Đột nhập lãnh địa voi rừng

Thứ hai, 03/03/2014 10:28

* KỲ 1: NGƯỜI DÂN “KỂ TỘI” ÔNG TƯỢNG

(Cadn.com.vn) - Có đến tận nơi sờ đo từng bước chân voi, chúng tôi mới cảm nhận hết nỗi sợ hãi mà người dân đang đối mặt. Sau gần 10 năm vắng bóng, thời gian qua đàn voi rừng nằm giáp ranh giữa 3 huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức (Quảng Nam) lại tiến xuống khu vực gần nhà dân quấy phá. Tuy đàn voi chưa tấn công con người, nhưng sự trở lại của chúng khiến người dân không dám lên rẫy...

TÀN PHÁ HOA MÀU

Nằm phía thượng nguồn dòng Sông Tranh, thôn 5, xã Trà Đốc (H. Bắc Trà My) lọt thỏm giữa đại ngàn. Cũng như bao dân tộc vùng cao khác, người dân đồng bào Ca Dong nơi đây sống theo từng cụm, mỗi cụm với hàng chục hộ dân sống nương tựa vào nhau. Hỏi đường vào khu vực Khe Dưng (còn gọi tổ 3), thôn 5, một người dân ở khu vực ngã tư Trà Đốc ngạc nhiên: “Mấy anh đi đâu mà vào tới trong đó. Nếu đi du lịch thì không nên vào đó. Nghe nói mấy hôm nay voi rừng về làng đó phá dữ lắm... Vì tôi chưa vào nên không biết đường, mấy anh cứ đi thẳng theo đường này rồi gặp ai thì hỏi thêm”, người thanh niên chỉ hướng đi khi thấy chúng tôi vẫn không thay đổi hành trình.

Để vào đến khu vực trên, từ TT Bắc Trà My chúng tôi phải chạy xe máy trên cung đường núi quanh co, dốc cao hiểm trở, chỉ vừa mỗi chiếc xe máy lưu thông. Sau gần hai tiếng vừa chạy vừa dắt xe, chúng tôi cũng vào đến khu vực làng Khe Dưng. Cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy. Thế nhưng từ tháng 9-2013 đến nay, sự trở lại của đàn voi rừng đã phá lúa, hoa màu, cây cối khiến người dân đang lâm vào cảnh thiếu ăn.

Ông Nguyễn Cao Cường (60 tuổi, tổ 3, thôn 5, xã Trà Đốc) cho biết: “Thời điểm tháng 9 năm ngoái lúa rẫy của chúng tôi sắp thu hoạch, nhưng đàn voi về chúng vừa ăn, vừa phá khiến toàn bộ 16 ang giống gieo trước đó không thu hoạch được gì. Ngoài lúa, các loại cây sắn, bắp, mía, khoai lang cũng bị chúng ăn và dẫm nát. Chúng quanh quẩn khu vực nương rẫy nên chúng tôi không dám lên đó làm vì sợ bị tấn công. Cách đây hơn 1 tuần, cháu Hồ Văn Bảy cùng mấy đứa trong làng đi soi ếch ban đêm. Khi lên đến khu vực đầu nguồn Ngọn Dưng phát hiện đàn voi đang đi kiếm ăn, Bảy cùng mấy đứa sợ bỏ chạy vứt cả đèn pin”.



Ông Nguyễn Cao Cường bên rẫy và lều  bị voi quật ngã.

Ngoài hộ ông Cường, 12 hộ dân còn lại của làng Khe Dưng có cây cối, hoa màu trên rẫy và các khu nà ven Sông Tranh bị voi giẫm đạp, phá nát. Trong đó có 11 hộ bị thiệt hại nặng. Riêng hộ ông Hồ Văn Nhựt, gia đình có ba con nhỏ từ đầu năm 2014 đến nay bị thiếu gạo ăn vì toàn bộ diện tích lúa rẫy vụ vừa rồi bị voi phá sạch không thu hoạch được.

