Động lực nào cho giáo viên?

Thứ tư, 24/02/2016 10:06

(Cadn.com.vn) - Có một bộ phận không nhỏ giáo viên sau dăm bảy năm công tác, nhiệt huyết giảm, thậm chí không còn động lực phấn đấu. Đây là một thực tế mà ngành Giáo dục cần thẳng thắn nhìn nhận và có giải pháp để chấn chỉnh.

Lẽ thường, làm việc gì cũng cần phải có động lực thì mới có kết quả tốt đẹp. Ví dụ: Mong muốn có một chỗ ngồi ở giảng đường ĐH là động lực cho học sinh cố gắng học giỏi; ra trường có việc làm thu nhập tốt là động lực cho sinh viên nỗ lực học hành; người đi làm cố gắng hoàn thành tốt công việc để được tăng lương, được thăng quan tiến chức là động lực phấn đấu… Thế nhưng, với giáo viên, dường như họ không có động lực nào để phấn đấu! Khi chúng tôi đặt vấn đề này với 10 giáo viên thì họ đều cười, bảo: "Giáo viên thì có gì mà phấn đấu"?!

Quả thực, giáo viên không có động lực gì cho họ phấn đấu. Bởi lẽ môi trường giáo dục hiện không có tính cạnh tranh, không có sự đào thải, mà cào bằng tất cả theo kiểu bình quân chủ nghĩa. Người làm việc tâm huyết, nhiệt tình, hiệu quả cũng cứ 3 năm đến hẹn lại lên lương. Người cứ tà tà làm việc, không nhiệt tình, hiệu quả thấp cũng cứ 3 năm đến hẹn lại lên lương. Người đã trúng tuyển biên chế cứ tà tà làm việc, chẳng lo mất việc vì không có tính cạnh tranh, đào thải. Người bồi dưỡng học sinh giỏi đoạt giải cao nhưng không hề có sự khác biệt nào với người chưa bao giờ đạt thành tích… Thế nên, giáo viên phấn đấu để làm gì?

Trong khi đó đồng lương giáo viên hiện nay quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Đã thế, công việc lại chịu quá nhiều áp lực. Bàn về lương giáo viên, một nhà giáo dạy trước và sau năm 1975 đưa ra sự so sánh: "Tôi tốt nghiệp ĐH sư phạm năm 1973, tôi lãnh lương 30.000 đồng/tháng, ở nhà sang trọng nhưng chỉ hết có 5.000 đồng, tức lương 5 phần thì tiêu hết 1. Giáo viên bây giờ thì ngược lại, lương 1 phần nhưng cần đến 5 phần để trang trải cuộc sống".

Theo kết quả khảo sát của TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, hiện giáo viên đang chịu quá nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến động lực làm việc của họ: 86,6% giáo viên cho rằng công việc sổ sách, giấy tờ quá nhiều; 78% giáo viên cho rằng yếu tố thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống ảnh hưởng nhiều đến công việc; 66,3% nói việc chưa có chính sách khuyến khích đối với giáo viên tâm huyết, có năng lực cũng là vấn đề họ băn khoăn, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy...

Thực tế cho thấy có một bộ phận không nhỏ giáo viên sau dăm bảy năm công tác, nhiệt huyết giảm, thậm chí không còn động lực phấn đấu. Đây là một thực tế mà ngành Giáo dục cần thẳng thắn nhìn nhận và có giải pháp để chấn chỉnh.

Thiết nghĩ, trong khi chờ có chế độ đãi ngộ tốt để giáo viên sống được bằng lương, ngành Giáo dục cần có chính sách tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, thi đua một cách thực chất, đừng để ngọn lửa nhiệt tình và yêu nghề tàn lụi sau dăm bảy năm công tác. Khi giáo viên có động lực làm việc, chắc chắn ngành Giáo dục sẽ có sự đổi thay tích cực!

Hoài Thuận