Động đất - sóng thần ở Indonesia: Nước mắt và hy vọng từ trong đống đổ nát

Thứ bảy, 06/10/2018 15:30

Cho đến nay, số người chết do động đất, sóng thần tăng lên 1.558 người  trong khi 2.549 người bị thương. Trong ngày 5-10, lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian tìm kiếm người sống sót nhưng hy vọng rất mong manh.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát của khách sạn Mercure hôm 5-10.  Ảnh: CNN

Giới chức Indonesia ngày 5-10 cho biết, hơn 2.000 người có thể đã thiệt mạng trong trận động đất và sóng thần tàn phá đảo Sulawesi vào tối 28-9 khi cho đến nay có thể vẫn còn hơn 1.000 người mất tích.

“Chúng tôi ước tính hơn 1.000 ngôi nhà bị chôn vùi nên có thể hơn 1.000 người vẫn còn mất tích, nhưng cũng không chắc vì có khả năng nhiều người đã thoát được”, phát ngôn viên Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia Yusuf Latif nói với AFP. Trong khi đó, tờ Sky News cũng đưa tin, khoảng 1.000 người vẫn mất tích tại các khu phố của Petobo, Balaroa và Sigi, gần thành phố Palu đã bị phá hủy bởi thảm họa.     

Đống đổ nát ở khách sạn Mercure

Mặt đất vẫn rung chuyển khi Martinus Hamaele bước vào đống đổ nát của khách sạn Mercure, tòa nhà 5 tầng trên bờ biển Palu, ngay sau thảm họa.

Tiếng la hét và kêu rên giúp ông tìm được 6 người và kéo họ ra khỏi đống đổ nát, mặc dù một số tầng của khu nghỉ mát bên bờ biển đã sụp đổ. Nhưng cô con gái 20 tuổi Marienne của ông không phải là một trong số họ. “Chúng tôi cứ tiếp tục hét lên, Marienne, Marienne, Marienne ở đâu?”, ông nói với CNN. Nhưng cô gái không bao giờ trả lời và ông Martinus đã đợi bên ngoài khách sạn trong 6 ngày qua để biết tin tức về con gái.

Ngồi trên bờ biển, có thể thấy Mercure là một trong những tòa nhà đầu tiên cảm nhận đầy đủ ảnh hưởng nặng nề của trận sóng thần hôm 28-9. Gần một tuần sau thảm họa, khách sạn vẫn là một đống đổ nát. Các bức tường vẫn trống hoác, để lộ các phòng bị xé toạc bởi trận động đất và những con sóng khổng lồ tiếp theo sau đó. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn còn hiện diện tại đây, tìm kiếm những người sống sót bị mắc kẹt và cố gắng tránh để nó sụp đổ lần nữa.

Tuy nhiên, công việc cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Họ thiếu thiết bị nặng cần thiết để loại bỏ các mảnh vỡ cồng kềnh, và không có đủ người có chuyên môn để tìm kiếm một cách an toàn. Không ai được tìm thấy còn sống trong khách sạn kể từ sau đêm thảm họa, nhưng anh trai của Marienne, Frets Ferdinand Hamaele nói rằng, anh sẽ không từ bỏ hy vọng. “Đã 6 ngày rồi. Đối với con người bình thường, có lẽ con bé không còn sống”, anh nói với đầy nước mắt. “Nhưng chúng tôi không bao giờ từ bỏ hy vọng. Ít nhất chúng tôi có thể tìm được thi thể con bé. Và nếu Đức Chúa Trời ban hy vọng, thì con bé vẫn còn sống”.

Một đứa trẻ bị thương đang được người họ hàng chăm sóc tại một bệnh viện tạm thời ở Palu hôm 5-10.

