Đóng điện thành công đường dây 500 kV Pleiku -Mỹ Phước - Cầu Bông

Thứ ba, 06/05/2014 08:47

(Cadn.com.vn) - 16 giờ 50 ngày 5-5-2014, Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành an toàn đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông.

Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN), việc đóng điện và đưa vào vận hành công trình trọng điểm cấp bách đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đúng tiến độ có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định từ miền Bắc vào miền Nam, kịp thời cung ứng đủ điện cho sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của toàn Miền Nam nói chung và TPHCM nói riêng ngay trong mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo.

Bảo đảm điện cho miền Nam

Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông là dự án trọng điểm của các trọng điểm với mục tiêu xây dựng nhằm đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam giai đoạn 2014 – 2015, tạo tiền đề liên kết lưới điện khu vực, góp phần đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng – miền trên cả nước.

Dự án có tổng trị giá gần 9.300 tỷ đồng. Về quy mô, dự án xây dựng mới đường dây 500kV mạch kép, phân pha 4 dây/1 mạch dài 437,514 km từ TBA 500kV Pleiku đến TBA 500kV Cầu Bông; mở rộng diện tích tại các Trạm 500 kV Pleiku và Trạm 500 kV Cầu Bông, lắp thiết bị các ngăn xuất tuyến 500kV tại mỗi trạm; xây dựng mới 2 trạm lặp quang đồng bộ với tuyến cáp quang trên đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và 1.092m đường dây 22kV, 2 TBA công suất 22/0,4kV-50kVA cấp điện cho 2 trạm lặp quang Buôn Đôn và Bù Đăng.

Dự án đi qua 5 địa phương là Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Bình Dương và TPHCM với chiều dài toàn tuyến là 437,514 km.

Cùng với đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, việc đưa vào vận hành kịp thời đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông góp phần tạo tiền đề liên kết lưới điện khu vực Đông  - Tây Nam Bộ, đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng – miền trên cả nước.

Theo ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc đưa vào tổ máy 1 Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) trong tháng 4 vừa qua cùng với việc chuẩn bị đóng điện đường dây 500 kV Mỹ Phước - Cầu Bông sẽ giúp giảm căng thẳng về cấp điện cho các tỉnh phía Nam cũng như đảm bảo cấp điện cho cả nước trong các tháng mùa khô.

Đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông. Ảnh: EVN

Giảm nỗi lo thiếu điện!

Theo tính toán của Bộ Công Thương, với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm khoảng 9,2% trong năm 2014 và năm 2015, hệ thống điện toàn quốc vẫn đảm bảo công suất dự phòng thô từ 18-29%. Tuy nhiên, do phân bố không đều, cụ thể là các tỉnh miền Trung luôn có dư thừa dự phòng mức cao 79-94%, miền Bắc dư thừa từ 24-32% trong khi miền Nam lại không có công suất dự phòng hoặc dự phòng thấp (9%).

Trong khi đó, tình hình cung ứng điện miền Nam đang phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của các đường dây truyền tải liên kết Bắc-Trung-Nam. Trong trường hợp công suất dự phòng sửa chữa và gặp sự cố thì nguy cơ thiếu điện tại miền Nam trong các tháng mùa khô sẽ rất cao.

Ước tính mỗi năm, miền Nam nhận một lượng điện năng khá lớn bổ sung từ miền Bắc và miền Trung, riêng năm 2014 con số này khoảng 12,9 tỷ kWh, tương đương 2.500 MW truyền tải và ước tính năm 2015 khoảng 15,7 tỷ kWh, tương đương 2.800 MW.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay nguồn phát ước tính lên đến 30.000 MW, so với tiêu dùng thực tế vẫn đang thừa khoảng 10.000 MW. Tuy nhiên, do nguồn phát phân bố không đều nên việc cấp điện tải các tỉnh phía Nam cần được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Do vậy, để giảm áp lực thiếu điện, lãnh đạo Tổng cục Năng lượng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần tính toán để việc cấp khí cho các nhà máy điện chạy khí hoạt động ổn định. “Hiện EVN đã chuẩn bị các phương án phát điện để đảm bảo cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng”, Phó Tổng Giám đốc EVN Dương Quang Thành khẳng định.

Nguyên An - Tiến Đức-Phương Kiếm