trọng hơn cả là tôi muốn thử một lần thay đổi môi trường, thay đổi bản thân trong dịp Tết xem sao. Vậy là đúng trưa ngày 29 Tết, cả gia đình tôi đã có mặt ở Sài Gòn. Đường phố không vắng vẻ như tôi tưởng, chỉ là thoáng đãng hơn rất nhiều so với cảnh ùn ùn, tấp nập thường ngày. Mặc dù lưu lượng người tham gia giao thông đã giảm khoảng 70% so với mấy ngày trước do phần lớn về quê đón Tết ở các tỉnh phía Bắc, ở miền Tây, miền Đông thì những người dân Sài Gòn hoặc những người ở lại Sài Gòn đón Tết cũng đủ làm nên một bức tranh sinh động của những ngày cuối năm.
Không như ở Đà Nẵng, chợ hoa Tết có thể kéo dài đến gần giao thừa, còn ở Sài Gòn, các khu vực bán hoa tập trung thường là các công viên, khu vực trung tâm do đó việc mua bán hoa buộc phải kết thúc vào trưa ngày 29 Tết để thành phố chuẩn bị cho các hoạt động vui chơi, giải trí của nhân dân trong những ngày Tết. Có nhiều người vì bận dọn dẹp nhà cửa hoặc cố chờ đến giờ phút chót để mua hoa với giá rẻ thì đã phải đi về tay không. Một người em họ của tôi cũng vì dọn nhà mà ra trễ nhưng cũng may là còn kịp mua được một cây quất không được đẹp lắm và một cặp chậu hoa mồng gà chưng trước nhà gọi là có hoa, có quả trong mấy ngày Tết.
Giờ phút được mọi người chờ đợi nhất là giao thừa để đi xem bắn pháo bông (pháo hoa). Năm nay, Sài Gòn tổ chức 4 điểm bắn pháo hoa chào đón năm mới, trong đó có một điểm bắn pháo hoa tầm cao tại đầu đường hầm sông Sài Gòn-hầm Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM là tầm cao để phục vụ một số địa điểm như: Phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Vân Đồn, bờ sông Sài Gòn đoạn hầm Thủ Thiêm. Các điểm còn lại bắn pháo hoa tầm thấp là: Công viên văn hóa Đầm Sen - Quận 11; khu Truyền thống Cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn - Gia Định (H. Củ Chi) và sân bóng đá H. Cần Giờ. Do ngại cảnh kẹt xe, gửi xe ngột ngạt ở khu vực trung tâm thành phố nên gia đình tôi chọn xem bắn pháo hoa tầm thấp tại Công viên Văn hóa Đầm Sen. Do phải lo kinh phí bắn pháo hoa nên công viên tổ chức bán vé tham quan với giá từ 50 ngàn đồng đến 90 ngàn đồng/người, còn nếu thêm phần ẩm thực thì trẻ em là 100 ngàn, người lớn từ 180 ngàn đến 250 ngàn đồng/người. Việc bắn pháo hoa được tổ chức ở cầu Cửu Khúc ở phía bên trong công viên nên chỉ những ai mua vé mới có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của pháo hoa, còn tôi và hàng ngàn người dân đứng bên ngoài tường rào công viên thì đành... chịu chết. Đúng giờ giao thừa, rõ ràng đã nghe những tiếng nổ đì đùng nhưng pháo hoa thì chẳng nhìn thấy gì vì bị những tán cây cao, những bảng hiệu to đùng che khuất, chỉ thỉnh thoảng vài đốm sáng lóe lên trông giống những tàn lửa trên một đám cháy nhỏ. Đã nhiều lần xem pháo hoa ở Đà Nẵng nên khi xem pháo hoa tầm thấp ở đây tôi thấy thất vọng. Nhiều người xung quanh có lẽ cũng trong tâm trạng như vậy nên đã bỏ về mặc dù pháo hoa mới bắn được vài phút.