Ông Hồ Văn Tiến, Trưởng thôn 5 cho biết: Nhiều diện tích rẫy của dân tại dây chỉ cách làng khoảng 500m, voi đến giẫm phá, sợ voi tiến vào làng, dân làng đã nhiều lần tổ chức xua đuổi bằng cách la hét, dùng tiếng động lớn và lửa nhưng voi không sợ, không bỏ đi mà còn quay lại hành hung. Rất may là đàn voi đã không tiến vào làng nên chưa có thiệt hại về nhà cửa và người. Đàn voi quá hung dữ nên hàng chục héc-ta nương rẫy ở của dân làng phải bỏ hoang, đứng trước nguy cơ thiếu lương thực trong thời gian tới. Trước sự việc trên đại diện thôn đã báo cáo lên xã để có hướng giải quyết, hỗ trợ người dân. Sau khi người dân phản ánh, đầu năm nay, xã Trà Đốc đã hỗ trợ cho 11 hộ dân bị thiệt hại nặng, mỗi hộ 50kg gạo. Tuy nhiên theo người dân, số gạo trên mỗi hộ chỉ ăn vài ngày là hết.

Đoàn cán bộ xã Trà Đốc cùng người dân trên đường lên rẫy kiểm  kê hoa màu bị voi phá.

TIẾP CẬN HIỆN TRƯỜNG

Trước sự việc trên, ngày 26-2, ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cùng các ban, ngành của xã vào hiện trường nương rẫy của người dân bị voi phá để thống kê thiệt hại, P.V Báo Công an Đà Nẵng cũng tham gia. Từ làng Khe Dưng, sau hơn 1 giờ lội bộ, chúng tôi mới đến được khu vực rẫy bị voi phá. Tại rẫy hộ ông Nguyễn Cao Cường, một cảnh tượng hoang tàn do voi phá hiện ra trước mắt. Chuối, bắp bị ngã đổ, giẫm nát nằm khắp nơi. Những nương lúa đang giai đoạn làm đòng cũng bị giẫm nát... Qua kiểm tra diện tích lúa bị voi phá là 0,4ha, thiệt hại 6 ang giống.

Ngoài ra 30 gốc chuối, 1 sào khoai lang, 30 gốc mía, 60 gốc cà, 23 gốc môn... cũng bị voi ăn, phá. Gần đó, chiếc chòi giữ rẫy của ông Mười cũng bị voi quật ngã. Dấu chân, phân voi nằm rải rác khắp nơi. Tiếp tục kiểm tra rẫy hộ ông Hồ Văn Mười, voi phá 6 ang lúa giống, 1.000 gốc sắn, 1 sào khoai lang, 1 sào bắp... Theo thông tin ông Hồ Văn Xen đi cùng đoàn nắm được, đàn voi lúc này đã qua khu vực Suối Mái, cách làng chỉ hơn 1km. Nghe vậy chúng tôi nói một số người dân dẫn đi để “mục sở thị” đàn voi, nhưng ai cũng đều sợ không dám nhận lời...

Đối với người dân làng Khe Dưng, việc nhìn thấy voi là chuyện thường ngày. Nhưng khi phát hiện ra voi, ai nấy đều bỏ chạy. Anh Hồ Văn Tùng (nguyên CA viên xã Trà Đốc) cho biết: “Cách đây vài hôm mình lên rẫy thấy đàn voi đang đi kiếm ăn ở mé rừng. Mình thấy một con to lắm, khi nó đi lưng chạm ngang một cành cây cao, ước chừng con voi cao trên 2 mét. Gần đây đêm nào mình cũng lo sợ, không dám ngủ vì sợ nó về làng. Ban ngày cũng không dám lên rẫy một mình. Sáng  24-2, mình cùng với mấy người trong thôn lên rẫy khu vực Suối Mái. Khi gần đến nơi thấy đàn voi đang nằm ở đó. Ai nấy đều sợ lẳng lặng trở về không dám phát rẫy”.

“Sau khi kiểm tra hai hộ bị thiệt hại nặng nhất, chúng tôi lập biên bản báo cáo lên huyện nhằm có hướng xem xét, hỗ trợ gạo kịp thời cho người dân. Bên cạnh kiến nghị lên huyện có phương án bảo vệ an toàn cho dân và đàn voi. Trước đó chúng tôi cũng đã có văn bản gửi cho những hộ dân với nội dung không nên lên khu vực rẫy có đàn voi ở; nghiêm cấm người dân làm bẫy dây, bẫy lồ ô, bẫy hầm... để bắt voi. Trường hợp đối tượng nào cố tình làm thiệt hại cho đàn voi thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, ông Hồ Văn Lợi cho biết.

Trần Tân