Đóng tàu theo Nghị định 67 ở Quảng Nam: Chưa có tàu nào được vay vốn
(Cadn.com.vn) - Là địa phương có truyền thống về khai thác thủy sản, thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, cả tỉnh Quảng Nam chỉ có 350 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại, hầu hết là tàu công suất nhỏ dưới 90 CV. Điều này khiến Quảng Nam chưa thể phát huy hết sức mạnh, lợi thế của mình trong việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản.
Thực hiện NĐ 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Quảng Nam được phân bổ 92 tàu, trong đó có 53 tàu vỏ gỗ, 30 tàu vỏ thép và 9 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá cho 6 huyện, thành phố có nghề cá của tỉnh. Tỉnh cũng đã giới thiệu 21 thiết kế mẫu tàu vỏ thép và công bố 10 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định trên địa bàn tỉnh.
Ngoài số lượng tàu được phân bổ, Quảng Nam hiện có tới 150 hộ và nhóm hộ ngư dân đăng ký vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 để đóng mới và cải hoán tàu có công suất lớn. Trên cơ sở đề nghị của các địa phương, UBND tỉnh đã 2 đợt phê duyệt với 57 dự án đủ điều kiện đóng mới (mỗi tàu này có công suất từ 700 - 1.200 CV, kinh phí đóng mới phổ biến từ 4 đến 13,5 tỷ đồng).
Trong đợt 1, Quảng Nam có 33 chủ tàu (hộ, nhóm hộ) thực hiện 33 dự án đóng mới tàu, gồm có 14 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ composit và 17 tàu vỏ gỗ. Đợt 2 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 23-1 vừa qua, với 23 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới 24 tàu, gồm 8 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ composit, 14 tàu vỏ gỗ; đồng thời quyết định cho 3 chủ tàu ở H. Thăng Bình nâng cấp tàu.
Thời gian triển khai thực hiện trong năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, cả 57 dự án tàu đóng mới theo Nghị định 67 đã được UBND tỉnh phê duyệt vẫn chưa có hồ sơ nào được giải ngân vốn. Gần một nửa trong số 33 hộ (nhóm hộ) được phê duyệt danh sách vay vốn đóng tàu đợt 1 phải lập lại phương án vay vốn từ đầu theo quy định tại Nghị định 67 vì các chủ tàu tự đưa ra mức dự toán thấp hơn giá trị thực tế con tàu, ngành chức năng và chính quyền địa phương thiếu sót trong khâu thẩm định.
Không ngồi chờ vốn ưu đãi theo NĐ 67, nhiều ngư dân Quảng Nam vay vốn đóng tàu gỗ để vươn khơi. |
Theo nội dung trong quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam, để thực hiện Nghị định 67, các chủ tàu phải chịu trách nhiệm lựa chọn và chủ động liên hệ với một chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hoàn chỉnh các hồ sơ vay vốn theo yêu cầu và thống nhất các nội dung ký kết hợp đồng vay vốn; đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định về đóng mới, cải hoán tàu cá, quản lý, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, và hoàn trả nợ gốc, lãi vay theo đúng kỳ hạn.
* Sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện Nghị định 67, đã có 16/28 tỉnh, thành phố có văn bản đề xuất danh mục dự án ưu tiên về Bộ NN&PTNT; 5 tỉnh, thành phố thực hiện bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và tai nạn thuyền viên với tổng số phí hơn 6.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đa số các địa phương đều gặp khó khăn trong việc triển khai, ngư dân khó khăn trong việc tiếp cận vốn… Để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị: “Cần tiếp tục kiên trì mục tiêu chính sách đã đưa ra, phát triển sản xuất kết hợp bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ biển, hải đảo, tổ chức lại sản xuất nghề cá, khai thác thủy hải sản; Tích cực triển khai thực hiện đúng pháp luật và hết sức chặt chẽ; thực hiện đúng đối tượng; không để kẻ xấu lợi dụng chính sách”. |
Với những ngư dân chỉ quen đi biển thì việc lập dự án, thiết kế, các hồ sơ thủ tục vay vốn... đóng mới tàu gặp nhiều khó khăn. Bà Vũ Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Quảng Nam cho biết: “Ba khó khăn cần được tháo gỡ là phần lớn ngư dân đang sở hữu tàu có công suất dưới 400 CV, trong khi đó quy định của Nghị định 67 chỉ cho tàu có công suất từ 400 CV trở lên mới được vay; ngư lưới cụ, thiết bị trên tàu của ngư dân hầu hết đã cũ và nhiều người cùng chung sở hữu một con tàu, song ngân hàng lại thiếu kinh nghiệm trong việc thẩm định giá đối với thiết bị cũ; bà con chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh và kế hoạch trả nợ vốn vay cho ngân hàng”.
Ngoài việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi gặp không ít khó khăn, nhiều ngư dân khi tiếp cận với chủ trương đóng mới tàu vỏ sắt cũng băn khoăn là làm thế nào để khai thác đánh bắt thủy sản hiệu quả bằng loại tàu này, có như vậy mới có điều kiện để hoàn vốn cho Nhà nước.
Do việc giải ngân vốn ưu đãi theo Nghị định 67 chậm nên một số hộ (nhóm) ngư dân ở Quảng Nam không thể ngồi chờ, đã chủ động đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi. Ông Bùi Ngọc Tuấn ở xã Tam Hải (H. Núi Thành) quyết định bán chiếc tàu cá 300CV, bỏ thêm vốn cùng với nguồn vốn vay 1,5 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam để đóng mới chiếc tàu gỗ hơn 1.000 CV, trị giá hơn 4,5 tỷ đồng.
Với chiếc tàu công suất lớn này ông Tuấn có thể yên tâm bám biển khai thác ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Hoàng Sa. Nhóm hộ ông Trần Công Tú và 5 ngư dân khác ở xã Bình Minh (H. Thăng Bình) đang chuẩn bị hạ thủy chiếc tàu gỗ hơn 450CV, trị giá 2,5 tỷ đồng, do nhóm góp vốn và vay thêm 1 tỷ từ Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam.
Trước nhưng khó khăn của ngư dân, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo ngành chức năng khảo sát thực tế, tham mưu giải quyết theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích ngư dân nâng cao năng lực tàu thuyền để đủ điều kiện vươn khơi. Ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tỉnh đã triển khai và tin tưởng rằng sẽ thực hiện cao hơn những chỉ tiêu về số lượng tàu thuyền được Chính phủ giao. Ngoài việc hỗ trợ của Trung ương, bằng nguồn ngân sách của địa phương, chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm cho ngư dân để thúc đẩy phát triển ngành kinh tế thủy sản”.
Thạch Hà