Cảnh chen chúc thắp nhang tại chùa sau giờ giao thừa ở Sài Gòn. |
Sau khi xem pháo hoa, đa số người dân đổ về các chùa để cầu tài, cầu lộc, cầu bình an trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tại một ngôi chùa trên đường Trịnh Đình Thảo, tôi thật sự hoảng khi nhìn cảnh mỗi người một bó nhang trên tay, bó nào bó nấy cháy đùng đùng, người thì ken dày nên ai cũng phải giơ cao bó nhang khỏi đầu để không chạm vào người khác. Trong chùa có hàng chục điểm thắp nhang, từ ngoài sân vào đến bên trong chùa nên nhìn đâu cũng thấy cảnh người đứng sau cầm nhang vái lạy lưng người đứng phía trước. Cả không gian chùa mù mịt khói cay xè đến chảy nước mắt và mùi hương nước hoa nồng đến ngạt thở, vậy mà cứ lớp người này ra lại có lớp người khác đến, không dứt. Nhìn cảnh ấy nhiều người không khỏi băn khoăn, lo lắng về sự cố cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Sáng mồng Một Tết, theo phong tục truyền thống, tôi cùng một người chị bà con đến các chùa Quan Âm (đường Lê Lâm), chùa Bửu Quang (đường Quách Đình Bảo) và Miếu Bà Bình Long (đường Nguyễn Sơn, Q. Tân Phú). Vẫn là cảnh tấp nập thắp hương, khấn vái, xin lộc đầu năm, xin dương sao giải hạn. Miếu Bà Bình Long thờ Ngũ Vị Nương Nương (năm bà) có niên đại hơn 100 năm, theo như người chị tôi nói thì rất linh thiêng, mấy năm trước, khi còn buôn bán, sáng mồng Một năm nào chị cũng được chồng chở đến đây thắp nhang, gieo quẻ, năm nào được quẻ tốt hay quẻ xấu thì y như rằng năm đó việc làm ăn hoặc chuyện gia sự rất ứng nghiệm, vì thế chị tin ghê lắm. Khi chúng tôi đến đã gần trưa, khắp không gian của Miếu Bà, nơi nào cũng ken kín người, trên tay ai cũng cầm bó nhang cháy ngùn ngụt. Đông đúc nhất vẫn là nơi xin xăm, gieo quẻ, trong không gian khoảng hai chục mét vuông trước ban thờ Ngũ Vị Nương mà có đến hàng trăm người chen chúc để chờ được gieo quẻ, xin xăm, nét mặt ai cũng biểu hiện vẻ thành tâm. Ở đây có đến gần một chục bộ quẻ âm-dương và tương ứng là gần chục ống xăm nhưng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu của số người đông đúc nên cứ người này gieo quẻ thì người khác tranh thủ đặt lễ, thắp hương hoặc lắc ống xăm cho đến lúc 1 cây xăm trong ống rơi ra thì đọc hàng số viết trên đó rồi ra bàn chọn một tờ giấy có nội dung diễn giải về ý nghĩa của con số vừa xin được. Đây mới là lúc cảm xúc của mọi người được biểu hiện rõ nhất, người được quẻ tốt thì hớn hở, tươi tắn, người gặp quẻ xấu thì mặt buồn rười rượi, tâm trạng lo lâu. Bà chị tôi xin được quẻ "thượng kiết" nên cứ tủm tỉm cười suốt trên đường về nhà. Thích nhất trong những ngày Tết ở Sài Gòn là người dân rất thân thiện, nhiệt tình, cởi mở, các hàng quán mà tôi đã đến hầu như không lên giá. Tối mồng Một Tết, cả nhà tôi ghé ăn tại một quán "Bò Né" bình dân giá chỉ có 20 ngàn đồng/suất, chất lượng khá tốt (nếu ở Đà Nẵng vào ngày bình thường cũng khoảng 30 ngàn đồng) nhưng còn được chủ nhà đãi một chầu karaoke thả ga kèm những lời chúc tốt đẹp trong năm mới.
Mấy ngày Tết ở Sài Gòn qua thật nhanh, tôi cũng kịp đi thăm, chúc Tết họ hàng, đi chơi Hội hoa Xuân ở vườn Tao Đàn, tranh thủ đi cà- phê với mấy người bạn. Có người là bác sĩ, dược sĩ, giáo viên đã nghỉ hưu, họ lại biết rất nhiều câu chuyện về ông Nguyễn Bá Thanh của Đà Nẵng, nào chuyện ông bỏ tiền xây cầu, xây chùa, mạnh dạn mở những con đường lớn, góp phần rất lớn trong việc thay đổi diện mạo Đà Nẵng hôm nay. Họ đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông và hỏi thêm rất nhiều điều về ông, tôi đã thông tin cho họ những gì mình biết và ai cũng lấy làm tiếc là chưa kịp gặp mặt thì ông đã ra đi. Điều đó làm tôi cảm thấy rất tự hào và hãnh diện khi mình là một công dân Đà Nẵng.
K.Thanh