Bị chệch hướng

6 ngày sau thảm họa, số người chết do động đất, sóng thần tăng lên 1.558 người trong khi 2.549 người bị thương. Ít nhất 70.000 người vô gia cư trong khi các bệnh viện thiếu điều kiện cần thiết để điều trị khoảng 2.500 người bị thương. Nguồn cung cấp thực phẩm và nước cơ bản đã bắt đầu trở lại khu vực nhưng cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng, với một số thị trấn bị ảnh hưởng còn lại không thể tiếp cận. Khi Hội Chữ thập đỏ Indonesia đến được làng Petobo, họ chỉ đơn giản nói rằng, thị trấn này đã bị “xóa sổ”. “Chúng tôi thấy ngôi làng - nơi có gần 500 người - không còn tồn tại”, Hội Chữ thập đỏ cho biết trong một tuyên bố.

Người dân ở Petobo nói với CNN rằng, họ nhìn thấy mặt đất biến thành chất lỏng trước mắt, nhìn những ngôi nhà của những người thân yêu sụp đổ xuống đất, với nhiều người hầu như không thoát được. Hàng ngàn người ở Palu đang cố chạy trốn qua các tàu quân sự của Indonesia, vốn đến để cung cấp các nguồn vật tư, y tế cho khu vực bị tàn phá. Những người khác xếp hàng chờ đợi tại sân bay Palu để có cơ hội “đi nhờ” những máy bay quân sự khổng lồ khởi hành đi Makassar, Manado và Balikpapan, một thành phố cảng trên đảo Borneo. Nhưng thiệt hại tại sân bay Palu đã khiến một số máy bay lớn hơn không thể hạ cánh, người đứng đầu Cơ quan Sân bay Benyamin Noah nói với CNN. Tuy nhiên, ông cho biết thêm, mọi việc sẽ được cải thiện vào cuối tuần này.

Sân bay quá tải trong bối cảnh nhiều người muốn rời khỏi Palu và trung tâm Sulawesi để đến các địa điểm an toàn hơn. Nhưng nhân viên sân bay cho biết, con số này bằng một nửa so với mức đầu tuần.

Hàng cứu trợ đã đến

Giữa những giọt nước mắt và nỗ lực chạy đua cứu hộ, thỉnh thoảng có những tia hy vọng tìm kiếm được những người sống sót.

Eva Sera, một người mẹ 45 tuổi, cười tươi khi đứng chờ 5 người con của mình ở Sân bay Palu để bay đến Makassar ở Nam Sulawesi sau khi họ được một người thân ở Jakarta đặt vé trực tuyến. Và từ ngày 4-10, máy bay của Hải quân Indonesia cũng đã chở lượng lớn vật tư, bao gồm cả chăn và lều, đến Palu. Trên đường trở về để chở thêm vật tư, máy bay cho 250 hành khách “đi nhờ”. Phát biểu trong chuyến thăm đến khu vực bị ảnh hưởng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ưu tiên hàng đầu của ông là thiết lập lại các dịch vụ cơ bản trước khi tập trung tái thiết.

Thị trấn Donggala, nơi bị thiệt hại nặng nề bởi thảm họa và cho đến nay vẫn không thể tiếp cận bằng đường bộ, đã nhận được nước, gạo, tã lót, sữa, quần áo và các đồ tiếp liệu khác, do tàu hải quân Indonesia Kalbirang cung cấp. Các vùng biển gần thị trấn, nơi các tàu khổng lồ không thể cập cảng, có một đội tàu đánh bắt cá đến để nhận nguồn cung cấp. 4 tàu chở dầu đang trên đường đến Palu chở 11,2 triệu lít nhiên liệu trong khi điện đang dần được khôi phục.

Trong khi đó trên mặt đất, các cơ quan viện trợ quốc tế đang làm việc suốt ngày đêm để giúp đỡ những người không thể tìm được lối thoát hoặc quyết tâm ở lại. “Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để điều trị y tế, cung cấp nước sạch và hỗ trợ cho những vùng bị ảnh hưởng nặng nhất”, Iris van Deinse, thuộc Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) tại Palu cho biết. “Những người sống sót sau thảm họa này đã mất đi những người thân yêu, nhà cửa và sinh kế. Chúng tôi cũng không thể để họ mất hy vọng”, ông nói thêm.

KHẢ ANH