Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích K20: Vì sao "mắc kẹt"?
(Cadn.com.vn) - Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu căn cứ Cách mạng K20 thuộc phường Khuê Mỹ- Q.Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) được đầu tư hơn 36 tỷ đồng không chỉ kéo dài đến "mệt mỏi" mà đang còn "mắc kẹt" đủ đường.
Mệt mỏi vì quá lâu
Khu căn cứ Cách mạng K20 (Khu K20) là vùng lõm giữa TP, gần sân bay Nước Mặn. Trong kháng chiến, nhân dân sống giữa lòng địch, họ đào hầm, làm giao liên, đưa bộ đội về nuôi, tiêu hao sinh lực địch. Năm 2010 Khu K20 được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, sau đó 1 năm được TP triển khai đầu tư hơn 36 tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo, phục vụ tham quan, học tập, giáo dục tinh thần yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm của quân dân xóm Nước Mặn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Việc bảo tồn, tôn tạo Khu K20 giữa lòng thành phố đã đáp ứng được nguyện vọng của các nhân chứng còn sống, các vị anh hùng cách mạng đã có công gắn bó, hoạt động, đấu tranh kiên cường tại đây. Sau 5 năm khởi công, đến nay dự án đã hoàn thành một số hạng mục như trùng tu tôn tạo di tích nhà thờ bà Nhiêu, nhà thờ tộc Huỳnh, nhà ông Huỳnh Trưng, nhà truyền thống K20, Miếu Tiến sỹ, tuyến đường giao thông số 1 và giao cho Tổ quản lý Di tích K20 tiếp quản, khai thác, sử dụng.
Hiện tại dự án vẫn đang trong quá trình triển khai giai đoạn 2 và chưa biết khi nào hoàn thành. Ông Huỳnh Văn Hùng- Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP Đà Nẵng cho biết, sở dĩ dự án kéo dài, khiến những người làm văn hóa thấy "mệt mỏi" vì qui mô dự án đầu tư lớn mà nguồn kinh phí dàn trải. Chưa kể, trong quá trình triển khai dự án đã phải điều chỉnh qui hoạch tới 3 lần, việc giải phóng mặt bằng cũng chậm trễ.
Khu di tích thấp hơn khu đô thị xung quanh trung bình 3m. |
Đụng là vướng
Không chỉ kéo dài, hiện dự án đang gặp nhiều vướng mắc. Ông Hùng nói, mặc dù là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, song đặc thù có nhiều hạng mục di tích cũng chính là nhà dân. Trong quá trình bảo tồn di tích đã va chạm với đô thị hóa. Cụ thể, Khu K20 là vùng lõm có diện tích gần 6ha, khi tiến hành xây dựng dự án khu đô thị, cả Khu K20 bị trũng xuống, mưa xuống nước tràn ngập, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo tồn, tôn tạo di tích và nhu cầu, cuộc sống của các hộ dân. Ông Hùng nói, nếu để nguyên trạng thì không được, nếu TP đầu tư kinh phí san nền toàn Khu di tích để cao bằng khu đô thị xung quanh thì người dân trong vùng lõm Khu K20 sẽ phân lô bán đất. Vì nói là Khu di tích nhưng nhà đất vẫn của người dân, họ vẫn có sổ đỏ. Mà khi Khu di tích bị đô thị hóa thì việc bảo tồn các giá trị càng khó khăn. Thành thử bây giờ dự án "mắc kẹt" chưa biết xử lý thế nào.
Cũng theo ông Hùng, nguồn kinh phí đầu tư bảo tồn, tôn tạo Khu di tích rất lớn, tuy nhiên việc khai thác, phát huy giá trị di tích lại gặp nhiều khó khăn. Mặc dù một số hạng mục trong Khu di tích đã đưa vào khai thác, nhưng theo đánh giá của Sở Văn hóa-Thể thao thì chưa phát huy thành một điểm du lịch văn hóa sinh thái làng quê, chưa có sản phẩm du lịch để thu hút khách tham quan. Ông Hùng nói, khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài khi tới Đà Nẵng thường quan tâm nhiều tới văn hóa Chăm, làng đá Non Nước, quan tâm tới những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng của Đà Nẵng. Khi du khách nước ngoài vào bảo tàng, nếu để ý thấy họ đi qua khu kháng chiến rất nhanh. Nói chung di tích cách mạng phát huy giá trị rất khó khăn mà Khu di tích K20 là một công trình như vậy.
Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu căn cứ cách mạng K20 được đầu tư nguồn kinh phí lớn, vì thế để phát huy giá trị của Khu di tích cần phải nghiên cứu thêm các sản phẩm để thu hút, phục vụ du khách đến với khu căn cứ, kết hợp với tuyến điểm tham quan du lịch đường sông. Ngoài ra, TP cũng cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các hạng mục còn lại của Khu di tích.
Hải Quỳnh-Lệ Thu