Dự án BLEND góp phần thúc đẩy chất lượng và kết quả học tập của học sinh

Thứ bảy, 10/06/2023 11:21
Đó là đánh giá của giới chuyên môn tại Hội thảo Tổng kết và chia sẻ về kết quả triển khai Dự án: "Kết hợp các hình thức phát triển chuyên môn cho các bộ quản lý và giáo viên" (gọi tắt là dự án BLEND) do Tổ chức Hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (gọi tắt là VVOB) phối hợp Vụ Giáo dục Tiểu học, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục- Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 9-6 tại Đà Nẵng.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Dự án được triển khai tại 4 tỉnh, thành: Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên và Quảng Trị, giai đoạn từ tháng 10- 2021 đến tháng 6-2023.

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát (2020- 2021), việc phải đóng cửa các trường học trong một thời gian đã làm gián đoạn nghiêm trọng đến việc học tập của các em học sinh. Nỗ lực giảm thiểu khoảng trống kiến thức, trong khoảng thời gian này, chính phủ Việt Nam đã chuyển hướng sang giáo dục từ xa và trực tuyến, cũng như chuyển sang hình thức trực tuyến cho các hoạt động phát triển chuyên môn của giáo viên, lãnh đạo trường học. Tuy nhiên, các cán bộ quản lý và giáo viên không được chuẩn bị tốt cho quá trình chuyển đổi này, cùng với các vấn đề khác như thiếu cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin trực tuyến để tham gia, chưa được trang bị các kỹ năng kỹ thuật số cần thiết, cũng như việc khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên tích cực tham gia và hoàn thành các chương trình phát triển chuyên môn với hình thức trực tuyến còn nhiều khó khăn.

Từ tháng 10- 2021, dự án BLEND bắt đầu được triển khai, hướng tới mục tiêu góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của các trường Tiểu học trong các hoạt động phát triển chuyên môn về học thông qua chơi, với hình thức cộng đồng học tập chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn, kết hợp giữa các hình thức trực tiếp và trực tuyến. Nhằm thích ứng với bối cảnh và mở rộng các trải nghiệm, dự án BLEND đã xây dựng, tổ chức 3 khoá tập huấn gồm: "Nâng cao năng lực số"; "Cộng đồng học tập chuyên môn" và "Phát triển kỹ năng, hỗ trợ chuyên môn". Nội dung của các khóa tập huấn đều được tham vấn với các chuyên gia của Cục Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; Vụ Giáo dục Tiểu học và các Sở GD-ĐT của 4 tỉnh, thành tham gia dự án.

Trong khuôn khổ dự án, các khóa tập huấn về "Nâng cao năng lực số" đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 1.060 cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán. Hơn 1.071 bộ thiết bị đã được trang bị nhằm phục vụ cho hoạt động học tập trực tuyến. Các khóa tập huấn trực tiếp về "Nâng cao năng lực số" nhằm mục tiêu hỗ trợ kiến thức cùng kỹ năng công nghệ thông tin cần thiết giúp các cán bộ quản lý, giáo viên có thể lồng ghép công tác học tập trực tuyến trong các hoạt động phát triển chuyên môn cho giáo viên, cũng như tổ chức các buổi họp cộng đồng học tập chuyên môn và hỗ trợ chuyên môn trực tuyến.

Đến nay, hơn 1.100 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán đến từ 961 trường Tiểu học và các Sở, Phòng GD-ĐT trong địa bàn dự án đã hoàn thành 2 khóa học trực tuyến về "Cộng đồng học tập chuyên môn", "Phát triển kỹ năng, hỗ trợ trợ chuyên môn". 163 buổi họp trực tuyến đã được tổ chức với 36 "Cộng đồng học tập chuyên môn" liên tỉnh. 975 cán bộ, giáo viên đã tham gia từ 1 đến 5 buổi sinh hoạt "Cộng đồng học tập chuyên môn" liên tỉnh trực tuyến. Thành viên các "Cộng đồng học tập chuyên môn" không chỉ tham gia chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về quá trình thành lập và vận hành, mà còn tham gia cùng điều hành một số buổi họp của cộng đồng, góp phần nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm điều hành các buổi họp trực tuyến, nâng cao tính hiệu quả của các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn theo hướng giáo viên chủ động học tập, cùng nhau tìm giải pháp cho các vấn đề dạy - học từ thực tiễn.

Các nội dung và hoạt động trọng tâm của dự án "Kết hợp các hình thức phát triển chuyên môn" sẽ tiếp tục được lan tỏa tới tất cả các cán bộ quản lý và giáo viên tại 4 tỉnh, thành nói trên, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát triển chuyên môn, đặc biệt là về học thông qua chơi, từ đó góp phần thúc đẩy chất lượng và kết quả học tập của các em học sinh tại các trường Tiểu học trong khuôn khổ của dự án.

Xuân Sơn