Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Indonesia: Chạy đua cứu trợ

Thứ ba, 02/10/2018 11:38

3 ngày sau trận động đất mạnh 7,5 độ Richter và sóng thần cao 3m tấn công đảo Sulawesi của Indonesia, thành phố Palu vốn có 350.000 người bị tàn phá nặng nề, và đang vật lộn để đối phó với thảm họa.

Lực lượng cứu hộ đưa một người sống sót ra khỏi đống đổ nát của một nhà hàng ở Palu.    Ảnh: CNN

Những ngôi mộ tập thể

Khoảng 2,4 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa, phát ngôn viên của Cơ quan quản lý thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết. Trong đó, khoảng 600 người đã nhập viện và hơn 48.000 người đã phải di tản.

Thi thể các nạn nhân được phủ trong những tấm bạt nằm la liệt trên đường phố, dưới nhiệt độ nóng bức của Indonesia, trong khi lực lượng cứu hộ đào bới các đống đổ nát tìm kiếm những người sống sót bị chôn vùi trong các tòa nhà đổ sập. Các quan chức lo sợ, số người chết tăng vọt trong những ngày tới và đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, đó là ban bố tình trạng khẩn cấp trong 14 ngày. Tại Poboya - trên những ngọn đồi phía trên thành phố biển Palu bị tàn phá - các tình nguyện viên đã chuẩn bị một ngôi mộ tập thể lớn để chuẩn bị cho 1.300 nạn nhân được nghỉ ngơi. Các nhà chức trách bắt đầu chôn cất một số trong số 844 người được xác nhận đã chết như một biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. 3 xe tải chất đầy xác chết được bọc trong túi màu cam, vàng và đen, AFP cho biết. Từng người một, họ bị kéo vào ngôi mộ khi máy đào đổ đất lên trên.

Các tình nguyện viên đã đào một ngôi mộ tập thể cho các nạn nhân của trận động đất ở Palu.   Ảnh: CNN

Cứu trợ quốc tế

Indonesia không còn xa lạ gì với thiên tai và Jakarta rất muốn chứng minh họ có thể đối phó với thảm họa lần này. Nhưng đã 3 ngày trôi qua, lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được một số khu vực hẻo lánh, thuốc men đang cạn kiệt và các nhân viên cứu hộ đang vật lộn với việc thiếu thiết bị hạng nặng để đưa các nạn nhân tuyệt vọng khỏi đống đổ nát của các tòa nhà bị sập.

Tổng thống Joko Widodo cho phép hàng chục cơ quan viện trợ quốc tế và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ. "Đêm qua, Tổng thống Jokowi đã cho phép chúng tôi chấp nhận sự giúp đỡ quốc tế để ứng phó khẩn cấp và cứu trợ thảm họa", quan chức chính phủ cao cấp Tom Lembong đã viết trên Twitter hôm 1-10.  "Hội Chữ thập đỏ Indonesia đang chạy đua để giúp đỡ những người sống sót, nhưng chúng tôi không biết họ sẽ tìm thấy gì ở đó", Jan Gelfand, người đứng đầu phái đoàn Hội Chữ thập đỏ quốc tế tại Indonesia, cho biết.

Liên minh Châu Âu (EU) đã hỗ trợ 1,7 triệu USD và Hàn Quốc 1 triệu USD, trong khi chính phủ Australia cho biết họ đang phối hợp với Indonesia để xác định các hỗ trợ cần thiết. Cứu trợ bị chậm chạp, trì hoãn do Sân bay Mutiara Sis Al Jufri ở Palu bị thiệt hại nghiêm trọng, buộc phải đóng cửa trong 24 giờ sau trận sóng thần. Sau đó, sân bay đã hoạt động trở lại nhưng bị giới hạn số chuyến bay. Hình ảnh cho thấy, đám đông người dân ở sân bay, chờ đợi để lên các chuyến bay Hercules ra khỏi khu vực.

Yenni Suryani, thuộc Cơ quan Cứu trợ Công giáo, cho biết cơ sở hạ tầng tàn phá đã cản trở các nỗ lực cứu hộ. "Các nhóm nhân đạo đang đấu tranh để đưa mọi người ra khỏi những vùng bị ảnh hưởng", bà nói. Sạt lở đất đã cắt đứt các con đường chính trong khi "điện gần như bị mất ở khắp mọi nơi", bà nói thêm.

Hình ảnh vệ tinh được cung cấp bởi các đội cứu trợ khu vực cho thấy thiệt hại nghiêm trọng tại một số cảng chính của khu vực, với các con tàu lớn bị đẩy vào đất liền, cầu cảng và container bị sóng cuốn đi xa, nằm rải rác ở khắp mọi nơi.

Bambang Soesatyo, diễn giả của Hội đồng đại diện nhân dân và một thành viên của Đảng Golkar, cho rằng chính phủ cần tăng quy mô hoạt động cứu trợ ở khu vực bị ảnh hưởng. Nhiều người phải ngủ ở bên đường và bệnh nhân phải điều trị ngoài trời.

AN BÌNH